Là vị giáo phẩm trực tiếp phụ trách Phật sự Hướng dẫn Phật tử cư sĩ, Hòa thượng đã có những đánh giá xác đáng và những đề xuất hết sức mới mẻ về Phật sự này.
Cư sĩ Minh Thạnh (CSMT): Kính bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng có đôi nét đánh giá về Phật sự hướng dẫn Phật tử, đặc biệt là hướng dẫn cư sĩ, trong thời gian qua.
Hòa thượng Thích Thanh Hùng (HTTTH): Phật sự hướng dẫn Phật tử nói chung, hướng dẫn cư sĩ nói riêng, trong thời gian qua có những bước phát triển khá tích cực.
Số lượng người quy y được báo cáo gia tăng đều hàng năm. Đặc biệt, các khóa tu dành cho nhiều đối tượng, dưới nhiều hình thức, đã được tổ chức nhiều hơn, chất lượng hơn và phổ biến hơn ở nhiều địa phương.
Tiếng nói và việc làm của Phật tử cư sĩ đã đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Phật sự, chẳng hạn, thành công của việc quần chúng hóa từ cấp cơ sở đối với Đại lễ Phật đản PL 2555.
Tuy nhiên, Phật sự hướng dẫn Phật tử phát triển, theo ý kiến riêng của thầy, vẫn ở mức chưa đáp ứng được lòng mong muốn của chư tôn giáo phẩm, cũng như toàn thể tăng ni Phật tử, chưa huy động hết khả năng hiện có, chưa đạt được mức độ toàn diện cần phải có.
Do vậy, Phật giáo Việt Nam chúng ta cần quan tâm hơn nữa đối với Phật sự hướng dẫn Phật tử, cần có những kế hoạch mới, phương án mới, nỗ lực mới, tạo sự chuyển biến căn bản, tạo bước phát triển đột phá, đạt kết quả mới cả về lượng lẫn chất, trên cơ sở những quan điểm mới, phù hợp với thời đại và các yêu cầu mới.
CSMT: Kính bạch Hòa thượng, một trong những quan điểm mới về Phật sự là quan điểm “Đạo Phật toàn dân” do Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương đề xuất. Vậy, theo Hòa thượng việc ứng dụng quan điểm “Đạo Phật toàn dân” vào Phật sự hướng dẫn Phật tử ra sao?
HTTTH: Quan điểm “Đạo Phật toàn dân” của Thượng tọa Bảo Nghiêm được giới thiệu qua một số bài trả lời phỏng vấn của Thượng tọa. Đây là một quan điểm vừa thoáng, vừa mới, kế tục một số nét tư duy tinh hoa trong truyền thống Phật giáo Việt Nam, phù hợp với sự phát triển của thời đại.
Thúc đẩy những chuyển biến mới trong Phật sự hướng dẫn Phật tử trên nền tảng của quan điểm Đạo Phật toàn dân, chắc chắn, Phật giáo Việt Nam sẽ thu được những kết quả tốt đẹp.
CSMT: Kính bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng đi vào phân tích các nội dung cụ thể, để tăng ni Phật tử có thể hiểu và vận dụng trong thực tế Phật sự.
HTTTH: Trước hết, tôi nghĩ rằng đạo hữu cũng nên có nhiều bài phỏng vấn nối tiếp đối với Thượng tọa Bảo Nghiêm về quan điểm “Đạo Phật toàn dân”, vì tôi thấy là rất hữu ích cho mọi Phật sự nói chung, không riêng gì Phật sự hướng dẫn Phật tử.
Riêng tôi, việc phân tích chi tiết, chỉ xin đi vào khía cạnh ứng dụng trong riêng Phật sự hướng dẫn Phật tử.
Khi phát biểu về quan điểm Đạo Phật toàn dân, Thượng tọa Bảo Nghiêm đã đưa ra một khái niệm mới về đối tượng Phật tử, khái niệm “những người yêu đạo Phật”.
Như vậy, khái niệm hướng dẫn Phật tử cần được mở rộng, gồm cả những Phật tử đã quy y và những người yêu đạo Phật.
Việc mở rộng đối tượng trong Phật sự hướng dẫn Phật tử có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều đó buộc Phật giáo Việt Nam chúng ta phải xem xét lại toàn bộ nội dung Phật sự Hướng dẫn Phật tử.
Đưa khái niệm “những người yêu đạo Phật” vào nội dung đối tượng hướng dẫn Phật tử không phải là một sự mở rộng tùy tiện.
Trong thực tế, rất đông những người yêu đạo Phật, tuy chưa quy y thọ giới, nhưng vẫn đến chùa, lễ Phật vào những dịp lễ tết, vẫn cử hành nghi lễ Phật giáo trong gia đình khi hữu sự, vẫn phát tâm yêu kính Phật… Hướng dẫn Phật tử phải nhắm đến mục tiêu nâng cao tín tâm đối tượng “những người yêu đạo Phật” này, đưa họ từng bước tiếp cận Phật pháp, tùy hoàn cảnh cụ thể.
Như vậy, số lượng đối tượng của Phật sự hướng dẫn Phật tử sẽ rất đông đảo, và cách làm cũng phải đa dạng hóa, cụ thể hóa, cho phù hợp với những nhóm đối tượng nhỏ, trong tổng số đối tượng gia tăng vì mở rộng đối tượng.
Hướng đến đông đảo “những người yêu đạo Phật”, chịu trách nhiệm trong Phật sự hướng dẫn Phật tử không phải chỉ là chư vị tăng ni, mà gồm cả những Phật tử thuần thành, có trình độ Phật học nhất định, trên nguyên tắc “người đi trước giúp đỡ người đi sau”, “người đã biết đạo hướng dẫn người mới tìm hiểu”.
Như vậy, với quan điểm “Đạo Phật toàn dân”, đối tượng hướng dẫn Phật tử cũng mở rộng mà người thực hiện công việc hướng dẫn Phật tử cũng mở rộng.
Từ “hướng dẫn” trong cụm từ “hướng dẫn Phật tử” cũng không chỉ là hướng dẫn hành trì tu tập, mà còn là định hướng tín ngưỡng. Từ đó, hoạt động hướng dẫn tìm hiểu giáo lý cần phải được chú trọng, giúp những người yêu Đạo Phật trở thành những người hiểu đạo Phật, những người tu theo đạo Phật.
Diễn đạt bằng ngôn ngữ lý luận, thì đó là công việc nâng cao vai trò và trách nhiệm của người Phật tử trong Phật sự hướng dẫn Phật tử.
Trong Phật giáo chúng ta có câu kệ:
“Phật giáo xương minh
Tăng già hoằng hóa
Thiền môn hưng thịnh
Đàn việt hộ trì”
Nếu hiểu “đàn việt”, tức là Phật tử cư sĩ, chỉ giới hạn việc hộ trì trong việc cúng dường, thì cách hiểu đó rất hạn hẹp, không có lợi cho Phật giáo. “Hộ trì”, ngoài nghĩa bảo vệ, ủng hộ Phật pháp, còn có nghĩa là tiếp nối, duy trì công việc hoằng hóa (“trì”).
Nói cho dễ hiểu, quý thầy cô đã mở đường trong Phật sự hướng dẫn Phật tử, thì Phật tử cư sĩ phải gánh vác trách nhiệm hoàn thiện, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp con đường đã mở, khiến cho nguồn mạch Phật pháp lúc nào cũng lưu thông trong xã hội, ánh sáng Phật pháp đến được mọi nơi.
CSMT: Kính bạch Hòa thượng, cách hiểu Phật sự hướng dẫn Phật tử trên quan điểm “Đạo Phật toàn dân” của Hòa thượng là cách hiểu trách nhiệm hướng dẫn Phật tử là trách nhiệm của mọi người con Phật, trách nhiệm nhà nhà, trách nhiệm người người. Nhưng, bạch Hòa thượng, luôn luôn quyền phải đi đôi với nghĩa vụ. Người Phật tử có “nghĩa vụ” là như thế, nhưng họ chưa có “quyền”, thì làm sao tham gia vào Phật sự hướng dẫn Phật tử?
HTTTH: Thầy phân biệt ở đây 2 loại quyền trong Phật sự hướng dẫn Phật tử. Đó là loại quyền đương nhiên, đã có, và quyền hướng đến (đề xuất mới).
Quyền đương nhiên đã có rất nhiều mà nhiều người chúng ta chưa ý thức hết để thực hiện nghĩa vụ, bổn phận của mình.
Đó là quyền của ông bà cha mẹ đối với con cháu, quyền anh chị đối với em, quyền của người trên với người dưới trong gia đình… Với cương vị cha mẹ với con cái chẳng hạn, thì cha mẹ, nếu có trình độ Phật học nhất định, đương nhiên, là người giữ nhiệm vụ hướng dẫn cho Phật tử là con cháu.
Quyền đương nhiên này rất muôn hình vạn trạng. Người có am hiểu nhất định về Phật pháp và có khả năng diễn đạt qua bài viết như đạo hữu, thì đạo hữu đã có quyền hướng dẫn rất nhiều Phật tử bằng bài viết của mình..
Còn quyền mà chúng ta hướng tới, là những suy nghĩ, đề xuất của thầy.
Từ những năm đầu thế kỷ XX đến những năm 70 của thế kỷ này, trên pháp tòa Phật giáo Việt Nam có những vị cư sĩ, và những vị cư sĩ đó giảng pháp cho cả tăng ni. Thí dụ, cụ Tâm Minh Lê Đình Thám, cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, cụ Nguyễn Đăng Thục… Nhưng từ những năm 1980 đến nay, có thể là đã 30 năm, hầu như không còn việc này nữa.
Trong khi đó, hiện nay vẫn có cư sĩ trước tác, biên soạn, phiên dịch, chú giải những tác phẩm Phật học. Tỷ lệ sách, bài viết Phật học do cư sĩ biên soạn không nhỏ.
Đương nhiên, với trình độ như vậy, thì các vị đó hoàn toàn có khả năng thuyết pháp, giữ những trọng trách trong Phật sự hướng dẫn Phật tử.
Nhưng họ không có quyền đó. Vì sao?
Trước hết, vì mấy chục năm nay, trong chính Phật tử đã có xu hướng không chấp nhận Phật tử hướng dẫn Phật tử, Phật tử giảng pháp (trừ những trường hợp trong tổ chức gia đình Phật tử). Đây là một cách nghĩ không có lợi cho việc truyền bá chính pháp, chưa khai thác hết tiềm năng của Phật giáo Việt Nam.
Một phần cũng vì không có cơ sở xác định quyền được thuyết pháp và đảm nhận Phật sự hướng dẫn Phật tử của các vị Phật tử tinh hoa.
Cách giải quyết có thể là, Ban Hoằng Pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử tổ chức những kỳ thi giáo lý nhiều môn với tiêu chuẩn thật cao, cao hơn nhiều so với các kỳ thi giáo lý hiện nay, tương đương Trung cấp Phật học hay hơn nữa, và kiểm tra cả khả năng diễn giảng.
Những vị đạt tiêu chuẩn yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận đạt kết quả kiểm tra và cho phép thuyết pháp hoặc giảng dạy các lớp giáo lý. Có thể hiểu đây là một dạng hoằng pháp viên nâng cao.
Đạo Phật toàn dân, tất yếu, như chính trong nội dung cụm từ, không phải là đạo Phật cho chỉ riêng tăng ni, mà là Đạo Phật tứ chúng, hay rộng hơn nữa, Đạo Phật cho tất cả mọi người. Vì vậy, nên nghĩ tới việc mở rộng khái niệm “giáo dục tăng ni” thành “giáo dục tăng ni và tất cả những người có nhu cầu học Phật”, nói gọn lại là “Giáo dục Phật học”.
Vì sao chúng ta nói đến Đạo Phật toàn dân, Đạo Phật cho tất cả mọi người, nhưng lại chỉ giới hạn giáo dục Phật học trong phạm vi mấy chục ngàn tăng ni. Giáo dục trong đạo Phật toàn dân là giáo dục Phật giáo cho 80 triệu công dân Việt Nam, kể cả những người theo các tôn giáo khác nhưng muốn học Phật.
Có trang bị và xác định kiến thức Phật học, có “quyền” trong thực tế, người cư sĩ mới có thể tham gia tích cực vào hoạt động Hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử, bổ sung cho Phật giáo Việt Nam một nguồn lực rất lớn, toàn dân hóa thực sự các hoạt động Phật giáo Việt Nam.
Thầy hiểu Đạo Phật toàn dân, “hướng dẫn Phật tử toàn dân” trên tư tưởng căn bản của Kinh Duy Ma Cật. Học đạo, tu tập, làm Phật sự chứng ngộ, thành Phật là con đường chung cho tất cả những người con Phật, những người yêu đạo Phật và toàn thể pháp giới chúng sinh. Điều này, bao gồm khái niệm “quyền” và “nghĩa vụ” hướng dẫn Phật tử mà đạo hữu hỏi.
CSMT: Kính bạch Hòa thượng, nhưng sự khác biệt về giới và hạ lạp vẫn là một yếu tố phải kể đến. Dù sao, người Phật tử cũng có giới hạn không thể vượt qua, dù rằng nghĩ đến việc làm Phật sự trên quan điểm Đạo Phật toàn dân.
HTTTH: Nghĩ như vậy, là một cách thiểu số hóa lực lượng làm Phật sự hướng dẫn Phật tử, lãng phí tài nguyên Phật giáo Việt Nam, không khai thác tương xứng tiềm năng Phật giáo Việt Nam đang có.
Phật dạy: “Y pháp bất y nhân”. Ta tu theo pháp, và điều đó không phụ thuộc vào người giảng pháp. Từ điển Phật học của cư sĩ Đoàn Trung Còn, bản dịch kinh Thủ Lăng Nghiêm của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám… đâu phải là không có giá trị, dù tác giả có thể chỉ thọ có 5 giới hay giới Bồ tát dành cho cư sĩ, không có tuổi hạ, không có giới Tỳ Kheo, không có giáo phẩm hòa thượng, thượng tọa.
Tại Phật học viện Phổ Quang là ngôi chùa tôi đang trụ trì đây, một vị hòa thượng sau khi nghe một vị đại đức thuyết pháp quá hay đã đảnh lễ vị đại đức kém hơn hòa thượng tuổi đời và tuổi đạo. Khi làm việc đó, vị hòa thượng giải thích, rằng ngài bái pháp, không bái người.
Tinh thần đạo Phật toàn dân là ở chỗ đó. Pháp tòa, Phật sự dành cho người đã “thâm nhập kinh tạng”, không phải dành cho chức danh, hạ lạp. Thực tế cũng có vị là hòa thượng, nhưng không thể thuyết pháp, dù là giữ nghiêm giới luật, tinh chuyên tụng niệm.
CSMT: Kính bạch Hòa thượng, như vậy, tựu trung, vấn đề là ở chỗ nhận thức lại vai trò của người Phật tử trong Phật sự hướng dẫn Phật tử, để tạo nên một chuyển biến mạnh mẽ.
HTTTH: Không phải chỉ nhận thức lại, mà phải “kích hoạt”. Nhưng để có chuyển biến, thì Phật giáo Việt Nam phải đồng loạt “kích hoạt”. Đây không đơn giản là việc của một người.
CSMT: Kính bạch Hòa thượng hẳn là Hòa thượng cũng đã “kích hoạt” trong một phạm vi nào đó, xin Hòa thượng cho biết.
HTTTH: Thầy hẹn ở cuộc nói chuyện sau, khi đó chúng ta đi vào chi tiết hơn nữa, với những kinh nghiệm riêng.
CSMT: Để kết thúc xin Hòa thượng có đôi lời nhận xét và góp ý với trang Phattuvietnam.net.
HTTTH: Trang Phattuvietnam.net hoạt động rất thành công trong lãnh vực truyền thông Phật giáo, tức là đã góp phần đáng kể vào Phật sự Hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử. Nhưng tham gia điều hành và viết bài có cả cư sĩ và tăng ni, cũng như có rất nhiều người tham gia. Đây là một trường hợp “kích hoạt” thành công Phật sự hướng dẫn Phật tử trên tinh thần Đạo Phật toàn dân.
CSMT: Xin đa tạ Hòa thượng về nhận định của Hòa thượng. Xin vấn an và kính lời chúc phúc thọ lên Hòa thượng.
MT