Một Viêngchăn bình yên với những ngôi chùa cổ linh thiêng, những ngôi nhà kiến trúc kiểu Pháp, với không gian bàng bạc của nắng, gió và cả của nhánh Mêkông lặng lẽ xuôi dòng…
Quảng trường Patuxay giữa trung tâm thành phố (ảnh trái). Xe tuk tuk ở Viêngchăn. Ảnh: T.S |
Điều này dễ hiểu với một thủ đô mà diện tích gần 4.000km2 và số dân không quá nửa triệu người. Kiến trúc chùa tháp của đất nước có hơn 90% số người dân theo đạo Phật là nét tiêu biểu nơi đây.
Đi một vòng khắp thành phố sẽ thấy vô số ngôi chùa vẫn giữ nguyên vẻ cổ kính, những bức tượng Phật, phù điêu vẫn còn phủ lớp bụi thời gian. Cùng với những đình chùa là những ngôi nhà được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
Hầu hết các toà nhà hành chính đều là nhà cổ, cao tầm 3 – 4 tầng, còn lại là nhà 2 tầng. Một trong những công trình kiến trúc khá lớn tồn tại từ thời Pháp thuộc đến nay, như biểu tượng của thủ đô là Quảng trường Patuxay (Victory Gate) với chiếc cổng vĩ đại đã ngả màu rêu, song vẫn kiên cố và uy nghi nằm giữa trung tâm thành phố.
Đường phố Viêngchăn nhỏ, hẹp nhưng giao thông rất ổn định. Phương tiện công cộng thường thấy là một loại xe lam chở khách có tên tuk tuk, tiếng nổ giòn tan và màu sắc sặc sỡ. Xe đạp cũng khá phổ biến. Loại phương tiện này quả là lựa chọn lý tưởng cho du khách nếu muốn dạo quanh thành phố và đi dọc bờ sông ngắm cảnh.
Nhánh Mêkông dồi dào phù sa trải dọc theo đường phố, càng tôn thêm vẻ cổ kính cho thủ đô. Xa trung tâm hơn một chút có thể thấy bãi bồi của sông Mêkông với những thửa ruộng hoa màu, ruộng ngô, khoai trải dài dọc bờ sông. Thành phố cũng không có quá nhiều quán xá, nhà hàng và khách sạn. Một điều khá thú vị là bất cứ nhà hàng nào trong thành phố cũng đều biểu diễn ca nhạc truyền thống với điệu múa lămvông duyên dáng và những bài dân ca mộc mạc.
Cơm nếp là món ăn khá phổ biến của người dân nơi đây. Nếp Lào ngon nổi tiếng với vị thơm, dẻo được đồ hoặc lam trong những ống tre, nứa. Ở Viêngchăn chỉ có duy nhất một cái chợ có tên là chợ Sáng với các sản phẩm đặc trưng: Vải, túi, khăn thổ cẩm, trang phục truyền thống và quà lưu niệm biểu tượng con voi.
Viêngchăn cổ kính và mộc mạc, song không vì thế mà lạc hậu. Những công trình đang được xây dựng, nhà hàng, khách sạn, quán bar mọc lên nhiều hơn, bên cạnh tuk tuk là những chiếc xe bus hai tầng… Sự phát triển không quá ồ ạt, vẫn giữ cho mình những nét hồn hậu rất riêng của một miền đất đã từng được coi là “miền đất thất lạc cuối cùng của Đông Nam Á”.
Đất nước bạn Lào là láng giềng từ bao đời nay của Việt Nam. Đặt chân đến thủ đô Viêngchăn, ta vẫn cảm thấy ấm áp và thân quen khi bắt gặp những người dân Việt Nam bán hàng thổ cẩm trong chợ Sáng, những bạn sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Quốc gia Lào, hay một quán ăn nhỏ mang tên “Quán Việt” dọc bờ Mêkông. Người dân bản xứ, nếu biết rằng đang nói chuyện với người Việt Nam, họ có thể nói dễ dàng câu “xin chào” để tỏ lòng hiếu khách.
Bước xuống sân bay, người kiểm tra hộ chiếu nhìn tôi, nở nụ cười rất tươi và nói giọng lơ lớ: “Xin chào các bạn Việt Nam!”. Bỗng thấy ấm lòng hơn giữa đất khách quê người!