Theo một được hai!
Quê thầy ở thôn Ninh Sơn, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, có thể coi như một may mắn khi thầy về trụ trì ngôi chùa Linh Thông, còn gọi là chùa Ninh ở quê nhà. Chùa nằm trên núi con Phượng, nhìn sang núi Long, Ly, Quy – một quần thể núi và cây xanh rất đẹp mà người xưa đã khéo trông hình đặt tên. Sống giữa miền sơn thanh cảnh tú ấy, hồn người cũng thêm bay bổng.
Đại đức Thích Trường Xuân diễn vai Dương Lễ trong vở Lưu Bình Dương Lễ.
|
Cùng quê và là bạn với thầy Xuân có NSƯT Văn Chương với giọng chèo, giọng hát văn danh tiếng. Hồi nhỏ, hồi thanh niên và ngay đến bây giờ thầy Xuân rất mê chèo. Thầy kể vui: “Hồi bé tôi cũng ước mơ làm diễn viên chèo đấy, nhưng giữa tu hành và đi theo nghệ thuật, tôi chỉ có thể chọn một. Nay hoằng dương Phật pháp, tôi lại được cả hai!”.
Một trong hai điều mà thầy được ấy, chính là phong trào văn nghệ mà thầy đã khởi xướng ở địa phương những năm qua, trong đó chính thầy cũng là một diễn viên quần chúng tích cực.
Tôi đã được dự một đêm văn nghệ ở Phụng Châu với các tiết mục do Đoàn chèo Hà Tây cũ (nay là Đoàn 3 Nhà hát Chèo Hà Nội) hướng dẫn. Nam nữ thanh niên diễn “Thị Mầu lên chùa”, “Thầy đồ dạy học”, hát “Đào liễu”, “Duyên phận phải chiều”… rất ngọt.
Thầy Xuân buộc khăn trên đầu, đứng trong đám trai làng trang phục truyền thống rực rỡ, cùng hát như một người nông dân thuần phác. Rồi thầy bận áo chùng, đội khăn xếp, cầm quạt vào vai chàng Dương Lễ tiễn nàng Châu Long đi thay chồng nuôi bạn. Diễn xuất của thầy cũng chân thành, tha thiết như ai! Giọng thầy, nếu đem “barem” nghệ thuật quần chúng vào so thì khó mà chê được!
Và không chỉ ở Phụng Châu, thầy còn phát triển phong trào ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai nơi thầy trụ trì chùa Long Đẩu nằm đối diện chùa Thầy huyền thoại ở bên kia hồ nước. Thuở xưa, Thiền sư Từ Đạo Hạnh về chốn Sài Sơn truyền pháp, dạy dân múa rối nước, quan tâm đến dân cả cái ăn, nết ở. Phải chăng linh khí xưa cũng vọng về trợ duyên cho các đệ tử sau này?
Sư thầy học tổ chức sự kiện
Dịp hội chùa Thầy năm nay, Đại đức Thích Trường Xuân khiến cho không khí thêm phần sôi nổi và đa sắc màu văn hóa khi trưng bày triển lãm ảnh ngoài trời được in khổ lớn với nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, thể hiện vẻ đẹp non nước núi Sài.
Lần đầu tiên thầy tổ chức đêm thơ vào tối thứ Bảy tháng 3 âm lịch với cả ngàn khán giả quần chúng ngồi kín rạp, nghe nói chuyện về thơ, nghe các nghệ sĩ chuyên nghiệp ngâm những bài thơ nổi tiếng về chùa Thầy.
Năm nào thầy cũng tổ chức văn nghệ mừng hội Thầy và có những lần đưa các em sang cả chùa Hương diễn khai hội. “Kịch mục” của “đoàn nghệ thuật nhà chùa” khá phong phú với nhiều bài ca, trích đoạn chèo, hoạt cảnh về Bồ Tát Mục Kiền Liên cứu mẹ, bài múa “Thiên thủ Quan âm”…
Nhiều kỳ cuộc khác trong năm ở Phụng Châu và Sài Sơn, rồi những chuyến thầy đi thăm tặng quà tại các trung tâm bảo trợ xã hội, tiếng hát, điệu múa của các thanh thiếu niên Phật tử càng làm cho không khí ấm cúng thêm phần sinh động.
Ít người biết, thầy Xuân đã theo một khoá học đạo diễn – tổ chức sự kiện ở Trường ĐH SKĐA Hà Nội. Thầy chia sẻ, muốn hoạt động được tốt hơn, có chất lượng, hiệu quả hơn, kêu gọi được nhiều người tham gia để họ được tiếp xúc nhiều hơn với văn hoá nghệ thuật thì mình phải biết cách làm, biết cách vận động, tổ chức.
Bận bịu với các việc Phật sự ở hai chùa, với các công tác mà thầy đảm đương ở Giáo hội Phật giáo thành phố, rồi giảng dạy Phật học, thầy Xuân vẫn dành cho mình và cho mọi người một tình yêu bền bỉ với nghệ thuật. Nó khiến công việc tu hành gần gũi với nhân quần hơn và cộng đồng cũng cảm thấy nhà chùa không có gì xa cách.