Chúng tôi đến chùa Đức Viên, ngay trung tâm khu vực người Việt, nằm ngay góc Tully và McLaughlin. Đây là ngôi chùa vào loại nguy nga nhất tại San Jose, do các sư cô tu trì, và cũng là nơi có sinh hoạt văn hóa và tôn giáo mạnh nhất tại San Jose. Tại đây, những ngày cuối tuần, hàng trăm các cháu thiếu nhi đến học tiếng Việt và học giáo lý Phật giáo. Tại đây, cũng có khu người già, sãnh đường triển lãm thư pháp,… Vào những ngày cuối tuần có những khoá tu, những thời thuyết pháp, và thu hút rất đông số Phật tử, nhất là Phật tử trẻ. Có thể nói, sinh hoạt Phật sự tại chùa Đức Viên được xem là mạnh nhất trong vùng. Các sư cô tại đây ngoài chuyện tu hành, Phật sự, còn theo học đại học, và hầu hết đều đổ đạt cao.
Năm nào, lễ giao thừa tại Đức Viên cũng thu hút vài ngàn Phật tử, mà đa số là tuổi trẻ, và có nhiều sinh hoạt tấp nập. Trước khi rời tòa soạn ra chùa, tôi linh cảm năm nay chùa sẽ bớt náo nhiệt vì thành phố ra lệnh cấm/giới hạn đốt pháo. Mọi năm, vào ngày giáp Tết, khu Lion Plaza, Grand Century Mall hay những khu người Việt như Senter, Tully, tiếng pháo đã nổ giòn giả từ buổi trưa, và nhất là lúc cúng giao thừa. Thế nhưng, trưa nay, nhóm phóng viên truyenhinhvietnam.tv đến các khu trên làm tin, thì có thể nói rằng rất ít tiếng pháo, ít đến nổi mà cũng khó “chộp” được cảnh đốt pháo để mà thu hình.
|
Trên những khu công cộng, cảnh sát còn treo bản cảnh cáo nạn đốt pháo bừa bãi và nếu vi phạm sẽ bị phạt 1 ngàn Mỹ kim. Trên đường ra chùa, không nghe tiếng pháo nổ…
Ấy vậy mà đến khu chùa Đức Viên, thì một khung cảnh hoàn tòan khác. Pháo nổ tưng bừng, bất tận và giòn giả… Có lẽ chùa Đức Viên được phép đốt pháo đón Xuân. Bên ngoài thì là cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Dòng người ra vào bất tận, có thể lên tới con số cả chục ngàn người. Cảnh chật chội và náo nhiệt không thể tả. Khuôn viên chùa rất lớn, nhưng khó thể nào tìm được chỗ trống chen chân.
Bên ngoài pháo nổ giòn tan, bên trong chánh điện thì múa lân mừng xuân thật sôi động. Chánh điện thật rộng, nhưng cũng chật cứng người. Tiếng trống và tiếng chập cheng của đoàn múa lân, pha lẫn tiếng pháo bên ngoài vang vào, khiến cho chúng tôi có cảm giác thế giới âm thanh bùng nổ.
Các sư cô vui tươi phát lì xì cho đoàn lân và Phật tử.
Trong khuôn viên chùa, nhất là những khu ẩm thực và khu “mua” lộc chật cứng người xem. Lâu nay, tại chùa Đức Viên, thay vì “hái” lộc thì Phật tử “mua” lộc đầu năm. Từ lúc sư bà Đàm Lựu còn sinh tiền, sư bà sưu tập nhiều hoa qúy, và cứ mỗi Tết đến, thì hoa chùa bỗng dưng cất cánh bay sạch trong đêm giao thừa.
Hoa biến mất và cây tan tác. Sư bà và các sư cô muốn giữ gìn cây cỏ, và cũng muốn có lộc cho Phật tử mang về trong ngày đầu năm, nên từ đó lộc được mua thay vì đi hái… Nhiều gian hàng bày bán hoa lộc đầu năm, bán chạy như tôm tươi, nên cứ phải tiếp tế liên tục để có lộc bán cho Phật tử.
Cả một khu hàng ăn mênh mông, nhưng cũng chật cứng người. Nhiều cặp nam nữ còn mua thức ăn ra luống cỏ ngồi ăn và nghe pháo nổ cũng vui tai.
Nói đến âm thanh thì tiếng pháo, tiếng lân chưa đủ. Những chiếc loa lớn trong chùa đọc đều đều câu “Nam mô A Di Đà Phật”, khiến cho nền âm thanh chính vẫn là tiếng niệm Phật và kéo dài suốt cả đêm.
Lễ Phật đầu năm là thói quen của nhiều Phật tử. Khu thắp hương lễ Phật có thể nói là “chen chúc” lẫn nhau từng chút không gian một. Ai cũng đốt hương và tiến về phía lò hương, nhưng phải chờ đợi nhiều vì quá đông…
Không chỉ có giới trẻ và nam thanh nữ tú, mà nhiều cháu nhỏ cũng được bố mẹ cõng trên vai đi lễ chùa vào lúc nửa đêm. Nhiều ca nhạc sĩ địa phương như ca sĩ Hoàng Nga, ca sĩ Thu Nga và nhạc sĩ Lê Minh Hiền cũng đi lễ đầu năm. Chúc gì thì chúc, nhưng chắc rằng không ai dám chúc “show nhiều” vì thành phố San Jose năm qua xảy ra hiện tượng bội thực văn nghệ. Bội thực đến mức có nhiều siêu sao trong nước ra trình diễn rạp nhỏ cũng bán vé không xong, nên cuối cùng dời về vũ trường mà cũng không có nổi 100 khách. Tình trạng bội thực văn nghệ có xu hướng giảm dần khi đầu năm nay số lượng show ca nhạc giảm đáng kể.
Năm nay, chuyện ăn Tết vào ngày nào cũng nhức… cái đầu. Nhiều người trong nước gọi sang chúc Tết vào đêm giao thừa tại Việt nam, thì mới sực nhớ rằng Tết trong nước vào ngày thứ bảy, mà Việt Nam đi trước California 15 giờ và hầu hết dân California ăn Tết theo lịch tàu, nên Việt Nam ăn Tết trước dân California gần hai ngày. Do vậy, khi Việt Nam gọi điện thoại sang chúc Tết vào giờ giao thừa Việt Nam, thì bên Mỹ còn tới 2 ngày nữa mới tới Tết. Sự khác biệt giữa lịch ta và lịch tàu cũng làm nhiều người khó xử: Lịch nào đúng đây? Và các lễ Tết như giao thừa, xông đất, cúng kính vào ngày nào???
Dù bạn chọn ăn Tết theo lịch nào đi nữa, giao thừa cũng đã qua rồi.
Có thể nói rằng việc quản trị trật tự của chùa thật tốt đẹp, từ hướng dẫn xe cộ vào khu chùa, cho đến quản trị bên trong… Với số người đông khủng khiếp như thế mà không quản trị tốt, thì thật nguy hiểm.
Thời điểm giao thừa đã qua, thành phố rơi vào giấc ngủ và chúng tôi viết vội tin này như là “khai bút” đầu xuân và cũng là giao lưu đầu tiên với độc giả trong năm Đinh Hợi.