Từng bước một, từ lý thuyết đến hành động, từ những điều nhỏ nhặt đến lớn lao, cuốn sách mở ra trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm mới mẻ về những điều bình dị vẫn hiện hữu quanh mỗi người.
Bằng lối dẫn dắt tỉ mỉ mà không kém phần sinh động, người thầy Joseph Goldstein thức tỉnh trong ta cái thiện căn đã bị những tham, sân, si của cuộc đời trần tục vùi lấp.
Chia cuốn sách nhỏ này thành nhiều phần, mỗi phần lại bắt đầu và kết thúc bằng những trích dẫn có giá trị, tác giả bố cục cuốn sách như những bài giảng ở một lớp học nơi ta không chỉ được học với một người thầy thông thái mà còn có sự ghé thăm của những vị khách thú vị bất ngờ.
Những bài giảng cuốn hút người đọc trong một hành trình đặt câu hỏi và tìm ra đáp án, khám phá vẻ đẹp sâu kín trong tâm hồn mình, giải quyết những vấn đề rắc rối bằng cách thay đổi nhận thức và thái độ về cuộc sống…
Cũng như những tác phẩm mang hơi hướng Phật pháp khác, Tâm Bình An bàng bạc khắp các trang sách ánh sáng lấp lánh của sự tĩnh lặng thâm trầm.
Buông tay khỏi cuốn sách, độc giả như được giác ngộ những chân lý giản dị qua hành trình tự mình trải nghiệm những bài học gian khổ và đón nhận thành quả ngọt ngào với một thái độ sống tích cực!
Giây phút chuyển hoá trong sự thực hành của tôi diễn ra khi tôi mất vài ngày cảm nhận nhiều lần cho một sự sợ hãi ghê gớm. Tôi cố gắng nhận thức về nó đúng như nó sinh khởi, ghi nhận “sợ hãi, sợ hãi”. Nhưng tôi vẫn cảm thấy bị dính mắc vào cường độ cảm xúc này, sau đó có một điều gì đó thay đổi trong tâm và tôi tự nói với bản thân mình: “ Nếu như sự sợ hãi cứ tồn tại ở đây trong suốt quãng đời còn lại của mình thì cũng được thôi.” Đó là giây phút chấp nhận chân thành đầu tiên và nó thay đổi hoàn toàn mối liên hệ của tôi với sự sợ hãi. Tất nhiên lo sợ vẫn còn khởi lên nhưng tôi không còn giam hãm nó bằng sự kháng cự của mình. Một sự chấp nhận chân thành trong chánh niệm cho phép sự sợ hãi trôi qua. Không phải lúc nào cũng dễ dàng để có lòng trắc ẩn, nhiều như chúng ta muốn hay thậm chí cảm thấy chúng ta có. Chúng ta không muốn mở lòng ra với đau khổ của cá nhân mình và chúng ta cũng không muốn mình phải mở lòng ra với nỗi đau của những người khác. Điều đó còn đòi hỏi sự thực hành để có thể cởi mở ra trước những cảm xúc khó khăn, để chúng ta nhận thức và soi sáng được những gì ẩn giấu đằng sau chúng. Nhưng với chánh niệm, tâm của chúng ta sẽ có đủ không gian để ôm lấy những cảm xúc đau khổ, cảm nhận chúng và để chúng trôi qua. Và càng có chánh niệm và nhận thức về những khó khăn (cả tâm lý lẫn thể chất) của mình thì chúng ta càng có thêm nhiều sức mạnh, lòng cam đảm và hiểu biết để có mặt cùng đau khổ của những người khác. Thực hành lòng từ bi Quan trọng là nhìn lòng từ bi như một sự thực hành. Đôi khi chúng ta cảm thấy nó, đôi khi không. Nhiều lúc, đau khổ mà chúng ta trải qua quá to tát và có thể chúng ta cần quên nó đi, không tiếp xúc với nó trong chốc lát, để tránh bị chôn vùi. Vào những thời điểm đó, chúng ta cần tạo ra một khoảng không gian để có thể khôi phục lại sức mạnh và sự cân bằng. Từ nơi hồi phục này, chúng ta có thể cởi mở ra một lần nữa. Giống như lòng tốt, nếu chúng ta càng thực hành lòng từ bi, thì nó càng trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc sống của mình. Trích đoạn sách |