Mới đây, trang Phattuvietnam.net có đăng một tin, dẫn nguồn từ Vietnamnet, theo đó “với một khoản phí nhỏ, một người sẽ có cơ hội được chết đi rồi sống lại nhằm có một khởi đầu mới cho cuộc sống. Buổi lễ chết thử kỳ dị diễn ra tại chùa WatPrommance, Thái Lan”.
Cùng với tin, là hình ảnh hàng dãy quan tài được sắp nối tiếp giữa một đại sảnh lớn của một ngôi chùa.
Bản tin còn cho biết, nghi lễ chết thử không chỉ diễn ra ở Thái Lan mà nó còn diễn ra ở nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Singapore. Ở Hàn Quốc, với tên gọi Cuộc sống tươi đẹp, những người muốn chết thử tham gia chương trình có thể có một lễ tang cho mình”.
Trong những bức ảnh, có những bức ảnh trong quan tài có người sống, hoặc nằm chết giả, hoặc ngồi dậy, trông khá vui vẻ như vừa qua một cuộc chơi.
Nhưng có những bức ảnh đại sảnh nhà chùa lạnh lẽo với dãy quan tài trải dài một cách “kỳ dị” (chữ dùng trong đoạn mở đầu của tin), ma quái, âm khí.
Những hình ảnh đó gợi nên trong người viết hình ảnh kho chứa quan tài cũng rất “kỳ dị”, ở chùa Linh Phước, ấp Thanh Hiệp, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, Việt Nam, mà đã có dịp đề cập qua.
Có lẽ, một số người nào đó hào hứng với cảm giác và không khí quan tài như thế. Nhưng số đông thì có lẽ không thể.
Ở nhiều nước phương Tây, cơ sở phục vụ mai táng và tổ chức đám tang buộc phải là nơi tách biệt với khu dân cư, có giờ mở cửa nhất định, nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường và mỹ cảm. Đám tang không được tổ chức ở nhà riêng.
Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ hoạt động chết giả bằng cách vào quan tài nằm có thu phí này không phải là một pháp môn có trong kinh Phật.
Vì vậy, một cơ sở kinh doanh dịch vụ nào đó mở ra hoạt động này để thu hút những người hiếu kỳ hoặc cảm thấy phù hợp thì có thể còn coi được.
Nhưng đã do nhà chùa tổ chức (có thu phí) thì nên đặt dấu hỏi.
Theo tinh thần quan điểm nhân quả, nghiệp báo và luân hồi thì “lễ hồi sinh khác thường kéo dài 90 giây với mỗi nhóm và được cho rằng có thể gột rửa những điều không may và kéo dài cuộc sống” là một tư duy trái ngược với đạo Phật, kiểu như xuống sông Hằng tắm gội thì sẽ rửa sạch hết tội lỗi, trở nên thánh thiện, thanh tịnh.
Vào quan tài giả chết, để rồi “hồi sinh” trong một cuộc lễ nào đó, dù do những vị sư tổ chức, không tạo ra được một thiện nghiệp nào hết, để đưa đến hệ quả “gột rửa những điều không may và kéo dài cuộc sống”.
Quan niệm như thế, thì chùa chuẩn bị sẵn hàng dãy quan tài, để người ta “gột rửa những điều không may và kéo dài cuộc sống”, thay vì tu giới, tu định, tu tuệ, tạo tác thiện nghiệp hay sao?
Tạo cho người chết giả và hồi sinh sau khi ra quan tài một niềm tin lạc quan như thế thì có đúng với đạo Phật không?
Trong Kinh Phật, chúng ta biết rằng đức Phật có chỉ dạy phương pháp quán việc mai tang tử thi bằng cách lâm táng, tức để xác chết giữa rừng để chim ăn thịt đến rúc rỉa, thú dữ xâu xé, dòi bọ đục khoét, mưa gió phân hủy, để rồi thấy thân người cuối cùng thành một đá, bụi bay đi tản mác theo gió, để nghiệm về lẽ vô thường.
Tuy nhiên, theo tinh thần Kinh Phật đây không phải là một pháp tu có thể phổ biến rộng rãi. Một số vị tỳ kheo vì quá chán chường kiếp người đã đi đến chỗ sai lầm mà tự sát, sau đó đức Phật đã uốn nắn.
Pháp tu đó không áp dụng cho số đông Phật tử sơ cơ và không có gì tương đồng với kiểu vào quan tài chết thử hay trưng bày quan tài tại chùa, trước thánh tượng Đức Phật, hoặc phô bày ở trước cửa chùa (như chùa Linh Phước, Bến Lức, Long An, VN).
Nếu nó được tổ chức theo kiểu lễ hội Haloween, làm cho người ta trài qua những giây phút “kỳ dị”, thỏa tính hiếu kỳ thì càng đi xa với tinh thần đạo Phật hơn nữa.
Theo bản tin, một số người có vẻ thích thú với kiểu chết giả sống lại (cũng giả không phải chết đi sống lại thực tế, thời điểm người ta có thể có những trải nghiệm quý giá).
Nhưng, chắc chắn họ không thể cứ lặp đi lặp lại kiểu làm này để “gột rửa” những điều không may và kéo dài cuộc sống, như một hoạt động tín ngưỡng để cầu mong lợi lạc.
Trong khi đó, hàng dãy quan tài đầy âm khí trong chùa thì sẽ đưa đến hệ quả gì, chúng điều có thể hình dung.
Quan tài, vòng hoa tang… là những thứ làm không ít người kinh sợ, và trong thực tế những thứ đó đã nhiều lần được sử dụng như những thứ vũ khí khủng bố tinh thần.
Để hàng loạt quan tài trong đại sảnh của một ngôi chùa hay phô diễn trong một khu nhà trước cửa chùa… đều rõ ràng là khiến cho không gian nhà chùa không thể sử dụng cho việc gì nữa, nếu chưa đến nỗi gây phản cảm cho một số đối tượng khác.
Đối với những người chưa theo đạo Phật, hình ảnh quan tài số lượng lớn một cách kỳ dị và hoạt động nằm vào đó để trải nghiệm cái chết, “gột rửa những điều không may và kéo dài cuộc sống” sẽ tạo cho họ một cái nhìn cũng “kỳ dị” về đạo Phật.
Chùa Linh Phước đã bị gọi là “chùa quan tài”, một cái tên không hay chút nào, và tất yếu không thể thu hút đông đảo giới trẻ. Còn ngôi chùa Thái trong bản tin kể trên, dẫn lại từ Vietnamnet, mà người viết có cảm tưởng báo này đưa tin để thu hút sự hiếu kỳ của người đọc, bằng một sự kiện kỳ dị thì chắc nổi tiếng với sự kiện kỳ dị này. Theo tôi, cũng là không hay.
Cũng rất lạ với quan điểm được dẫn lại trong bản tin, từ một người cổ vũ cho hoạt động “kỳ dị” này: “Chúng ta không thể hiểu cái chết như thế nào khi chỉ đơn giản nói về nó. Mọi người sẽ có trải nghiệm chết khi tham gia vào hội này và được tái sinh với tinh thần minh mẫn”. Trải nghiệm chết đơn giản chỉ là nằm vào quan tài nhắm mắt như vậy sao? Theo tôi, thì trải nghiệm kiểu như nhà ngoại cảm Bích Hằng kể lại mới là đã trải nghiệm chết.
Còn từ quan tài ngồi dậy mà gọi là “được tái sinh với tinh thần minh mẫn” thì đây đã đi đến chỗ mê tín, trái ngược với tinh thần đạo Phật!
Đến đây, xin bàn rộng ra một vấn đề bên ngoài, nhưng có liên quan, để chúng ta tham khảo và bàn luận.
Phân tâm học của bác sĩ tâm thần S. M. Freud có nói đến bản năng chết của con người.
Đây không phải là điều tích cực, mà suy cho cùng, là điều tiêu cực.
Có chăng một chút gì để thỏa mãn bản năng đó trong việc làm mà chúng ta đang trao đổi ở đây?
Cũng phải nói thêm, là ở phương Tây việc chết giả và hướng tái cái chết được một số giáo phái tà đạo cổ xúy.
Cũng trong tinh thần như vậy, một số tổ chức thanh niên tội phạm hoạt động bạo lực vong mạng, liều lĩnh, như cướp ngân hàng, buôn ma túy, bảo kê thu tiền cũng thường tổ chức trải nghiệm chết như một thứ ma túy tinh thần, bên cạnh thuốc kích thích khi lâm trận như Amphetamin.
Sau những đợt diễn tập quân sự bạo lực với mùi thuốc súng, những thanh niên vạm vỡ, cởi trần, những “gunmen”, “killer” mình đẫm mồ hôi và quệt máu gia súc để có mùi máu, đeo các kiểu bao xe ở ngực, bụng, đùi (một loại quân trang dùng để đeo băng đạn và chống đạn, mặc vào khi ra đấu súng), quấn đạn, lủng lẳng lựu đạn, mặc quần dã chiến, nằm phơi xác trên thao trường hoặc đè lên nhau để giả chết, trải nghiệm cái chết, hưởng thụ mùi vị cái chết, chuẩn bị cho lạc thú chết, kích thích tinh thần không sợ chết, coi cái chết như là một cuộc chơi lý thú của con trai bạo lực.
Họ có thể nằm phơi xác (chết giả không quan tài, nhưng có mùi vị đậm đặc, không khí, tư thế của cái chết trận mạc) trong một thời gian dài, có lẽ là dài hơn kiểu chết giả trong quan tài, nằm ngoài mưa nắng, để hưởng thụ trải nghiệm chết, cho đến khi máu gia súc đặc lại.
Trải nghiệm kiểu chết trong quan tài mà chúng tôi đang bàn luận chắc chắn không đem lại sự minh mẫn, rõ ràng là điều trái với luật nhân quả của đạo Phật và chắc chắn là một hoang tưởng, một ngộ nhận.
Nhưng trải nghiệm chết trận với không phải quan tài mà là với thân xác đồng bọn, cảm giác súng đạn áp vào cơ thể, mùi máu, mùi mồ hôi và mùi thuốc súng, mùi đất cát vùi lên thân thể, chắc chắn đem lại cho những tên cướp, những tên xã hội đen sát thủ cảm giác liều mạng hơn.
Trên mạng, cũng có thông tin về những cựu binh Mỹ khi họp mặt truyền thống thì tổ chức mặc lại quân phục dã chiến, cầm súng đánh trận giả, và… phơi xác để trải nghiệm chết, để tạo hồi ức chiến trận và tưởng nhớ đồng đội đã tử trận. Trải nghiệm như vậy cũng không kém kiểu chết để lên tinh thần của đám thanh niên bạo lực.
Trong những hành động giả chết, trải nghiệm chết như vậy, không phải là chất mê tín, mà phảng phất mùi tà đạo, gây cảm hứng, kích thích bản năng chết của con người (một khái niệm của Freud như đã nói).
Vì vậy, với những việc mà kinh Phật không đề cập tới, thì thiết tưởng, nên hết sức thận trọng khi đưa vào chùa, rồi xem đó như một hành động tạo giá trị nào khác
MT