Mấy hôm trước thời tiết Hà Nội thật nóng bức. Kỳ lạ thay, hôm ấy tiết trời bỗng trở nên mát mẻ lạ thường, thậm chí còn hơi se lạnh. Tưởng đâu như đang trong một ngày đầu thu Hà Nội chứ không phải là đang vào giữa tháng Năm
Sau khi cầu Vĩnh Tuy được đưa vào sử dụng, con đường từ trung tâm Thủ đô Hà Nội sang Thiền viện Sùng Phúc dường như ngắn lại. Chỉ khoảng sau mươi phút xuất phát từ trung tâm Thủ đô, chúng tôi đã sang bên kia dải đất sông Hồng trải dài một màu xanh ngan ngát. Gió trên đê lồng lộng thổi, tâm hồn du khách như bay bổng về miền cực lạc !
“Núi vốn không có Phật, chỉ có ở Tâm. Lắng Tâm mà thấy, đấy gọi là chân Phật. Nay bệ hạ muốn giác ngộ Tâm ấy thì đứng ở trần gian mà thành Phật, không phải khốn khổ cầu Phật ở ngoài" ( Khóa Hư Lục)
Lời nói ấy của Quốc sư núi Yên Tử với Đức vua Trần Nhân Tông cũng có thể coi là tôn chỉ của Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông khai mở !
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã tổng kết: bí quyết của thiền phái Trúc Lâm là làm cho tâm hồn không vướng bận. Cõi cực lạc không nên đi tìm tận phương Tây, cũng không cần đi tìm học kinh điển các tông phái mà chỉ cần tìm ở ngay sự gạn lọc tự tâm!
Nhớ lại gần chục năm về trước, khi Hòa thượng Thích Thanh Từ lần đầu tiên ra thăm Hà Nội, không chỉ các Tăng Ni Phật tử mà rất nhiều trí thức Thủ đô cũng vô cùng hoan hỉ được gặp Vị Thiền sư nổi tiếng – người đã có công khôi phục dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Các nhà khoa học Thủ đô còn nhớ mãi bài giảng Pháp của Thiền sư về Đạo Phật và khoa học. Hòa thượng Thích Thanh Từ nói rằng, có người nói khi khoa học tiến thì tôn giáo lùi. Nhưng đối với Đạo Phật thì ngược lại. Khoa học càng tiến thì Đạo Phật cũng tiến về phía trước. Khoa học càng tiến thì càng làm sáng rõ hơn những chân lý của Đạo Phật !
Đang suy nghĩ miên man về Thiền phái Trúc Lâm và Hòa thượng Thích Thanh Từ thì tôi đã nhìn thấy tòa Tổ đường 3 tầng uy nghi của Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc nổi bật lên giữa muôn vàn mái ngói nhấp nhô
Từ khắp các ngả đường người ta đổ dồn về Thiền viện Sùng Phúc dự Đại lễ Phật đản. Dù đã nghe nói từ trước nhưng tôi vẫn rất ngạc nhiên khi nhìn thấy số lượng thanh thiếu niên đông đến thế. Với nét mặt hoan hỉ họ đã mang đến một nét tươi mới, đầy sức sống thanh xuẩn trong ngày Đại lễ
Để mở đầu buổi lễ, Đại Đức Thích Tâm Thuần – Phó ban Hoằng Pháp Thành hội Phật giáo Hà Nội, Trụ trì Thiền viện Sùng Phúc đã có buổi giảng Pháp về ý nghĩa của ngày lễ Phật đản
Thầy Tâm Thuần nói về sự ra đời của Đức Phật cách đây hơn hai nghìn năm trăm năm, về các tư tưởng lớn của Phật giáo. Đạo Phật là đạo của Từ Bi và Hỉ xả. Nhưng Đạo Phật cũng là đạo của Trí tuệ và Hành động.
Thầy Tâm Thuần nhấn mạnh rằng Đạo Phật luôn luôn chăm lo cho con người và vì con người. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho chúng sinh vượt qua khổ đâu đến giải thoát và an lạc !
Sau phần tuyên bố lý do và thông qua chương trình buổi lễ do Thầy Tuệ Quang đảm nhiệm là lễ cử hành Quốc ca Việt Nam và Đạo ca Phật giáo Việt Nam.
Đây là một chi tiết rất đáng ghi nhận. Việc cử hành Quốc ca Việt Nam trong nghi lễ Phật giáo ở một Thiền viện đã làm tăng thêm bầu không khí thiêng liêng bao trùm toàn lễ hội
Cứ mỗi lần đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu nhìn các cầu thủ trẻ măng đặt tay lên ngực nơi trái tim mình và hát quốc ca hòa cùng hàng chục nghìn người trên sân vận động, lần nào tôi cũng thấy dâng lên trong lòng một tình cảm thiêng liêng!
Hôm nay đứng giữa hàng nghìn người trong Tổ đường của Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc, nghe cử hành Quốc ca và Đạo ca Phật giáo Việt Nam tôi cũng lại có cái cảm nhận thiêng liêng như thế !
Trong phần tuyên đọc Thông điệp của Đức Pháp chủ GHPGVN Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ gửi Tăng Ni Phật tử trong và ngoài nước nhân Đại lễ Phật đản PL 2555 do Thượng tọa Thích Thông Quán đọc, tôi đặc biệt chú ý đến lời khẳng định của Ngài rằng Đại lễ Phật đản năm nay "là cơ duyên tốt để ôn lại lịch sử truyền thống vẻ vang trong suốt chiều dài lịch sử 2000 năm đồng hành với dân tộc và phụng sự đất nước của Phật giáo Việt Nam.
Thông qua đó các cấp Giáo hội và mỗi thành viên của Giáo hội đánh giá đúng những thành tựu Phật sự, hạn chế còn tồn đọng, rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm thiết thực để làm cơ sở tiền đề cho việc xây dựng chương trình hoạt động Phật sự của giai đoạn kế tiếp, để Phật pháp xưng minh, Giáo hội bền vững, góp phần tích cực cùng với các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng đất nước ngày một văn minh giàu đẹp”.
Chỉ trong mấy dòng cô đọng này Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đã chỉ ra truyền thống lịch sử mấy nghìn năm của Phật giáo Việt Nam luôn luôn đồng hành cùng dân tộc, hộ quốc an dân. Đồng thời Đức Pháp chủ cũng chỉ ra đường hướng của Giáo hội Phật giáo trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.
Tôi cũng có những cảm nhận rất sâu sắc khi nghe Diễn văn Phật đản của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Chủ tịch HĐTS GHPGVN và ý nghĩa Lễ Phật đản của Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm – Trưởng ban hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà trong Đại lễ Phật đản năm nay các vị Tôn túc giáo phẩm đều đề cập rất đậm nét đến vấn đề xã hội và môi trường.
Ai cũng biết rằng sự khát khao có một cuộc sống hòa bình và an lạc trên trái đất này là một hằng số chung bất biến của mọi dân tộc. Thế nhưng những ai quan tâm đến tình hình thế giới trong những năm gần đây đều thấy một thực tế là hàng ngày, hàng giờ đang diễn ra nhiều sự kiện đau lòng !
Đó là những xung đột sắc tộc và tôn giáo triền miên, các cuộc bạo động chính trị xuất phát từ lòng hận thù dai dẳng. Thêm vào đó là sự tàn phá dữ dội hơn bao giờ hết của sức mạnh thiên nhiên.
Trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản mấy tháng trước đây cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn con người làm cho cả thế giới phập phồng lo lắng hướng về người dân đất nước mặt trời mọc. Chưa bao giờ một sự tàn phá của thiên nhiên xảy ra ngoài lãnh thổ nước mình mà lại thu hút người dân thế giới lo lắng và quan tâm đến thế!
Cũng chưa bao giờ người dân trên thế giới lại cảm phục nhân dân Nhật Bản đến thế vì cách hành xử cao thượng của họ trong lúc khó khăn!
Trong diễn văn Phật đản của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã đánh giá: "Trong thời đại mới, thời hội nhập, bên cạnh những thành tựu của thời đại, của đất nước, chúng ta không thể không lưu tâm trước những hiện tượng gây khổ đau, nhưng việc giảm bớt, hoặc tiêu trừ chúng quả là không dễ dàng: thù hận, chiến tranh, bạo lực, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sự mất cân bằng của môi trường sống, sự nghèo đói, thiên tai, tật bệnh, nhất là những sự việc trái với luân thường đạo lý vẫn đang diễn ra hàng ngày trong xã hội”.
Còn Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm thì chỉ rõ: “Hàng đệ tử Phật ứng dụng lời Phật dạy, không tham lam, không làm những việc tác hại đến muôn loài, hại mình và hại môi trường qua cách sống thiểu dục tri túc. Đó là cách sống hiểu biết và cao thượng, hạn chế tâm vị kỷ, không vì làm lợi cho riêng mình mà gây tổn hại đến người khác, đến các sinh vật khác, sống hài hòa với thiên nhiên, không phá hủy môi sinh, không khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, chỉ khai thác những gì thiết yếu và khai thác có mức độ, để thế hệ kế tiếp có thể tiếp tục được hưởng của cải thiên nhiên"
Khi nghe bài phát biểu này tôi cảm nhận rõ tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Ai cũng biết, giải quyết các vấn nạn bạo lực và bất bình đẳng xã hội, đảm bảo an ninh môi trường của hành tinh này cho thế hệ hôm nay và cho các thế hệ mai sau là những vấn đề được quan tâm nhất của toàn nhân loại. Phật giáo với tư cách là một trong các tôn giáo lớn nhất không thể đứng ngoài cuộc mà phải có tiếng nói của riêng mình góp phần giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu.
Tôi đang mải mê suy nghĩ về hai bài phát biểu thì buổi lễ đã bước sang phần nghi thức tắm Phật của lễ Phật đản.
Theo GS. Hà Văn Tấn thì “Từ thời Lý-Trần, hội Phật Đản đã được tổ chức trọng thể. Một nghi thức quan trọng của ngày hội này là tắm Phật. Sách An Nam chí lược của Lê Trắc thời Trần chép: "Mài trầm hương, hòa hương với nước đem tắm tượng Phật. Dùng bánh tròn tinh khiết để dâng cúng Đức Phật.
Lễ tắm Phật ở Việt Nam còn gắn liền với tín ngưỡng cầu mưa của người nông dân. Người ta tin rằng, trong ngày mồng 8 tháng tư, trời thế nào cũng mưa để lấy nước tắm Phật. Và ngược lại, lễ tắm Phật bằng cách dội nước cũng là một hình thức cầu mưa".
Trong buổi lễ Phật đản hôm nay tại Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc nghi thức tắm Phật được thực hiện một cách trang trọng và thành kính. Các bậc tôn túc giáo phẩm, các vị đại biểu và các Phật tử múc từng gáo nước thơm thuần khiết tắm lên người Đức Phật thể hiện tấm lòng ngưỡng vọng bậc Tôn sư, đồng thời cũng thể hiện niềm ước mong cho mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, chúng sinh an lạc
Buổi lễ kết thúc với nghi lễ phóng sinh mang đậm tính chất nhân văn của Phật giáo. Nhìn nét mặt hoan hỉ của hàng nghìn con người tham gia buổi lễ , tôi lại nhớ đến lời Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giái phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới khi Người nói rằng: "Đức Phật là Đại Từ Đại Bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn”! Và Người kết luận “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như bóng với hình, tuy hai mà một”.