Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay Bàn về các khóa tu, sinh hoạt hè cho giới trẻ

Bàn về các khóa tu, sinh hoạt hè cho giới trẻ

129

NHU CẦU LỚN

Mùa hè là dịp học sinh, sinh viên được nghỉ hè, có nhiều thời gian rảnh rỗi, trong khi đó cha mẹ vẫn phải tham gia lao động, sản xuất, dẫn đến tình trạng con cái không được quản lý, hướng dẫn, kiểm soát. Tại khu vực thành thị, một số em được tham gia các sinh hoạt hè tại cung thiếu nhi, nhà văn hóa, học năng khiếu thể thao, văn hóa. Một số khác thì đi học thêm, một số khác thì tự chơi trong nhà, ngoài phố

Tại khu vực nông thôn, các em hầu như được thả lỏng tự do.

Dân gian có câu nhàn cư vi bất thiện. Mùa hè cũng là dịp các em dễ sa ngã đi vào con đường hư hỏng. Các em bị bạn xấu rủ rê vào các tệ nạn, hoặc nghiện chơi game, chat chít,  xem các thông tin không lành mạnh trên mạng…

Mặt khác, 9 tháng học hành của các em đã rất căng thẳng với nhiều kiến thức, tuy nhiên, việc giáo dục đạo đức, nhân cách trong nhà trường còn bị xem nhẹ. Nhiều biểu hiện chưa đẹp trong các em đã xuất hiện thường xuyên như nói tục, chửi bậy, thiếu lễ phép, không nghe lời…

Do vậy, việc nhà chùa tổ chức các khóa tu, sinh hoạt mùa hè cho thanh thiếu niên là rất cần thiết, là nhu cầu lớn của xã hội, từ thành thị đến nông thôn.

HÈ 2011, KHỞI SẮC NHIỀU KHÓA TU CHO GIỚI TRẺ

Ngay từ đầu hè năm nay, nhiều khóa tu đã được tổ chức tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Độc giả có thể cảm nhận không khí náo nức vào hè của nhà chùa tràn ngập trên Trang tin Phattuvietnam.net.

Các chùa có truyền thống tổ chức khóa tu mùa hè tiếp tục duy trì được “phong độ”, thậm chí chuyên nghiệp hơp, đáp ứng số lượng nhiều hơn như chùa Hoa Khai, Pháp Hoa (Đắc Nông), chùa Hoằng Pháp (TP.HCM), Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), chùa Phật Quang (Kiên Giang), Thiền Tôn Phật Quang (Bà Rịa – Vũng Tàu)…

Một số chùa có sinh hoạt thanh thiếu niên thường xuyên, định kỳ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sinh hoạt cho tuổi trẻ như Thiền viện Sùng Phúc, chùa Đình Quán, chùa Quán Sứ (Hà Nội).

Hội trại “Tuổi trẻ và Cuộc sống” tiếp tục được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, thu hút gần 2000 trại sinh với nhiều nội dung sinh hoạt hấp dẫn như thi hồi trống pháp, lửa trại…

Điều đáng mừng là đã có thêm nhiều chùa tổ chức các khóa tu trong mùa hè năm nay như chùa Bằng, chùa Di Đà (Hà Nội), chùa Vấn Khẩu (Nam Định), Bình Quang Ni Tự (Bình Thuận), chùa Long Phước (Long An), chùa Tịnh Nghiêm (Tiền Giang), chùa Hoàng Xá (Hưng Yên) và còn nhiều chùa khác chưa được đưa tin…

Các khóa tu mùa hè, sinh hoạt hè, lớp học hè tại chùa đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, hướng thiện cho các em. Tham dự khóa tu, các em không chỉ được nhà chùa giảng dậy giáo lý nhà Phật, được giáo dục đạo đức nhân cách làm người, được giáo dục lòng hiếu thảo, biết yêu thương mọi người mà còn được giáo dục kỹ năng sống, khả năng tự lập, được tham gia các trò chơi bổ ích, giao lưu, học hỏi, có thêm những người bạn tốt.

Dù ngắn ngủi, nhưng chắc chắn đó sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ, hữu ích, là hành trang cần thiết cho các em trên bước đường trưởng thành trở thành một người có nhân cách cao đẹp, sống có ích cho xã hội và cho đạo pháp.

Nỗ lực tổ chức các khóa tu mùa hè của nhà chùa không chỉ có ý nghĩa vun đắp nền tảng đạo đức, tâm linh của giới trẻ, mà còn mang lại rất nhiều giá trị cho công cuộc hoằng dương Phật pháp.

Thông qua các khóa tu hè, nhà chùa đã trở thành nơi tin cậy để các bậc cha mẹ gửi gắm con cái, trở thành một chỗ dựa, một nơi tìm đến, trở về của mọi tấng lớp trong xã hội.

Vun đắp cho tuổi trẻ, tạo sân chơi cho tuổi trẻ, hi sinh vì tuổi trẻ cũng có nghĩa là Phật giáo đã biết đầu tư cho tương lai, thế hệ sẽ tiếp nối, duy trì và phát huy tôn giáo truyền thống gắn bó với dân tộc hơn 2000 năm, thế hệ đang chịu tác động, lôi kéo mạnh mẽ của văn hóa và tôn giáo phương Tây.

Tổ chức các hóa tu, trại hè, sinh hoạt hè cho giới trẻ góp phần xóa đi hình ảnh một Phật giáo nặng về cúng bái, cầu xin, xa cách, mờ ảo, đưa Phật giáo đến gần hơn với mọi người, mọi nhà, nhà chùa trở thành một nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, để không chỉ già vui chùa, mà trẻ cũng vui chùa.

Một số khóa tu, sinh hoạt được tổ chức trong mùa hè năm nay như ở chùa Hoàng Xá (Hưng Yên) cho thấy không cứ phải chùa cao, cửa rộng, đầy đủ vật chất, tiện nghi, nhân lực mới có thể tổ chức các sinh hoạt hè cho tuổi trẻ. Chỉ cần những tấm bạt trải lên nền đất, một tấm lòng vì con trẻ, vì tiền đồ đạo pháp cũng có thể làm nên một khóa tu.

NHỮNG ĐIỀU TRĂN TRỞ

Dù có nhiều tín hiệu vui, khởi sắc, song nhìn tổng thể, việc tổ chức sinh hoạt, khóa tu mùa hè của Phật giáo vẫn cần được Giáo hội quan tâm, cần được mở rộng đến khắp các tự viện, với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt.

Trong số 64 tỉnh thành trong cả nước thì số tỉnh thành tổ chức được các khóa tu mùa hè cho các em còn ít. Có thể kể ra như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, TP HCM, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Thuận, Kiên Giang, Tiền Giang, Long An, Khánh Hòa, Đà Nẵng…

Điều đó cho thấy ở nhiều tỉnh thành, đã sang hè Phật giáo vẫn còn “ngủ đông”, không nhận thấy được tầm quan trọng và lợi ích của việc giáo dục thế hế trẻ và truyền trao giáo pháp cho thế hệ tương lai. Trong khi đó Phật giáo tại các tỉnh này cũng đầy đủ các ban bệ. Hình như có để cho đủ mà thôi, còn hoạt động thực chất thì chẳng được là bao.

Trong số hơn 14.000 tự viện, thử hỏi Giáo hội đã thống kê được có bao nhiêu chùa tổ chức được khóa tu, sinh hoạt hè cho các em?

Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã ban hành quy chế của Tiểu ban Hướng dẫn Thanh Thiếu niên Phật tử, nhưng việc triển khai thành lập tại các tỉnh, thành phố, xuống tới các quận huyện, thị như thế nào vẫn chưa rõ. Ngay cả tại Hà Nội, dường như sinh hoạt thanh thiếu niên Phật tử đang bơ vơ, không biết dựa vào ai.

Chùa nào năm nay tổ chức tốt thì năm sau vẫn làm tốt. Chùa nào không tổ chức thì năm sau có khi mười năm sau cũng không tổ chức khóa tu.

Nhiều gia đình, phụ huynh muốn cho con đến chùa tham dự khóa tu mùa hè để các cháu ngoan hơn nhưng không biết cho con đăng ký ở đâu. Chùa gần thì không tổ chức chẳng lẽ đưa con vào tận chùa Hoằng Pháp – Sài Gòn hay đưa con ra Thiền Viện trúc lâm Tây Thiên ngoài bắc.

Vì còn ít chùa tổ chức khóa tu nên tổng số em được tham dự cũng còn khiêm tốn so với nhu cầu và yêu cầu. Việt Nam là một nước dân số trẻ. Thanh thiếu niên chiếm khoảng 40% dân số, tính ra cả nước sẽ có khoảng mấy chục triệu em. Tổ chức khóa tu cho mấy trăm mấy ngàn em đó cũng chỉ như muối bỏ bể mà thôi, chẳng thấm tháp vào đâu.

Tuổi trẻ là tương lai của đạo pháp và dân tộc. Phần lớn các em không được đến chùa tham dự khóa tu mùa hè học hỏi giáo lý nhà Phật thì làm sao các em hiểu đạo, làm sao các em biết kính Phật trọng tăng, làm sao các em có tâm hồn thanh cao hướng thượng, lớn lên làm sao các em biết giữ gìn mạch nguồn tâm linh của dân tộc.

Trong số hơn 40 ngàn tăng ni cả nước thì đã có mấy thầy có tâm huyết, dám nghĩ dám làm, nhiệt tình chịu đứng ra tổ chức khóa tu mùa hè cho các em. Tổ chức khóa tu xem đi xem lại vẫn là những gương mặt “quen” như quý thượng tọa Bảo Nghiêm, Chân Quang, Chân Tính, Viên Giác, quý đại đức Minh Nhẫn, Minh Đăng, Câu lạc bộ hoằng pháp trẻ TP.HCM. Đúng là hào kiệt như sao buổi sớm và nhân tài như lá mùa thu.

Một đội ngũ tăng ni hùng hậu mà việc tổ chức khóa tu cho thanh thiếu niên tất cả dồn hết vào đôi vai của mấy thầy thì làm sao có thể quảng bá, truyền trao Phật pháp đến đông đảo các em.

Vừa qua, xem phattuvietnam.net đưa tin, thấy các thầy Chân Quang, Chân Tính, các thầy trong câu lạc bộ hoằng pháp trẻ thành phố HCM lặn lội từ miền nam ra ngoài bắc để tổ chức các khóa tu mà không khỏi chạnh lòng thương cho các  thầy vừa đi xa tốn kém vừa vất vả. Biết là thế nhưng thử hỏi các thầy không ra ngoài bắc thì có mấy thầy ngoài đó tổ chức và hướng dẫn các Phật tử tu học.

Không hiểu mấy trăm vị mới tốt nghiệp Học viện PGVN tại Hà Nội năm ngoái đi đâu, làm gì? Phải chăng do Giáo hội không đứng ra tổ chức hay do chính các thầy vẫn còn thụ động, tâm lý trông chờ ỷ lại vào Giáo hội, ngại khổ ngại khó không dám dấn thân. Hay các thầy còn chăm lo với việc xây dựng tự viện của mình và bận rộn việc cúng lễ cho Phật tử gần xa.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Để phong trào tu học mùa hè cho thanh thiếu niên năm nay và các năm sau được mở rộng khắp các tỉnh thành và trở thành truyền thống mỗi khi dịp hè. Khẩn thiết kiến nghị Giáo hội có những chủ trương hành động  như:

Thứ nhất, Ban thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN yêu cầu các tự viện, các tỉnh thành hội trong cả nước, tùy khả năng, điều kiện cho phép tổ chức các khóa tu, sinh hoạt hè với quy mô khác nhau, đưa vào nghị quyết hàng năm. Giáo hội vận động thành lập một quỹ hỗ trợ vì thế hệ Phật tử trẻ để hỗ trợ các tự viện, nhất là các tự viện còn nghèo tổ chức các khóa tu, sinh hoạt hè. Có khen thưởng, tuyên dương công đức các chùa, tỉnh thành hội làm tốt Phật sự này, cũng như cảnh báo, nhắc nhở các chùa, các tỉnh thành không quan tâm đến giới trẻ.

Thứ hai, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đẩy mạnh chỉ đạo các tỉnh thành hội cả nước thành lập tiểu ban hướng dẫn thanh thiếu niên Phật tử cấp tỉnh, cấp huyện, kiện toàn nhân sự, xây dựng tài liệu hướng dẫn về mô hình tu học, nội dung sinh hoạt, hướng dẫn học giáo lý, trong đó có hướng dẫn về việc tổ chức các khóa tu mùa hè, thậm chí xây dựng Cẩm nang tổ chức sinh hoạt, khóa tu mùa hè, trong đó hướng dẫn về tổ chức, nhân sự, nội dung, các hoạt động, những điều rút kinh nghiệm…

Thứ ba, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương cần có kế hoạch triển khai sớm các khóa tu mùa hè ngay từ đầu năm, đề nghị các chùa, các tỉnh thành hội đăng ký tổ chức các khóa tu mùa hè để có kế hoạch tổng thế, kế hoạch hỗ trợ nhân sự và các hỗ trợ khác của Giáo hội. Phấn đấu tối thiểu mỗi tỉnh, tiến tới mỗi huyện hàng năm phải tổ chức được ít nhất một khóa tu mùa hè cho các em.

Thứ tư, Ban Hoằng pháp phối hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử bố trí giảng sư về thuyết giảng, hướng dẫn sinh hoạt, xây dựng tài liệu học giáo lý, bài thuyết giảng mẫu trong các khóa tu, sinh hoạt hè. Ban Hoằng pháp thành lập các câu lạc bộ hoằng pháp trẻ tại mỗi tỉnh hoặc cụm tỉnh để khuyến khích, thúc đẩy, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm cho các vị Tăng Ni mới ra trường.

Thứ năm, các vị trụ trì ý thức tầm quan trọng của việc gắn kết giới trẻ với nhà chùa trong việc duy trì mạng mạch Phật pháp, coi việc tổ chức các khóa tu cho giới trẻ trong dịp hè là Phật sự quan trọng, cần ưu tiên trong năm. Từ đó, khuyến tấn, giáo dục Phật tử cho con em mình đến chùa sinh hoạt.

Chùa Bằng, năm đầu tiên tổ chức khóa tu mùa hè, song nhờ sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thượng tọa Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TW, có sự giảng dạy của các giảng sư hàng đầu nên đã để lại dấu ấn sâu đậm, tạo đà cho các năm tiếp theo.

Chùa Hoằng Pháp, có số em tham gia đông nhất, tổ chức quy củ nhất, nề nếp nhất, kỷ luật nhất và cũng là trang nghiêm nhất. Nhìn những hình ảnh của khóa tu mùa hè tại chùa Hoằng pháp thật xúc động, nó có sức hút các em và các bậc cha mẹ mong muốn gửi con đến chùa tu học.

Đạo tràng Phật Quang của thầy Chân  Quang, có phong trào tu học rộng khắp nhất, được tổ chức khắp cả 3 miền bắc- trung- nam. Chùa Phật Quang là nơi có chương trình khóa tu mùa hè được xây dựng công phu toàn diện nhất, bài bản nhất và sinh hoạt phong phú nhất. Các em không chỉ được nghe giảng pháp, biết lễ Phật ngồi thiền, học oai nghi của Phật tử mà các em còn được giáo dục đạo đức thể chất, các kỹ năng sống, các em được tham gia các trò chơi tập thể vui vẻ, gắn kết tập thể  theo tình thần học mà chơi, chơi mà học.

Chùa Pháp Hoa ở Đăk Nông, ai cũng biết tỉnh ĐăK Nông mới được thành lập. PG Đăk Nông phát triển từ không đến có, mặc dù chưa kiện toàn được tổ chức, thiếu thốn về cơ sở vật chất tự viện, phật tử còn ít, nơi một tỉnh miền núi khó khăn về kinh tế có đông đồng bào các dân tộc sinh sống .Các thầy nơi đây đã vượt qua được tất cả mọi trở ngại, chướng duyên, bằng cái tâm, bằng uy đức của mình các thầy đã tập hợp được Phật tử để tổ chức khoa tu mùa hè, gieo mầm Phật giáo cho các em thật đáng khâm phục.

Câu lạc bộ hoằng pháp trẻ là mô hình năng động nhất. Câu lạc bộ là nơi quy tụ của các tăng ni trẻ năng động nhiệt tình, có chung hạnh nguyện , có kiến thức, có kỹ năng hoằng pháp. Các thầy đã không quản ngại gian khó, vất vả, lặn lội từ Đồng bằng sông Cửu Long, đến tây nguyên  ra ngoài bắc để hoằng dương phật pháp và giúp tổ chức các khóa tu mùa hè. Nơi nào cần các thầy có mặt.

Thầy Thích Minh Đăng ở CưMga – Đắc Lăk là người tổ chức các khóa tu cho đồng bào dân tộc thành công nhất. Người ta thường nói có thực mới vực được đạo thế mà thầy lại làm trụ trì ở một nơi vùng sâu vùng xa, người dân từ người kinh đến người thượng còn nghèo, đói cái ăn, đói cái mặc, đói cái ở.  Hoằng pháp cho người kinh đã khó, hoằng pháp cho người dân tộc còn khó hơn do khác biệt về ngôn ngữ văn hóa, đồng bào lại chưa biết đến đạo Phật. Người ta có  thể khác biệt về ngôn ngữ văn hóa, điều kiện kinh tế vật chất thì có những tính Phật của mọi người đều như nhau, tình người nơi đâu cũng thế. Cho nên bằng cái tâm, bằng sự cống hiến không biết mệt mỏi, bằng những việc giúp đỡ từ thiện thầy đã vận động được đồng bào dân tộc nơi đây quy y tam bảo, kính tín tam bảo và thầy đều đặn tổ chức các khóa tu giúp cho đồng bào có điều kiện tinh tấn hơn nữa trên bước đường học Phật.