Cái chết – Cuộc giải thoát vĩ đại
Đối với một người bình thường cái chết là sự tang thương, sự đau khổ… Nhiều người rất sợ hãi khi nói đến cái chết vì họ nghĩ rằng đó là sự chấm dứt tất cả.
Nhưng đối với những người Phật tử thì chết không phải là mất tất cả mà chỉ là một sự thay đổi từ kiếp này sang kiếp khác giống như cởi áo mùa hạ mặc áo mùa đông.
Các vị tăng sĩ tu tập chưa thành tựu nhiều thì họ phải chạy đua với cái chết, chạy đua với quỷ vô thường để có một thành tựu nhất định trong việc tu chứng. Vì kiếp sau không biết có còn mang được thân người, có còn tiếp cận được với Pháp Phật nữa không.
Với các bậc cao tăng đạt đạo, chứng quả vị cao thì cái chết chính là sự rũ bỏ thân xác cuối cùng. Ở Tây Tạng người ta không quan tâm nhiều đến ngày sinh mà quan tâm đến ngày chết.
Một bậc tu hành đạt đạo đã chứng quả khi còn mang thân xác người vẫn chưa phải chịu những nỗi khổ về thân do sự tan rã của tứ đại. Chỉ khi nào cái chết xảy ra họ mới rời bỏ được xác thân và nhập vào ánh sáng chân tâm giải thoát luân hồi. Vì vậy, cái chết chính là cuộc giải thoát vĩ đại của một vĩ tu hành.
Pháp môn Tịnh độ cho rằng, nếu mình được sinh về cõi Tây Phương cực lạc thì đó là ngày vui mừng của chính họ và gia đình. Nhiều người sau khi niệm đến nhất tâm bất loạn được Phật A Di Đà độ báo mộng cho ngày ra đi, họ sẽ loan báo cho mọi người trong gia đình như một tin vui. Có người khi biết thời gian ra đi còn khá lâu, họ xin được về sớm vì sợ ở kiếp người lâu sẽ tạo thêm nghiệp mới không thể về được Cực lạc quốc.
Như vậy, trên thực tế cái chết không có gì đáng sợ. Cái đáng sợ chính là con người chưa chuẩn bị được hành trang gì cho sự ra đi. Mật tông cho rằng, nếu khi ra đi mà trong tâm còn chứa cả kho nghiệp với tâm trạng hoảng sợ bấn loạn từ sự chấp bám cuộc sống và tham sân si còn nặng nề thì đó mới chính là điều đáng sợ nhất.
Trong một ý nghĩa nào đó, thái độ trước cái chết chính là thước đo cho mỗi chúng ta trong quá trình tu hành giải thoát.
Đối với các Phật tử, nếu chúng ta còn sợ chết, sợ và rất sợ nữa là ta mới sơ căn bước vào Phật giáo. Nếu chúng ta coi sinh tử là chuyện vô thường của vô lượng kiếp là ta đã bắt đầu hiểu về pháp Phật, biết chấp nhận cái chết một cách bình thường.
Nếu chúng ta tự nhận thấy sự tu chứng hay quá trình chuyển hoá tâm chưa đạt gì, còn phải chạy đua với kiếp người là ta đã chứng đạt được một quả vị nhất định trong tu hành.
Và cuối cùng, nếu ta coi cái chết là sự giải thoát cuối cùng, sự giải thoát vĩ đại nhất của chúng sinh ra khỏi vòng luân hồi là chúng ta đã thành tựu chứng quả A la hán.
Đạt lai Lạt ma Tenzin Gyatso cho rằng, phần đông chúng ta đều muốn có một cái chết an ổn, nhưng một điều cũng hiển nhiên là ta không thể hy vọng chết một cách thanh bình nếu đời sống của ta đầy những bạo hành, nếu tâm ta thường giao động vì những cảm xúc mạnh như: giận dữ, ái luyến, hay sợ hãi.
Bởi thế, nếu ta muốn chết tốt, ta phải học cách sống tốt. Nếu ta mong có được một cái chết an lành thì ta phải đào luyện sự bình an trong tâm ta, và trong lối sống của ta….
Rèn luyện và chuyển hoá tâm
Các bậc thầy tâm linh của nhân loại đều cho rằng, mục đích cuộc sống trên trái đất này của con người là để thực hiện sự hợp nhất con người với bản tâm giác ngộ. Nó cũng được ví như công việc mà nhà vua gửi ta vào cái xứ sở đen tối (ngũ trược) để thực chứng và thể hiện con người thật của ta.
Có một cách duy nhất để làm việc đó là khởi sự cuộc hành trình tâm linh, với tất cả trí tuệ, lòng can đảm và cương quyết để chuyến hóa Tâm mình.
Lạt ma Sogyal Rinpoche nói “Mọi truyền thống tôn giáo đều nhấn mạnh rằng đời người là cơ hội duy nhất, và có một tiềm năng ghê gớm mà thường ta không ngờ tới. Nếu ta để lỡ cơ hội mà cuộc đời này cống hiến cho sự chuyển hóa tâm thì có thể một thời gian vô cùng tận nữa ta mới có được cơ hội khác.
Hãy tưởng tượng có một con rùa mù bơi trong đại dương bát ngát. Trên mặt biển có một cái vòng bằng gỗ nhấp nhô theo sóng. Cứ một trăm năm con rùa mới ngoi lên mặt biển một lần.
Theo ví dụ trong Phật giáo, được sinh làm người còn khó hơn là con rùa nổi lên và chui được cái đầu của nó vào chiếc vòng gỗ ấy. Và trong số những người được sinh làm người, thì những kẻ may mắn được gặp nền giáo lý này cũng rất hiếm.
Những người thực sự để tâm đến giáo lý và thể hiện giáo lý trong đời sống lại càng hiếm hoi, quả vậy nó giống như sao mọc ban ngày."
Trong các nền văn minh trước đây, con đường chuyển hóa tâm linh chỉ giới hạn cho một số ít người được chọn. Ngày nay, khi sự phân hoá và bạo hành đang diễn ra khắp mọi nơi, các tri thức về tâm linh trở nên cấp thiết cho sự sống còn của trái đất. Vì vậy mà Phật giáo đang ngày càng được phổ biến trên toàn thế giới.
Đức Phật nói rằng, người nào điều phục được tâm sẽ có an vui, nếu tâm không được rèn luyện sẽ sinh ra đau khổ. Do vậy, đạo Phật là đạo của tâm, đạo của sự chuyển hoá tâm. Khi tâm được điều phục thì đó là niết bàn hay giải thoát. Người không điều phục được tâm sẽ trôi mãi trong vòng luân hồi. Tây phương quan niệm đạo Phật không phải là tôn giáo mà là một khoa học về tinh thần.
Hoà thượng Thích Trí Quảng cũng cho rằng, con người cần phải loại bỏ mọi phiền não. Thân xác này có chết cũng không quan trọng, còn giữ phiền não trong lòng sẽ làm chết đạo Tâm. Tâm đau khổ thì khi chết sẽ đi vào cảnh giới xấu.
Đức Đat lai Lạt ma Tenzin Gyatso (14) nêu ra hai nguyên tắc cơ bản làm cơ sơ để khẳng định tính khả thi trong việc chuyển hóa tâm như sau:
– Thứ nhất, sự thay đổi là do nhân duyên. Bất cứ khi nào có thay đổi bao gồm cả sự chuyển hóa tích cực trong tâm, thì nó xảy ra được là nhờ nhân duyên. Nếu có ai đó khảo sát tỉ mỉ tiến trình chuyển hóa này, họ sẽ thấy nó thay đổi trong từng khoảnh khắc.
Trong tâm không có bất cứ cái gì là tĩnh; tất cả đều trong tình trạng liên tục biến đổi một cách bất tận. Khi ta khảo sát thời gian thật chính xác, ta thấy mọi vật thay đổi trong chớp mắt.
Đây gọi là nguyên lí vô thường, nó cho ta khả năng hiểu được sự biến đổi và tiến triển của vạn vật. Có nghĩa là bản chất của vạn vật là tính biến đổi, nhờ vào nhân duyên.
Khi người ta đề cập tới tính liên tục của một vật hay một sự kiện bất kì, nếu xét đến tính vô thường trên bình diện tổng thể, ta sẽ thấy tồn tại những chuỗi sự kiện nối tiếp nhau.
Khi hội đủ nhân duyên thì một hiện tượng sẽ sinh khởi và hiện diện; rồi sau đó tính liên tục của nó sẽ được duy trì. Điều này tương thích với những thuyết lý, mọi vật được sinh ra, rồi hiện diện, rồi phân rã và cuối cùng là không còn hiện diện. Chu trình “thành – trụ – hoại – không”.
Đây là một nguyên lí cho phép quá trình chuyển hóa và phát triển tâm thức xảy ra.
Thứ hai, giữa các hiện tượng bên trong và bên ngoài, sẽ có một số không tương thích với nhau. Khi có hai hiện tượng tương không thích nhau, khi đó tùy thuộc vào cái nào vượt trội hơn mà sự thay đổi sẽ diễn ra theo chiều hướng khác nhau.
Vì thế mà khi có một dạng suy nghĩ hay cảm xúc nào sinh ra thì nó sẽ tương tác với hiện tượng nào không tương thích với nó. Như vậy, nguyên lí thứ hai thúc đẩy quá trình chuyển hóa tâm.
Sự thay đổi sẽ xuất hiện khi một hiện tượng tiếp xúc với hiện tượng khác không tương thích với nó.
Để chuyển hóa nghiệp vị lai tránh thảm kịch cứ bị rơi trở lại vào trong vô minh, vọng tưởng và chu kỳ sống chết lặp đi lặp lại khổ nhọc, cuộc sống kiếp người là nơi chốn tốt nhất để chúng ta khởi sự và rèn luyện về tâm linh.
Nhiều tôn giáo cũng đã chỉ dẫn phương pháp rèn luyện tâm, nhưng có lẽ phương pháp tối ưu và hiệu quả nhất chính là các thuyết lý của Phật giáo.
Đat Lai Lạt ma nói “Phật pháp là hệ thống thuyết lý của sự chuyển hóa hay tôi luyện tinh thần, để đạt được nội tâm tĩnh tại. Sự chuyển hóa tinh thần chỉ đạt được bằng cách sử dụng chính tinh thần chứ không thể có được bằng cách nào khác…
Cho nên, thực hành chuyển hóa tâm đòi hỏi người ta phải giảm thiểu suy nghĩ hay cảm xúc gây phiền não đồng thời thích ứng với những suy nghĩ, cảm xúc ích lợi. Sự chuyển hóa còn gọi là điều chỉnh tâm”.
Sự giống nhau trong việc nghiên cứu Phật giáo với nghiên cứu khoa học là phải có sự chứng minh bằng thực nghiệm. Khoa học đòi sự chứng minh bằng thực tế thì Phật pháp đòi hỏi sự chứng thực bằng tâm linh.
Vì vậy muốn hiểu được những thuyết lý Nhà Phật chúng ta phải tu hành để thực chứng.
Hành thiền và trì tụng Kinh Chú là phương pháp thực hành, chân thứ hai của Phật giáo.
Còn tiếp…
Phần ba – Thiền là sự giáo huấn với chính mình để làm quen với thân trung ấm