Đó chính là Nghĩa trang Nghệ sĩ mà NSND Phùng Há đã có công sáng lập cách đây nửa thế kỷ – nơi đó, sau những ánh đèn sân khấu, ánh hào quang danh vọng những người nghệ sĩ trở về đây an nghỉ trả lại cho đời danh lợi, sân si.
Cổng chùa
Chùa nghệ sĩ một cõi đi về
Nghệ sĩ hài Lý Lắc (không có gia đình, người thân ông xin làm công quả trong chùa) kể cho tôi về lịch sử ngôi chùa đặc biệt này cũng như cuộc đời, sự nghiệp nghệ thuật của những người nằm đây.
"Chùa này do cô Bảy (NSND Phùng Há) sáng lập cách đây 60 năm. Cô thấy xót xa trước cảnh nhiều nghệ sĩ nổi tiếng một thời nhưng lúc về chiều lại không chốn nương thân, thậm chí đến lúc chết cũng không có hòm mà chôn. Với sự động viên của hai người bạn thân thiết là Tư Trang và Năm Châu, cô suy nghĩ đến việc tìm một chốn nào đó để người nghệ sĩ có thể yên nơi, yên chỗ khi nằm xuống.
Năm 1949, cô Bảy huy động tiền đóng góp từ các mạnh thường quân, các chủ hãng có tấm lòng hảo tâm đứng ra mua đất, xây chùa và nghĩa trang. Chùa Nghệ sĩ và Nghĩa trang Nghệ sĩ được hình thành từ đó, tọa lạc trên diện tích 6.080m2 ở xã Hạnh Thông Tây. Tính đến nay đã hơn 60 năm, hiện trong Nghĩa trang Nghệ sĩ có 546 ngôi mộ được xây đắp chu đáo, 500 lọ hài cốt chứa trong hai tháp cốt trong vườn chùa".
Ông dẫn tôi dạo một vòng quanh nghĩa trang, chỉ cho tôi nơi an nghỉ của những "cây đại thụ" của sân khấu cải lương. Tên tuổi của họ không chỉ được ghi trong lịch sử của sân khấu cải lương, trong lòng khán giả cả nước mà trên hết họ là tấm gương đối với thế hệ diễn viên trẻ như: NSND Phụng Há – Cô đào nổi danh một thời với Mộng Hoa Vương, Mạnh Lệ Quân, Đời cô Lựu; NSND Năm Châu; NSND Năm Đồ với Phụng Nghi Đình, Chung Vô Diệm, Yến Phi Long tiễn chồng; NSND Ba Vân với Men rượu hương tình, Khi người điên biết yêu, Người ven đô; NSND Thành Tôn, Từ Anh, Tư Út…
Nghệ sĩ hài Lý Lắc bên mộ NSND Phùng Há
Những cái tên lẫy lừng thuở sân khấu cải lương còn hoàng kim như: NSND Út Trà Ôn – ông vua vọng cổ – với bài ca Tình anh bán chiếu gắn liền cả một đời người; NSưT Thanh Nga – Nữ hoàng sân khấu – tài sắc nức tiếng những năm 70; NSưT Hoàng Giang, NSưT Trường Xuân, giọng ca vàng Hữu Phước, Lê Tuấn Tài – Hoàng đế đĩa nhựa, út Hiền, soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng, soạn giả Vĩnh Điền, đạo diễn Chi Lăng…
Trong nghĩa trang còn có cả những ngôi sao gần đây như: Đức Lợi, Minh Phụng, Lương Tuấn, Kiều Hoa, Bảy Cao, Trương ánh Loan, Hoàng Tuấn, Lương Tuấn, Lê Vũ Cầu, Tô Kiều Lan, Quốc Hòa, Lê Công Tuấn Anh…).
Họ là những nghệ sĩ, những diễn viên mà trên sân khấu, dưới ánh đèn màu lung linh, bận mũ áo cân đai, khoác lên mình những xiêm y lộng lẫy, có phấn son tô điểm họ hóa thân thành những ông hoàng, bà chúa uy phong lẫm liệt, sắc đẹp khuynh thành.
Trong lịch sử nghệ thuật tên tuổi của họ cũng được xếp vào vị trí ông tổ, bà chúa với những công lao và đóng góp với nghề. Trong lòng khán giả, sau những tràng vỗ tay, những bó hoa thì người ta xưng tụng họ thành những ông vua vọng cổ, bà hoàng sân khấu tất cả đều chói lọi, rực rỡ hào quang. Tiền bạc và danh vọng đều "phủ phục" dưới chân họ.
Sau tấm màn nhung
"Đời nghệ sĩ mà cô, khi tấm màn nhung khép lại, ánh sáng nhường chỗ cho bóng tối họ lại trở về với đời thường thì dằng dặc một sự trống trải, cô đơn. Đến khi sắc tàn, hơi cạn họ bị người đời lãng quên, họ trở về đây những nắm mồ hưu quạnh, mấy người viếng thăm" – Sự chua xót dâng lên trong đôi mắt người nghệ sĩ già. Bản thân ông là một nghệ sĩ, hơn ai hết ông hiểu cái mong manh, sự phù dù của "kiếp cầm ca".
Mộ phần, vua vọng cổ – Út Trà Ôn
Người nghệ sĩ già dẫn tôi đến trước một ngôi mộ và bảo đó là nghệ sĩ Năm Đồ – cô đào tài danh nổi tiếng một thời. Khi về già bà chẳng có gì ngoài một manh chiếu rách nằm thoi thóp bên lề đường được người ta thường xót đưa về chùa, giờ còn lại một nấm mồ hưu quạnh, không người viếng thăm.
Một thân phận nghệ sĩ bi thương không kém là nghệ sĩ Bảy Cao. Ông nổi tiếng là "thần đồng" vọng cổ, bởi chỉ nghe một lần đã thuộc. Năm lên 7 tuổi ông đã biết ca rất nhiều bản ngắn, bản dài. Thế nhưng, ông bầu gánh hát Hoa Sen, danh ca lừng danh, một soạn giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, khi về với cát bụi cũng chẳng có một cái hòm để nằm. Chùa Nghệ sĩ phải đứng ra mua hòm và chôn cất đàng hoàng với đầy đủ các nghi lễ.
Mộ DV điện ảnh Lê Công Tuấn Anh
Và đây nghệ sĩ Đức Lợi – Trụ cột một thời của Đoàn Cải lương Sài Gòn và đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, từng đạt HCV tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995. ông cũng là một kép hát oai phong, dõng dạc với giọng ca trầm ấm trong nhiều vở tuồng kiếm hiệp mà một thời đoàn hát Kim Chưởng tung hoành khắp miền Nam. Nhưng rồi bệnh tật đeo bám dai dẳng khiến ông phải sống bằng trợ cấp của những tấm lòng hảo tâm. Khi nằm xuống, nhờ tấm lòng của những người nghệ sĩ, ông được về an nghỉ trong chùa.
Trong nghĩa trang toàn những nghệ sĩ cải lương này, có hai nhân vật không phải "dân" cải lương nhưng cũng cùng một số phận nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh là: Ngôi sao điện ảnh Lê Công Tuấn Anh. Anh từng là đứa trẻ lớn lên từ đường phố, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Đến lúc chết đi, cũng chẳng có gì ngoài sự hâm mộ của khán giả cả nước. Và nghệ sĩ kịch Lê Vũ Cầu – người nghệ sĩ tài hoa một đời sóng gió, phiêu bạt cuối cùng cũng dừng chân an nghỉ nơi này.