Trang chủ Văn hóa Nét văn hoá trầu cau

Nét văn hoá trầu cau

285

Làng tôi bên dòng sông Tranh (Quảng Nam) chảy ngược, đất cằn sỏi đá, cây cau gầy còm, nhưng quả săn nhỏ, thịt mềm và thơm lừng. Ngày xưa làng vốn nổi tiếng với những vườn cau sai quả và cả rừng trầu quế. Lá trầu quế nhỏ, nhưng lại dày, xanh thắm, ăn một miếng vừa thơm, vừa cay nồng. Ấy cũng là cái duyên cớ mà ông nội tôi – người miền xuôi đã dừng chân, bỏ lỡ nghiệp đi buôn trầu cau mà ở rể đất người.








traucau2.jpg

Trong mọi sự gặp gỡ của người Việt Nam, miếng trầu bao giờ cũng là đầu câu chuyện


Ông tôi đã đi xa hơn năm chục năm, bà cũng trong những ngày ngồi chờ đất gọi. Vườn trầu quạnh quẽ, nhưng hàng cau vẫn lắm khách dạm mua. Ba mẹ tôi không ăn trầu như ông bà ngày xưa, vẫn giữ vườn cau để bán cho người ta “chơi” cây cảnh. Riêng với chúng tôi, hàng cau như sợi dây vô hình níu bước chân mỗi lần nghĩ về quê hương. Ngày xuân nắng ấm, bà tôi thường ngồi trước thềm nhà, chóp chép miếng trầu đỏ thắm, dường như để nghe thời gian trôi trên đầu lưỡi, đôi má nhăn nheo chợt ửng một màu hồng nâu, một thoáng xưa trẻ có lẽ đã về với bà.


Giờ đã thưa dần những người ăn trầu, kể cả ở các làng quê, nhưng trầu cau vẫn mang cốt cách tao nhã, sang trọng, vẫn là “đầu trò tiếp khách” trong những lễ nghi quan trọng đời người như cưới, hỏi. Miếng trầu cau là biểu tượng cho sự tôn kính, là “cầu nối” giữa người sống với tổ tiên, được dùng phổ biến trong những ngày giỗ chạp, lễ tế thần, gia tiên, lễ mừng thọ…


Từ dáng thanh thoát, tao nhã của cây cau giữa vườn quê đêm trăng, lá trầu miếng vôi quyện thắm mặn nồng trong câu chuyện truyền thuyết, đến tục ăn trầu thuần Việt, chuyện trầu cau còn đi sâu vào đời sống tâm linh, trong sinh hoạt đời thường của người xưa.


Qua miếng trầu mà người ta thăm dò để lựa con dâu. Miếng trầu têm vụng là biết ngay người không khéo tay, trầu têm nhỏ hơn cau là người không biết tính toán, vôi bết nhiều là người hoang phí…


“Miếng trầu là đầu câu chuyện”, đến kết giao tình nghĩa trăm năm. Khi ghét nhau thì cũng vì lịch sự mà mời trầu nhưng “cau sáu bổ ra làm mười”.


Làng tôi nghèo, cái cối ngoáy trầu bằng đồng, có chạm trổ cầu kỳ, tinh tế chỉ được nghe qua câu chuyện kể. Nhưng ông Hoàn “sụt bệ lò rèn” lại nổi tiếng điệu nghệ việc chế tác vỏ đạn đồng M79 thành cối ngoáy, đã từng là địa chỉ đặt hàng cho các cụ cả các làng lân cận.


Ống ngoáy, bình vôi của người già, khi chết không được chôn theo mà lại treo lên cây duối cổ thụ đầu làng. Ngày còn nhỏ, mỗi lần đi ngang cây đuối, chúng tôi phải cúi đầu, bấm ngón tay trỏ đến bầm máu vì sợ ma. Ấy thế mà bây giờ trở thành mặt hàng giá trị bởi nhiều người săn lùng bình vôi để chơi đồ cổ.








traucau1.jpg

Câu chuyện Sự tích trầu cau cảm động, tình duyên của ba người tuy đã chết mà vẫn keo sơn, thắm thiết


Dù son phấn đương đại đã làm mất dần cái duyên ăn trầu của người con gái, song nét văn hóa trầu cau không dễ phai mờ.


Tháng 4 năm 2006, khi Bill Gates – Chủ tịch Tập đoàn Microsofft đến Việt Nam, trên phương diện quốc gia, người quan họ Bắc Ninh cũng đã mời vị khách giàu nhất thế giới miếng trầu cau – quốc túy của dân tộc. Bill Gattes đã ăn ngon lành miếng trầu cau đỏ thắm môi, cái biểu trưng cho nghĩa tình.


Tôi rất hãnh diện về quê hương, đất nước mình, nơi có nền văn hóa lâu đời, với nhiều đặc thù riêng có, những tập tục mang nặng tính nhân văn. Nhưng cũng buồn vì những nét văn hóa truyền thống này dần phai mờ trong cuộc sống hiện đại. Ở phố, người thượng lưu mới có đất trồng cau, nhưng không nhiều người chơi cảnh để nuôi dưỡng tâm hồn, để níu giữ chút duyên quê, để thể hiện cốt cách “sống thẳng như cau, sống thơm như quế”.


Thậm chí có người còn “chơi” cau ta lẫn với cau Nhật (lùn), cau sâmbanh “bụng phệ”. Buồng cau, khay trầu chỉ còn là chút lễ nghĩa tượng trưng trong ngày cưới hỏi. Trái cau được dán tem cánh phượng màu đỏ, hồng lấp lánh, cách điệu, song không còn “thay chủ” gửi gắm những thông điệp, ý nghĩa sâu xa như ngày xưa.


Dẫu vậy, các miền quê ở Quảng Nam, vẫn còn xanh mướt những vườn cau ngút thẳng. Cây cau được trồng rộ khắp nơi, vừa phục vụ ăn trầu, lễ lạt, vừa xuất khẩu sang nước ngoài, và chuyển sang dịch vụ cây cảnh. Việc gìn giữ và khôi phục nét văn hóa trầu cau không phải quá khó với vùng quê này.