Hơn nữa, nếu ta không kịp thời đáp ứng được yêu cầu của quần sanh, là không phụng hành lời di huấn của Đức Từ Phụ. Vì Ngài đã dạy: “Phật pháp bất ly thế gian pháp”, nghĩa là việc của Phật đạo không lìa việc của thế gian. Thế gian có bao nhiêu việc bất ổn, bế tắc, thì Đức Phật trình bày bấy nhiêu phương pháp để hóa giải, tháo gỡ. Chúng sanh có bao nhiêu thói hư tật xấu, thì Đức Phật truyền dạy bấy nhiêu phương pháp để đối trị.
Vì vậy, khi nhận được thông báo “Tọa đàm hoằng pháp” của Ban Hoằng pháp Trung ương, chúng tôi vô cùng hoan hỷ, âm thầm cầu nguyện Long thần hộ pháp gia hộ cho Giáo hội được nhiều thuận duyên, để những cuộc “Tọa đàm hoằng pháp” được tổ chức liên tục, tăng cường đạo lực cho chư vị giảng sư đang thi hành sứ mạng của Như Lai.
Với đề tài “Điều kiện cần và đủ của một vị giảng sư khi đứng trên bục giảng” do Ban Tổ chức gợi ý, chúng tôi xin mạo muội trình bày một số vấn đề:
1 – Tướng hảo: Chư vị giảng sư là những vị “Đại Phật tuyên dương”, nghĩa là thay mặt Đức Phật tuyên dương Chánh pháp, giáo hóa chúng sanh, nên hình ảnh của các vị giảng sư là hình ảnh của Đức Phật. Vì thế, tướng hảo là một điều kiện quan trọng trong sự nghiệp hoằng pháp.
Đức Phật là vị giáo chủ tướng hảo, vì Ngài có đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Tướng hảo là một phần quan trọng trong sự nghiệp giáo hóa vĩ đại của Ngài. Trên đường hóa độ, nhiều người ngoại đạo, nhiều kẻ hung dữ chỉ vừa gặp Ngài đã phát tâm hồi đầu hướng thiện. Sau khi Ngài nhập diệt, song song với giáo lý của Ngài, hình tượng Ngài cũng được truyền đến nhiều quốc độ, và đã khiến cho nhiều người trong giới trí thức, nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, văn nhân, thi sĩ… vô cùng kính mộ! Cho đến người dân quê ở nước ta, khi lên chùa nhìn thấy hình tượng tướng hảo của Ngài, đã thốt lên: “Lên chùa thấy Phật muốn tu…”.
Xã hội ngày nay, trong nhiều ngành chuyên môn, mà người thi hành trách nhiệm thường phải thao tác trước công chúng như: sư phạm, sĩ quan, du lịch…, các ngành nghề trọng yếu, người ta phải đặt ra những tiêu chuẩn về ngoại hình, về kích thước…, để thuyết phục và thu hút đối tượng mọi tầng lớp quần chúng.
Vì vậy, trong Đoàn giảng sư thuộc ngành hoằng pháp của chúng ta hiện nay, quý vị lãnh đạo cần lưu tâm vấn đề này, nên tuyển chọn tương đối khi thu nhận nhân sự, để hàng ngũ giảng sư được tốt đẹp, nâng cao hiệu quả.
2 – Oai nghi: Ngoài phước báo tướng hảo, vị giảng sư cần phải có một điều kiện kế tiếp rất quan trọng, đó là oai nghi tế hạnh. Nếu thiếu oai nghi tế hạnh, thì Tỳ kheo khó thực hành được sứ mạng của Như Lai, mà đôi khi còn làm trò cười cho những người trí thức (thủ tiếu thức giả).
Ông bà ta thường dạy: “Cái nết đánh chết cái đẹp”, nghĩa là người có dáng vẻ đẹp đẽ, nhưng không có nết na đức hạnh, thì cũng trở thành vô dụng, có lúc lại còn làm hại xã hội, nhân quần, mất tín tâm quần chúng.
Oai nghi tế hạnh của một vị Tỳ kheo có được, là do hai yếu tố: một do thiện căn từ kiếp trước lưu lại; hai, phần lớn là do sự kiên trì học tập tu dưỡng theo giới luật của chư Phật và quy củ thiền môn. Từ khi hành điệu cho đến lúc thọ Đại giới, một Tăng sĩ phải có thời gian và hoàn cảnh, để huân tập những cử chỉ, những tập quán đạm bạc, thiền vị trong cửa chùa, mà chư Tổ thường gọi là “thấm tương, chao”.
Ngày nay, các trường Phật học thường lo giảng dạy về kinh điển chữ nghĩa, nhưng ít chú ý đến việc đào tạo oai nghi tế hạnh theo nếp sống đạo cho người học, nên khi ra hành xử sứ mạng “Đại Phật tuyên dương”, các học viên thiếu phong cách để tạo sự cảm phục nơi người nghe. Từ đó, hiệu quả của công cuộc hoằng pháp cũng bị giảm.
3 – Ngôn ngữ, âm thanh: Ngôn ngữ và âm thanh là hai điều kiện rất quan trọng trong việc truyền đạt giáo pháp. Muốn đạt được hai phương tiện này, hành giả cũng phải kiên trì học hỏi, luyện tập.
Do công đức tu hành từ nhiều kiếp, Đức Phật đã chứng được pháp ngữ, pháp âm, dung thông ngôn ngữ và âm thanh, tự tại trong việc hóa độ. Khi thuyết giảng giáo hóa, Ngài thuyết bằng ngôn ngữ của địa phương Ngài, nhưng tại các đối tượng thính chúng, gồm đủ các thành phần chủng loại như Trời, Thần, Quỷ, Vật… đều nghe rõ ràng bằng ngôn ngữ và âm thanh của cộng đồng chủng loại mình. Nhờ vậy mà vô lượng chúng sanh đã được giác ngộ.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, nếu các vị phụng hành sứ mạng “Đại Phật tuyên dương”, mà không chú tâm nghiên cứu, học hỏi, tập luyện về ngôn ngữ, âm thanh, thì không thể đạt được kết quả như ý. Đôi lúc còn gây ra sự xem thường giáo pháp thậm thâm vi diệu của Đức Phật.
Vì vậy, chư tôn đức lãnh đạo trong ngành Hoằng pháp nên lưu tâm đào tạo, trắc nghiệm các vị “sứ giả Như Lai”, về ngôn ngữ và âm thanh, trước khi phân bổ sứ mạng “Đại Phật tuyên dương”, để quần sanh được “ân triêm pháp vũ”!
4 – Soạn bài giảng: Đã có được những điều cần thiết yếu nêu trên, việc quan trọng sau cùng của một vị giảng sư là tập trung bài giảng. Bài giảng là phương tiện trực tiếp trao truyền giáo pháp đến thính chúng. Nếu bài giảng khô khan, không nhất quán, không phong phú, thì hiệu quả của sự tuyên dương cũng bị sút giảm, buổi giảng tẻ nhạt, người nghe không chú tâm, đôi lúc lại còn ngủ gục!
Để tiến hành soạn một bài giảng, hành giả nên theo thứ tự những bước như sau:
– Tập trung ý tưởng và thông tin.
– Gạn lọc, sắp xếp các ý tưởng và thông tin.
– Chấp bút thể hiện bài giảng.
– Duyệt lại lần cuối.
Về hình thức bài giảng, nên theo cấu trúc thông thường của một bài văn, là:
– Nhập đề: Giới thiệu khái quát về chủ đề, nêu bật trọng tâm bài giảng và chào mừng thính chúng tham dự. Có nhiều cách nhập đề: nhập đề trực khởi, nhập đề lung khởi…
– Thân bài: Trình bày nội dung tư tưởng của bài giảng. Đây là phần tuyên dương, truyền bá, quảng diễn, triển khai với những bằng chứng truyện tích, minh họa cho chủ đề bài giảng.
– Kết luận: tóm tắt quan điểm hay ý tưởng trọng tâm của bài giảng. Có nhiều lối kết luận: kết luận gói gọn, kết luận mở rộng một chân trời.
Về bản chất nội dung bài giảng, thì phải áp dụng theo nguyên tắc:
– Khế lý: Đúng với giáo lý căn bản của đạo, không nên cắt xén, lắp ráp v.v… làm cho sai lệch Thánh ý, thính chúng tiếp thu lẫn lộn.
– Khế cơ: Hợp với căn bản của các đối tượng thính chúng, như trí thức, bình dân, nông dân, thương gia… Đối với người trí thức thì diễn đạt khúc chiết, cô đọng; đối với người bình dân thì diễn đạt dễ hiểu, nhẹ nhàng…
Một vị giảng sư may mắn được phước báo tướng hảo, lại kiên trì học tập tu dưỡng được oai nghi tế hạnh, chuyên cần luyện tập được ngôn ngữ, âm thanh, và tập trung soạn bài giảng thật phong phú, thì chắc chắn sẽ hoàn thành được sứ mạng “Tuyên dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh”.
Thưa quý liệt vị,
Theo sự gợi ý của Ban Tổ chức, với tấm lòng tha thiết, chúng tôi mạo muội trình bày một số vấn đề như trên, hy vọng góp được một phần công đức ít ỏi cho sự nghiệp “hoằng pháp lợi sanh” của Giáo hội hiện nay.
Nguyện cầu “Pháp luân thường chuyển, Chánh pháp cửu trụ”!.