Đó là một ngôi chùa ở làng Sọ, vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Trải qua hai cuộc chiến, những nhân vật đi cùng lịch sử của làng Sọ là những con người theo đạo Phật, chỉ quen với ao quê, ruộng vườn, chân lấm tay bùn.
Họ sống thuần phác, nếu không có trận càn. Phía sau trận càn là những số phận phiêu diêu, những số phận của vị sư Vô Uý, của trò An, mà khi cuối sách nhân vật mới nhận ra “nhưng bây giờ tôi mới hiểu sống như vậy thật khó, và hiểu sống như vậy mới gần được đạo”.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thời trẻ từng đi bộ đội, ông đi qua rất nhiều làng quê, nhưng ở làng Sọ, ông mô tả mùa rơm vàng, một mùa hoa dẻ luôn vướng vào trong tâm khảm người đọc như đó là quê hương bản quán của ta.
Đọc văn của ông đâm mê đường quê vào mùa gặt, ông như một hoạ sĩ chuyên vẽ tranh thiên nhiên, có cả âm nhạc của gió và nắng hanh.
Có những trang sách vừa khơi gợi vừa để người đọc nghĩ ngợi thêm về phận người đau khổ trên thế gian dù hướng tới bạn đọc và cuộc sống trong tương lai sáng sủa hơn, hy vọng hơn.
Người đọc sống với nhân vật Đội gạo lên chùa, với những người phụ nữ mà Nguyễn Xuân Khánh miêu tả thật kỹ, thật trân trọng và yêu quý như nhân vật Nguyệt, em Rêu, vãi Thầm, cái Huệ.
Dù là nhân vật chính hay nhân vật phụ thì người phụ nữ trong Đội gạo lên chùa thật sự là người phụ nữ điển hình của chịu thương chịu khó, sống vì gia đình, quê hương.
Trong đó còn có cả những số phận trôi dạt được sư cụ trong chùa cứu độ và giác ngộ làm người.