Trang chủ Văn hóa Văn hóa Phật bên trời Âu Mỹ

Văn hóa Phật bên trời Âu Mỹ

68

Nhiều khách hàng Đức và các nước đứng vòng quanh chắp tay nhìn ngắm một cách nghiêm cẩn. Tôi giương máy ảnh lên chụp kỷ niệm thì bị nhân viên bán hàng khoát tay cấm chụp. Người hướng dẫn hỏi lý do thì được biết những pho tượng cổ ấy mới khai quật được từ một nước ở Đông Nam Á, rất cổ. Người ta cấm chụp ảnh để bảo vệ chất liệu cổ của tượng trước tác động hủy diệt của ánh đèn flash.  Tôi hỏi giá bán pho tượng ấy là bao nhiêu, người bán hàng lắc đầu “Không bán” – “Vậy trưng bày ở đây làm gì ?” – “Vì chuyện buôn bán bây giờ căng thẳng quá. Chợ phải trưng bày nhiều tượng Phật để thư giãn” – “Căng thẳng vì chuyện gì?” – “Vì phải cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc và Á châu tràn ngập thị trường châu Âu quá dữ dội”.  Thật là bất ngờ.  Tôi tự giới thiệu với họ tôi  là người Việt Nam. Một cô chủ gian hàng với nét mặt rạng rỡ  báo với chúng tôi: “Việt Nam hả, có một thiền sư Việt Nam đang giảng đạo Phật ở đây. Nhưng vì ban ngày phải lo buôn bán nên chúng tôi không theo học được. Rất tiếc”. Tôi buột miệng hỏi: “Thiền sư Thích Nhất Hạnh phải không?”.  Người bán vui vẻ “Đúng rồi. Ông Thiền sư Việt Nam truyền đạo Phật ở Pháp có nhiều sách viết về Đạo Phật đó !” Ôi, được  làm người đồng hương với thiền sư Thích Nhất Hạnh lúc này vinh dự làm sao. Văn hóa Việt Nam  qua Thiền sư – trưởng tử của Như Lai, đã đến được với người thường dân phương Tây.


Sự việc ấy làm cho tôi nhớ lại cách đây gần mười năm, gia đình tôi được đón ông bà Woong-Tâm ở San Francisco về thăm Huế. Ông Woong là bác sĩ gây mê hồi sức nổi tiếng của Mỹ, người gốc Trung Hoa, sinh trưởng ở Hoa Kỳ; bà Tâm là chị con cậu của bà xã tôi, du học Hoa Kỳ từ đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Đến Huế, ông bà nhờ tôi giới thiệu một người hướng dẫn để ông bà đi hành hương chùa Từ Hiếu. Tôi rất ngạc nhiên, thông thường khách du đến Huế thường đi thăm lăng tẩm, cung điện nhà vua rồi sau đó mới đi chùa – mà ngôi chùa tiêu biểu là Thiên Mụ chứ không phải Từ Hiếu. Tôi hỏi lý do vì sao chỉ đi hành hương chùa Từ Hiếu thôi?  Ông Woong giải thích: “Vì tôi muốn đến bái lạy ngôi chùa tổ của người thầy đã làm thay đổi  đời tôi!” -“Thầy ông là ai?” – “Thiền sư Thích Nhất Hạnh”. Tôi nhanh nhảu tiếp lời: “Thiền sư Nhất Hạnh cũng là người thầy đã làm thay đổi  đời tôi!”. Ông Woong trố mắt ngạc nhiên. – “Thay đổi như thế nào?”. “Lúc nhỏ tôi không được đi học, sau tôi học băng, không có học bạ lớp nhất để đi thi tiểu học nên định ở nhà làm vườn  trồng rau thì được Thiền sư Thích Nhất Hạnh lúc ấy đang làm Hiệu trưởng Trường Tuệ Quang Đà Lạt cấp cho tôi một học bạ, tôi mới có đủ điều kiện đi thi tiểu học và sau đó học lên đến đại học rồi trở thành người sống bằng ngòi bút. Thời chiến tranh chống Mỹ, tôi lại theo Thiền sư Nhất Hạnh làm thơ trong Phong trào thơ văn vận động hòa bình những năm 1964-1966 tại miền Nam Việt Nam. Bài thơ “Để lại cho em” của tôi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc (thành Tâm ca số 5) làm cho Thầy Nhất Hạnh xúc động viết cuốn sách Nói với tuổi hai mươi – sách gối đầu giường của sinh viên học sinh Phật tử Việt Nam một thời. Nếu không có cái học bạ của Thiền sư Nhất Hạnh thì ngày nay tôi có thể là một lão nông ở Đà Lạt hay cũng có thể làm ma chiến trường từ trước năm 1975.


Nghe tôi kể chuyện, ông Woong rất  xúc động và tỏ ra thân thiết gấp nhiều lần so với tình anh em “cột chèo” với tôi trước đó. Ông cho biết ông vốn là con chiên Thiên Chúa ngoan đạo, có bằng cấp cao, có gia đình con cái hạnh phúc, có tiền bạc tài sản vào loại khá giả ở Hoa Kỳ nhưng hơn nửa đời người ông không tìm được sự an ổn tinh thần, nhiều lúc hạnh phúc tưởng đã có được bị đe dọa tan vỡ. Sau đó may mắn ông đọc được các sách của Thiền sư Nhất Hạnh, biết tìm hạnh phúc trong giây phút hiện tại, trong từng hơi thở, từng bước đi…, ông ngộ ra và đi theo đạo Phật Làng Mai. Chùa Từ Hiếu trở thành ngôi nhà thờ tổ – nơi nương tựa của đời sống tâm linh của ông.


Sau cuộc gặp gỡ ấy ông Woong và tôi ngoài tình anh em “cột chèo” còn là tình đồng đạo rất thắm thiết. Năm 2006, tôi sang Hoa Kỳ, và được gia đình ông Woong đón về nhà ở lại. Buổi sáng đầu tiên ông Woong giới thiệu với tôi  bộ sưu tập về Thiền sư Thích Nhất Hạnh của ông. Tất cả những sách viết bằng tiếng Anh của Thiền sư Nhất Hạnh, ông đều có đủ, nhiều đầu sách tái bản nhiều lần, ông đều mua để theo dõi sự bổ sung và sửa đổi trong từng lần tái bản. Đặc biệt nhất là bộ sưu tập báo chí có đăng bài và hình ảnh Thầy Nhất Hạnh ở  Âu Mỹ.


Ông đưa cho tôi xem một mẩu báo mà ông đã nhuộm màu vàng câu văn: “Nếu trên đời này có một vị Phật sống, vị Phật ấy chính là Thiền sư Thích Nhất Hạnh”. Một sự đánh giá ngoài sức tưởng tượng của tôi. Biết tôi cũng thích sưu tập chuyên đề Nhất Hạnh, ông  Woong tặng tôi một số tạp chí viết về Thầy Nhất Hạnh mà ông có hai bản.  


Hôm đi tham quan,  tôi được ông Woong hướng dẫn đến Golden Gate Park (Vườn hoa Kim Môn) – khu công viên đẹp nhất ở San Francisco. Tôi được giới thiệu hiện vật quý – niềm tự hào của dân chúng địa phương, là pho tượng Phật bằng đồng lớn ngồi trên tòa sen được Nhật Bản tạo tác từ thế kỷ XVII. Tôi không thể ngờ trên đất nước của đạo Thiên Chúa và Tin Lành này lại có từ lâu một bảo vật Phật giáo quý giá đến như vậy. Tôi lặng người đứng chiêm bái  bức tượng mà ngỡ mình đang đứng dưới bóng Đức Như Lai.


Điểm tham quan sau đó là khách sạn Fairmont – nơi ở của các Tổng thống Mỹ, các chính khách hàng đầu các nước, các Bộ trưởng Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ khi đến San Francisco. Hình ảnh đập vào mắt tôi đầu tiên ở Fairmont cũng là một pho tượng Phật đứng trên toà sen cao gần đụng trần nhà. Bức tượng được chạm khắc từ một súc gỗ lớn, nổi trên hình một chiếc lá bồ đề to tướng. Đường nét chạm khắc mềm mại, tinh tế vô cùng. Có lẽ người ta đặt bức tượng Phật thật đẹp ở đây để nhắc nhở các chính khách hãy hoạt động cho hòa bình chăng!


Tôi nghĩ rằng ông Woong đang mộ Phật nên đưa tôi đến những nơi có bóng dáng Phật về. Rời San Francisco đi dần về các thành phố phía Nam Cali, có lẽ  không còn chuyện Phật nữa. Không ngờ khi vào tham quan và tiếp xúc với các nhà nghiên cứu tại Đại học UCLA ở Los Angeles, tôi lại được giới thiệu ngay  buổi thuyết trình với đề tài “Buddhist Value Creation Society” (Hội Sáng tạo giá trị đạo Phật). Hàng chục tấm pa-nô mang hình ảnh Đức Phật được cắm dọc những con đường sinh viên đến các giảng đường. Tôi rất tiếc không có thì giờ tham dự các buổi thuyết trình ấy, nhưng đi dọc theo những con đường hai bên dựng các pa-nô hình ảnh Đức Phật, tôi nhớ lại thời hoạt động trong Đoàn Sinh viên Phật tử Huế bốn mươi năm trước. Thời ấy đã nung nấu cho tôi ý thức đấu tranh cho hòa bình và độc lập dân tộc. Biết đâu các bạn sinh viên Mỹ tham dự Hội Sáng tạo giá trị đạo Phật hôm nay cũng đang hướng đến tinh thần khắc phục những hiện tượng bạo lực của thế giới hiện nay.


Tôi còn mục kích tượng Phật ở nhiều nơi nữa nhưng không nơi nào gây ấn tượng đối với tôi mạnh như ở thành phố đánh bạc Las Vegas thuộc tiểu bang Nevada, sát nách phía Đông tiểu bang California ở miền Tây Hoa Kỳ. Trong các sòng bạc, khu vui chơi ở Las Végas có đủ loại hình nghệ thuật, nhưng hấp dẫn nhất là các show trình diễn sex. Thế nhưng trên các hành lang rộng, người ta lại đặt các tượng Phật lớn rất trang nghiêm. Mới gặp, tôi quá ngạc nhiên và  được các “thổ địa” ở Las Vegas giải thích rằng: “Las Vegas tuyển chọn những gì tinh túy quý nhất của nhân loại đem về đây. Theo họ, nụ cười trên môi tượng Phật đẹp hơn cả nụ cười  La Joconde của Léonard de Vinci. Las Vegas có nhiều tượng Đức Phật là thế”. Một người  khác lại bảo tôi: “Các con bạc ham đỏ đen thức suốt 24/24 giờ, đầu óc rất căng thẳng. Những khi ấy, ra khỏi sòng bạc chỉ có thể nhìn ngắm tượng Phật họ mới lấy lại được sự an ổn cho tinh thần mà thôi”. 


Tôi không cho cách giải thích nào là đúng nhất. Đối với tôi, cả hai cách hiểu đều có ý nghĩa. Tượng Phật cũng như đạo Phật đi vào cuộc đời, đem cái đẹp và sự yên ổn cho mọi người, làm dịu bớt sự nghiệt ngã của cái ác, cái dục, cái tham sân si đang ngự trị thế giới. Một người Pháp từng nói với tôi: “Thế kỷ XXI, thế giới may ra còn có đạo Phật”. Suy ngẫm kỹ nghe cũng có lý. 


Đạo Phật của phương Đông, trong đó có Việt Nam. Tôi mừng phương Đông đã bám rễ được vào phương Tây. Đi dưới các mái chùa, nhìn ngắm các tượng Phật bên trời Âu Mỹ, tôi thấy có cái gì đó thân quen, yên ổn trong lòng. Tôi không thấy mình xa lạ với phương Tây.


Có một chuyện nhỏ nhưng có lẽ không bao giờ tôi có thể quên. Hôm đó chúng tôi đi với mấy Tăng sĩ không thuộc Phật giáo Làng Mai mặc áo nhật bình màu nâu  vào một quán ăn chay ở Orange County. Có một đoàn người Mỹ cũng vào quán ăn và họ chắp tay cúi đầu chào chúng tôi. Anh bạn tôi hỏi nhỏ họ, và họ cho biết họ chào những đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Anh bạn lại hỏi vì sao biết chúng tôi là đệ tử Thích Nhất Hạnh? Một người Mỹ đáp: “Vì  thấy các vị mặc áo nâu của Thích Nhất Hạnh”. Chúng tôi vỡ lẽ là hình ảnh chiếc áo nhật bình màu nâu của Phật giáo Đại thừa Việt Nam trên người Thầy Nhất Hạnh đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh của Việt Nam. Có lẽ vì thế mà thầy Thích Nhất Hạnh cũng như toàn thể môn đồ Phật giáo Làng Mai của Thầy không bao giờ mặc một chiếc áo nào khác, màu áo nào khác ngoài chiếc áo nhật bình màu nâu. Chiếc áo nhật bình màu nâu – áo của các vị Tăng già Đại thừa có nguồn gốc từ Trung Hoa, ngày nay được thế giới quen thuộc qua đạo Phật và văn hóa Việt Nam.   


Do nghề nghiệp, đến thành phố nào tôi cũng sục vào các hiệu sách. Hiệu sách của Việt kiều, tôi mê lắm. Vào các hiệu sách hay siêu thị sách của người Mỹ, ở kệ lịch sử và chiến tranh có vô số sách viết về chiến tranh Việt Nam. Tôi ước chừng có hàng trăm cuốn, người bạn đưa tôi đi tham quan bảo là từ trước đến nay có đến hàng ngàn cuốn. Nhiều cuốn lớn và nặng hơn cả cái laptop tôi đeo trên vai. Ví dụ như cuốn Việt Nam toàn bộ lịch sử bằng hình ảnh  (Viet Nam, A Complete Photographic History) của M. Maclear, có trên 2.000 tấm ảnh và bản đồ chiến tranh Việt Nam. Tự nhiên tôi hơi  chạnh lòng khi không thấy có một công trình lịch sử chiến tranh nào của Việt Nam được bày bán trong các nhà sách Mỹ.  Sách chiến tranh Việt Nam với Mỹ mà không có trong các hiệu sách của Mỹ thì mơ gì có sách văn hóa Việt Nam có mặt trong các cửa hàng sách Mỹ!


Nhưng rồi một bất ngờ đột ngột  hiện ra trước mắt tôi. Khi dạo qua kệ sách tôn giáo và tín ngưỡng, tôi thấy có nguyên một  ngăn dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma và Thích Nhất Hạnh. Đức Đạt Lai Lạt Ma có năm bảy cuốn, còn Thích Nhất Hạnh có đến hàng trăm đầu sách. Và không chỉ có một siêu thị mà có thể nói tất cả những cửa hàng sách, siêu thị sách, hiệu sách mới, hiệu sách cũ đều có riêng một ngăn sách của Thích Nhất Hạnh như thế. Những đầu sách của Thích Nhất Hạnh viết bằng tiếng Anh thuộc loại best seller ở Mỹ là các cuốn Anger (giận), Peace is Every Step (An lạc từng bước chân), Thundering Silence (Im lặng sấm sét), Taste of Earth (Hương vị của đất), và đặc biệt là cuốn Old Path White Cloud (Đường xưa mây trắng) vừa được ký hợp đồng lên phim ở Hollywood. Trong giới Việt kiều, dù là người theo đạo Phật hay không Phật, đều rất tự hào Việt Nam có tác giả Thích Nhất Hạnh. Văn hóa Việt Nam qua ngòi bút của Thích Nhất Hạnh đã lan tỏa ra khắp các nước phương Tây.


Ra khỏi cửa một siêu thị sách, anh bạn đưa tôi đi xem sách bảo tôi: “Đối với Mỹ bây giờ, họ nghĩ về Việt Nam chỉ có hai vấn đề. Nói đến quá khứ là chiến tranh, người đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nói về thời hiện tại là hòa bình – người tiêu biểu là Thiền sư Thích Nhất Hạnh”. Cái nhìn khái quát ấy làm cho tôi suy nghĩ hoài. Không ngờ mới tháng 11-2006 đây, tạp chí Time Asia Magazine, trong số đặc biệt kỷ niệm 60 năm  tạp chí xuất bản ở châu Á (ngày 13 tháng 11 năm 2006, bộ 168, số 20) dành để vinh danh “Những vị anh hùng châu Á đã xuất hiện trong vòng sáu mươi năm qua” – “đã góp phần tạo dựng xã hội chúng ta (châu Á) trong thời đại mới”. Trong danh sách những vị anh hùng châu Á được vinh danh, Việt Nam có hai người. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tướng Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo chiến tranh đánh thắng thực dân xâm lược, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã “góp phần chấm dứt khổ đau của chiến tranh Việt Nam”. Chiến tranh rất anh hùng. Hòa bình rất nhân đạo.


Kinh tế Việt Nam thời hậu WTO đang làm ăn với khắp thế giới. Phải chăng văn hóa Việt Nam lặng lẽ cũng đang cùng với đạo Phật Việt Nam lan tỏa ra khắp trời Âu Mỹ?


Vui sao, vận nước đã đến rồi!