Trang chủ Nghiên cứu Dashi – Dorzho Itigilov: Một vị Thánh tăng của Phật giáo Nga

Dashi – Dorzho Itigilov: Một vị Thánh tăng của Phật giáo Nga

173

Người Nga từ thời Xô Viết đã truyền tụng về điều mà họ coi là một phép lạ liên tục kéo dài này. Lúc đó, nhiều người đã coi đây là biểu tượng về sự linh thiêng của Phật giáo.

Lạt ma Dashi – Dorzho Itigilov, tên và pháp hiệu đầy đủ theo tiếng Nga Pandito Khamba Lama Dashi – Dorzho Itigilov, là đại tăng được suy cử lên ngôi vị lãnh đạo Phật giáo Nga, có thể coi là tăng thống, từ năm 1911. Năm sinh của Ngài còn là chưa được xác định chính xác. Các tài liệu của Nga còn đặt dấu chấm hỏi phía sau năm được ghi nhận là 1852. Ngài viên tịch vào năm 1927.
 
Chi tiết về gia thế của Ngài cũng chưa xác định. Chỉ biết Ngài mồ côi từ nhỏ. Tuy nhiên, trong giới Phật tử Nga ở Viễn Đông lưu hành giai thoại Ngài đến Trái Đất từ vũ trụ, vì trên thực tế không có thông tin về một thời gian dài trong cuộc sống ấu thời của Ngài.
 
Ngài hấp thụ giáo dục Phật giáo từ năm 16 tuổi. Theo học tại một Datsan (Phật học viện kiểu Tây Tạng) tại Buryat, Nga, Ngài tốt nghiệp với các chuyên ngành y học và triết học. Ngài đã biên soạn một quyển từ điển về dược liệu học.
 
Năm 1911, Ngài Dorzho Itigilov được suy cử vào ngôi vị Pandito Khambo Lama thứ XII, trong giai đoạn Phật giáo hưng thịnh ở Buryat.
 
Cho đến năm 1917, uy tín của Ngài ở nước Nga Sa hoàng rất lớn. Ngài đã chứng minh lạc thành của tự viện Phật giáo đầu tiên ở thủ đô Nga lúc bấy giờ là Saint Petersburg. Ngôi tự viện này cũng là tự viện đầu tiên của Phật giáo tại châu Âu.
 
Sa hoàng Nicholas II vinh danh Ngài bằng tước hiệu Saint Stanislaus, tiếng Anh viết là Order of Saint Stanislaus, phiên âm từ tiếng Nga là Orden SV Stanislava, một danh hiệu cao quý của vương triều Romanov.
 
Ngài cũng được coi là nhà hoạt động từ thiện. Trong chiến tranh thế giới thứ I, Ngài chủ trì hoạt động tổ chức từ thiện Huynh đệ Buryat, lạc quyên cứu trợ thuốc men, y phục, thực phẩm…Ngài đã giúp đỡ trực tiếp nhiều bệnh viện bằng cách cử đến nhiều vị bác sĩ Lạt ma.
 
Các hoạt động từ thiện của Ngài đã được triều đình Nga tri ân tặng thưởng Huân chương St.Anna phiên âm tiếng Nga Orden Svyatoy Anny (tuy là huân chương “Thánh” nhưng triều đình Nga có chuẩn bị bản dành đặc biệt cho những người không theo Cơ đốc giáo, trong đó, thập tự được thay bằng huy hiệu Phượng hoàng hai đầu của triều đình Nga).
 
Năm 1927, Ngài viên tịch khi đã báo trước, Ngài an nhiên thị tịch trong khi hành thiền.
 
Đại tăng Dashi – Dorzho Itigilov được táng trong tư thế liên hoa tọa, tư thế Ngài ngồi khi viên tịch.
 
Trong các năm 1955 và 1973, chư tăng Phật giáo Nga đã hai lần khai quật nhục thể của Ngài và nhận thấy rằng hoàn toàn không có dấu hiệu phân hủy vật lý.
 
 
Chính quyền lúc bấy giờ đã biết việc này. Tuy nhiên nhục thân của Ngài vẫn được giữ nguyên tại chỗ (an táng lại). Việc làm này được coi như động thái khảo cổ học  thường được biết đến qua thuật ngữ tiếng La tinh In situ, với nghĩa gần như là duy trì, bảo tồn cổ vật trong trạng thái nguyên thủy được phát hiện.
 
Ngày 11 tháng 9 năm 2002, chư tăng Phật giáo Nga đã cung thỉnh nhục thân còn nguyên vẹn của Ngài về an vị tại tự viện Involginsky. Tự viện này trước đây là trụ sở Hội đồng lãnh đạo tinh thần Trung Ương Phật giáo Liên Xô. Nay là trú xứ của Đức Hambo Lama của Phật giáo Nga.
 
Nhục thân của Ngài được Phật tử khắp nơi chiêm bái và được các nhà giải phẩu bệnh lý học (Pathologist) khảo sát. Các ghi nhận được công bố chính thức về nhục thân của Đại sư Dashi – Dorzho Itigilov là:
 
– Trong điều kiện của một người vừa từ trần 36 giờ trước đây (không phải là hiện tượng khô đi).
– Không hề có dấu hiệu bất kỳ của sự phân hủy.
– Còn nguyên vẹn tất cả bộ phận của cơ thể, gồm cả bắp thịt, mô, khớp, da…
– Hiện tượng hoàn toàn không thể được giải thích bằng y học hiện đại.
– Không ghi nhận bất kỳ biện pháp bảo quản cố ý nào, mà hoàn toàn tự nhiên (không phải xác ướp).
 
Chư tăng và Phật tử Nga bái ngưỡng nhục thân của Ngài như một người sống (thậm chí chạm tay vào thân Ngài). Những lời đồn đại nói rằng cơ thể Ngài còn cả
máu huyết, và Ngài chỉ “ngủ đông”. Tuy nhiên, xác tín về sự đắc đạo của Lạc ma Dashi – Dorzho Itigilov là hiển nhiên.
 
Theo trang Web Buddhist Channel, giáo sư Viktoz Zvyagin, Trung tâm Forensic Medicine Liên Bang, sau khi phân tích tóc, da, móng tay của Đại sư Dashi – Dorzho Itigilov, nói rằng trong nhiều năm hành nghề, giáo sư có gặp một số trường hợp bảo tồn cơ thể sau khi chết nhưng đó là kết quả của sự hóa khô, hoặc tồn tại trong môi trường đặc biệt. Riêng trường hợp này ông không hiểu được!
 
Ngày 23/4/2003, Đại hội Phật giáo Nga suy tôn nhục thân của Đại sư Dashi – Dorzho Itigilov là một trong những biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo Nga. Trong dịp này, một ngôi tự viện kỷ niệm Ngài đã được xây dựng. Đức Khambo Lama Damba Aysheyev quyết định cho tăng ni Phật tử chiêm bái nhục thân Đại sư Dashi – Dorzho Itigilov bảy ngày một năm trong dịp Lễ Phật giáo địa phương theo truyền thống.
 
Wikipedia tiếng Anh ghi nhận, vào năm 2005, cơ thể của Đại sư Dashi – Dorzho Itigilov đã được tôn trí ngoài trời, trong trạng thái tiếp xúc với mọi người, mà không hề có bất kỳ một biện pháp bảo quản nào như nhiệt độ hay chống ẩm.
 
Ngày lễ chiêm bái nhục thân Đại sư Dashi – Dorzho Itigilov là một cuộc lễ lớn của Phật giáo Nga, thu hút tín đồ từ cả Liên Bang và khắp thế giới. Trung tâm hành hương Datsan Ivolginsky ngày nay là một quần thể chùa chiền, thiền đường, trường đại học lớn.
 
Báo chí Nga nhắc đến hiện tượng thiêng liêng của Ngài với sự nhiệt thành đặc biệt. Còn người Nga hiện nay cho dù không là Phật tử cũng vô cùng tự hào về phép lạ mầu nhiệm này trên đất nước của họ.
 
Dalai Lama XIV thì xem hiện tượng lưu truyền nhục thân Đại sư Dashi – Dorzho Itigilov là một ví dụ về kết quả thiền định thoát trần.
 
Truyền thống đạo Phật coi hiện tượng mầu nhiệm này là toàn thân xá lợi.
 
Còn một người Do Thái không phải Phật tử thì nói rằng “I don’t know if it’s a miracle, but I know he was a holy man” (trích theo Buddhist Channel).
 
Ngài là một vị thánh!
MT