“Tôi không thể nào sung sướng được, nếu mọi người ở chung quanh tôi không sung sướng”.Jean Paul Sartre (1905-1980)
Năm đó, tôi học cấp II ở trường Cao đẳng tiểu học Hà Nội. Trong lớp, có một bạn được bà mẹ vừa cho một đồng bạc để mua một cái mũ dạ Fléchet nhập từ Pháp, để diện vào dịp Tết. Không may, khi vào lớp, các học sinh phải để mũ ở cái giá ngoài hiên. Hết giờ học, lúc ra về, anh bạn… không thấy mũ đâu cả! Anh ta bật khóc, thầy Nguyễn Huy Thúy, cử nhân Sử Địa ở Montpellier (Pháp) về, đi qua thấy vậy mới hỏi lý do, rồi thầy nói: “Nín đi con, thầy sẽ cho con một đồng để con mua cái mũ khác trước Tết. Nhưng điều quan trọng hơn là con nên nhớ rằng trong đời con, con có thể mua được 400 cái mũ như thế”. Anh bạn tôi trả lời: “Cám ơn thầy, nhưng con không dám nhận. Mẹ con sẽ con một cho đồng nữa để mua cái mũ khác”. 70 năm đã qua mà tôi vẫn không quên giai thoại đẹp như một giấc mơ của thời Nghiêu Thuấn.
Chương trình giảng văn hồi đó cũng phụ họa vào công việc đức dục các thiếu niên chúng tôi. Điển hình là bài “Sống chết mặc bây” của nhà nho Phạm Duy Tốn – thân phụ giáo sư thạc sĩ Phạm Duy Khiêm (cựu sinh viên Đại học Sư phạm Paris) và Nhạc sĩ Phạm Duy – phê phán gay gắt ông tri huyện vẫn ngồi đánh bạc “bình chân như vại”, trong khi đê vỡ, lũ lụt, dân chúng chết đuối, mất tích, người còn sống thì lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất”. “Riêng mình sướng, không biết rằng dân khổ”.
Hồi tôi làm nghiên cứu sinh ở Pháp, tôi còn được chứng kiến mấy cảnh tượng “làm ấm lòng người” như sau:
+ Người đi đường thấy, một chiếc xe đạp dựng ở tường bị gió mạnh thổi đổ nghiêng xuống hè thì chạy lại dựng chiếc xe lên như cũ; ở nước khác, có khi người đi đường bị nghi là định ăn cắp xe và bị bắt oan!
+ Luật hình sự ghi rõ là “phải giúp đỡ người bị tai nạn”. Khi lái xe trên xa lộ mà có người ở vệ đường vẫy tay thì phải đậu lại; có khi người đó chỉ nhờ ta tới một garage kêu chuyên viên tới kéo xe hư của ông ta (hồi đó chưa có điện thoại di động như ngày nay); ta phải cố gắng giúp ông ta, nhất là khi ông ta cùng đi với vợ con; có khi người đó xin “quá giang” về một thành phố nào đó; ta cũng phải cố gắng giúp ông ta, ít ra là tới một thị trấn có taxi để ông ta có thể tiếp tục cuộc hành trình.
+ Một chiều Chủ nhật, tôi lái xe cùng với mấy người bạn đến thành phố
Tôi vội dừng xe lại, xuống coi bốn bánh thì hóa ra một bánh trước bị xẹp! Trong khi một anh bạn nhanh nhảu mở cốp xe lấy bánh dự phòng để thay bánh cũ thì tôi tới cám ơn bà đầm. Bà ta cho biết: “Ở nước tôi, không cứu giúp người lâm nạn là một tội hình sự”.
+ Một hôm, tôi vào một tiệm thuốc Tây để mua kem đánh răng. Hồi đó đang có phong trào “kem đánh răng pha chất chlorophylle”. Tôi nói với chủ tiệm là một dược sĩ:
– Bán cho tôi một ống kem đánh răng có chlorophylle.
Ông chủ cười:
– Ông muốn mua “kem đánh răng có chlorophylle” hay “kem đánh răng thường”, loại nào tôi cũng có, cố nhiên loại thứ nhất đắt hơn loại thứ hai. Riêng tôi vẫn dùng loại thứ hai mà thấy nó chẳng kém gì loại thứ nhất, và tôi khuyên ông cứ dùng nó cho đỡ tốn tiền.
Ít khi tôi thấy một người bán hàng lại đứng về phe người tiêu dùng, hay tại ông ta là một trí thức đại học?
Sau khi giáo sư Georges Pompidou thôi làm Thủ tướng cho tổng thống De Gaulle vào cuối năm 1968, báo chí đăng tên ông trong một vụ tiêu cực ở Paris (sau xét ra chỉ là một sự hiểu lầm), Tổng thống De Gaulle mời ông tới Điện Elysée, trước hết là để chia sẻ nỗi lo âu của ông, sau nữa là để sẵn sàng minh oan cho cộng tác viên cũ của tổng thống.
Về nước, một hôm, tôi tới một tiệm phở nổi tiếng theo lời rủ của một ông bạn già. Nhà hàng vừa cho người phục vụ bưng hai tô phở khói nghi ngút tới, chúng tôi chưa kịp nhúng đũa thì một đứa bé, tay cầm một cái bát, tới trước mặt tôi, như đợi chờ.
Tôi hỏi:
– Có chuyện gì thế, con?
– Bác ăn hết phở, cho con xin nước, con đổ vào bát này… để húp.
– Tội nghiệp con quá, mà cũng tội nghiệp cả bác nữa; trong khi bác ăn mà con đứng chờ thế, bác nuốt sao trôi? Đây bác cho con năm ngàn, con ra bảo nhà hàng bán cho con một bát phở chỉ có bánh và nước, đừng lấy thịt khó tiêu.
Thường thường khi trong một nước có thiên tai, Chính phủ quyết định bãi bỏ các cuộc vui chơi, liên hoan trong một thời gian, trước hết để chia sẻ những nỗi đau khổ của đồng bào, sau nữa để dốc tâm cứu giúp các gia đình hoạn nạn.
Tiếp lời Jean Paul Sartre, tôi xin kết luận: “Chỉ có hạnh phúc chia đều mới thật sự là hạnh phúc”.