Trang chủ Thời đại Giáo dục Trường TCPH Lâm Đồng: 21 năm khó khăn thử thách

Trường TCPH Lâm Đồng: 21 năm khó khăn thử thách

131

Trở lại trường xưa như để tưởng nhớ về kỷ niệm của một thời cắp sách, để tri ân quí thầy cô – những kỹ sư tâm hồn đã chắp cánh cho ta tri thức bước vào đời.

Vâng! Chúng tôi trở lại trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng, ngôi trường duy nhất chuyên đào tạo Tăng Ni cho Phật giáo tỉnh nhà trong niềm vui xen lẫn những nỗi buồn.

Vui vì ngôi trường đang được xây dựng, nâng cấp mới hứa hẹn một tương lai đang rộng mở cho nền giáo dục Phật giáo tỉnh nhà, buồn vì phảng phất đâu đây trên từng khuôn mặt của chư vị giáo thọ sư còn đó những nỗi lo kinh phí xây trường còn quá nhiều khó khăn…

HÀNG NGÀN TĂNG NI TRƯỞNG THÀNH TỪ NGÔI TRƯỜNG TẠM  Đà XUỐNG CẤP…

15 năm sau ngày đất nước được hoàn toàn thống nhất, thực hiện nhiệm vụ hoằng pháp lợi sinh theo chủ trương của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội PGVN và cũng để đáp ứng được lòng mong mỏi của Tăng Ni Phật tử tỉnh nhà, đặc biệt với sự giúp đỡ của quí cấp chính quyền địa phương, sau nhiều năm thao thức với bao nhiêu công sức tâm huyết, Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng được chính thức khai giảng vào ngày 03/11/1990 tại một ngôi đồi nằm trong khuôn viên chùa Linh Sơn, số 120 đường Nguyễn Văn Trỗi, phường II thành phố Đà Lạt.

Có thể nói thành tựu trong công tác Phật sự giáo dục đào tạo tăng tài của Ban Trị sự Phật giáo Lâm Đồng đã tạo nên một niềm hỷ lạc cho Phật giáo tỉnh nhà nói riêng và Phật giáo cả nước nói chung, đặc biệt là lớp tăng ni trẻ đang thiết tha cầu học.

21 năm qua, kể từ ngày trường được thành lập trong bối cảnh của Phật giáo tỉnh nhà còn quá non trẻ, sự đóng góp của trường có lẽ còn rất khiêm tốn so với các công tác Phật sự đa đoan của Giáo hội.

Nhưng Ban Giám hiệu và tập thể nhà trường vẫn cố gắng duy trì và đã đào tạo được 7 khóa cơ bản và 2 khóa cao đẳng với gần 1.000 Tăng Ni sinh trong và ngoài tỉnh theo học.

Trong đó có hàng trăm vị đã tốt nghiệp đại học Phật giáo, hàng chục vị đã tốt nghiệp tiến sỹ nước ngoài, hàng trăm vị đảm nhiệm công tác trú trì hoặc tham gia vào các chức vụ quan trọng trong Giáo hội, hơn 10 người quay trở lại trường tham gia công tác giảng dạy, phụ giúp trường trong công tác  “tiếp dẫn hậu lai” cho dù trường Phật học Lâm Đồng chỉ là ngôi trường mượn tạm của khu giảng đường chùa Linh Sơn có tuổi thọ gần 50 năm đã xuống cấp trầm trọng (hai phòng dành làm nơi giảng dạy, học tập với mái tôn, vách ván cho nên trời mưa ồn ào, nắng hạ nóng bức)…

21 năm không phải là nhiều so với sự hình thành và phát triển của Phật giáo tỉnh nhà, nhưng ngần ấy thời gian cũng đủ để tự hào cho một nền giáo dục Phật giáo của một vùng Cao Nguyên còn rất nhiều khó khăn đang nỗ lực vươn lên trong thời hội nhập.

Có thể nói hàng ngàn tăng ni sinh đã và đang theo học tại trường, mỗi người tuy mang một tâm sự và nỗi niềm khác nhau nhưng tất cả không hẹn mà lại gặp nhau dưới mái trường Phật học của miền Cao Nguyên an tịnh, thân thương này.

Tăng sinh Thích Quảng Đạo, khóa 5 đến từ Quảng Nam tâm sự: “Chúng con như những cánh chim non vừa mới chập chững chào đời, lần đầu tiên bước chân vào ngưỡng cửa của trường Phật học Lâm Đồng, nửa mừng nửa lo…

Mừng vì biết mình có quá nhiều phúc báo, được cắp sách đến trường, lo sợ vì xa thầy tổ và cảnh vật nơi đây còn quá mới mẻ…

Nhưng dần theo năm tháng, ngày ngày chúng con được uống những dòng sữa pháp vị ngọt ngào …”.

Tăng sinh Thích Giác Hiển đến từ tỉnh Bình Thuận, tốt nghiệp khóa 4 của trường hiện đang học tại Học viện Phật giáo Huế bộc bạch: “Không thể nào quên được những lời dạy ban đầu chân thành của các bậc thầy khả kính đã chắp cánh ước mơ cho chúng con bay xa như ngày hôm nay…

Nếu thuở ấu thơ chúng con được ấp ủ trong vòng tay, lời ru của mẹ thì hôm nay trên ghế nhà trường, thầy cô lại ru con bằng những lời giảng thập thâm, thắp sáng đuốc tuệ tìm giải thoát…”

Dưới bầu trời xanh đẹp, nắng ấm chan hòa của vùng đất Cao Nguyên Hoa Anh Đào Đà Lạt, họ như một đàn chim từ muôn nơi: Komtum, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Phú Yên, Đà Lạt, Lâm Đồng v.v…

Tất cả đều gặp nhau trong cùng một tổ ấm Phật học, cùng cất lên tiếng hót thanh thoát, sự hội ngộ hôm nay phải chăng là sự kết duyên từ vô lượng kiếp để bây giờ cùng nhau chung trường, chung lớp, cùng cất lên tiếng hát của một thời được ươm mầm trí tuệ…

Và cũng chính từ hình ảnh thân thương này của các tăng ni sinh mà Ban Giám hiệu, quí thầy cô giáo thọ sư của trường luôn trăn trở, ấp ủ quyết tâm tiếp tục ươm mầm cho  những chồi non của đạo pháp cho dù phía trước còn khá nhiều khó khăn, thử thách…

ƯƠM NHỮNG MẦM XANH PHỤNG ĐẠO, GIÚP ĐỜI

TT. Thích Viên Thanh – Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh  Lâm Đồng kiêm Phó hiệu trưởng trường tâm sự: “Chúng tôi luôn lấy lời dạy của cố đại lão hòa thượng tôn sư, cố Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhà, cố hiệu trưởng nhà trường làm kim chỉ nam để vượt qua mọi chướng duyên trên lộ trình phụng sự đạo pháp, hoằng hóa độ sinh.

Hòa thượng dạy: “Các con là những đóa hoa sen mọc lên từ trong chông gai sỏi đá, hãy cố gắng nỗ lực vươn lên vượt khỏi sỏi đá chông gai để nở thành đóa hoa sen thơm đẹp cho cuộc đời”.

Canh cánh bên lòng, mang hoài niệm của Hòa thượng ân sư, người khai sinh ra ngôi trường Phật học trên vùng đất cao nguyên an tịnh này, cho nên mặc dù đôi lúc tập thể nhà trường tâm ý còn bất nhất nhưng sau đó luôn sát cánh bên nhau thực hiện hoài bão ‘Tiếp Dẫn Hậu Lai – Báo Phật Ân Đức’”.

Điều đáng trân trọng ở đây là nhà trường không thu tiền học phí của tăng ni sinh cho dù Ban Giám hiệu luôn gặp rất nhiều khó khăn. Hết hơn 2/3 giáo thọ trường không nhận thù lao, số còn lại chỉ nhận lương tượng trưng cho chi phí xăng xe…

Tiền văn phòng phẩm, điện nước, bảo vệ… mỗi tháng khoảng 20.000.000 triệu đồng nhưng đôi lúc xem ra còn rất chật vật…

Chính vì vậy mà khi chúng tôi đề cập đến việc xây dựng trường còn đang xây dang dở thì hầu như trong ban giáo thọ ai cũng lắc đầu cười… để dấu đi nỗi âu lo thiếu hụt kinh phí khá trầm trọng.

Theo bản thảo thiết kế, trường được xây dựng gồm 4  phòng học (1 trệt , 1 lầu) với tổng kinh phí khoảng 3 tỷ, nhưng hiện nay ban vận động chỉ thu được hơn 700.000.000 triệu đồng. Số còn lại chưa biết tính ra sao!?

Một giáo thọ nói vui với chúng tôi rằng: “Việc xây chùa, tạc tượng sao mà nhanh thế, nghe nói là quí Phật tử, quí nhà hảo tâm cúng dường liền, còn việc xây dựng trường để ‘ươm những mầm xanh cho đạo pháp’ sao nghe khó khăn quá!”.

Vâng! Những hạt mầm được ươm lên từ những buổi sơ khai với bao tình cảm dạt dào vô bờ là như thế đó, có khi còn xen lẫn với những giọt nước mắt, những đêm dài thao thức trăn trở để ngoài kia sân trường, những khuôn mặt thân thương của bao huynh đệ đang cùng dìu dắt nhau trên bước đường tu học, cùng nhường nhịn, sẻ chia, hòa hợp thương yêu trong sự che chở, đùm bọc, dạy dỗ của chư vị giáo thọ sư hết lòng vì đàn hậu học qua từng lời nói, cử chỉ, âm điệu.

Mỗi phút giây tu học và hành trì Phật pháp là mỗi phút giây chúng ta xa rời tham ái, chấp thủ, hoàn thiện nhân cách để vươn tới chân thiện mỹ…

Bụi phấn ơi! Nhẹ quá như không nhưng nặng trĩu tấm lòng thầy cô gọi trong ta từng con chữ ! Thương quá đi thôi, bụi phấn, mái trường, thầy cô đã dãi dầu năm tháng…

Mong rằng qua bài viết này, chư Tôn Thiền đức Tăng Ni đã trưởng thành từ ngôi trường Phật học thân thương này, quí Phật tử, quí nhà hảo tâm hãy chung tay góp sức để công tác xây dựng trường sớm hoàn thành viên mãn.
 

Mọi đóng góp xin liên lạc: 

Văn phòng Trường Trung Cấp Phật Học Lâm Đồng. ĐT: 063 383.66.58

Tài khoản số: 101010002872200, Ngân hàng Vietinbank

Ban xây dựng trường:
– HT. Thích Pháp Chiếu – Hiệu trưởng trường, ĐT: 091 88.53.607
– TT Thích Viên Thanh – Phó hiệu trưởng, ĐT: 091 712.8547