Trong dịp hoan hỷ này, xin được phép điểm lại một số thành tựu trong việc thực hiện, hành trì hạnh nguyện hộ pháp, đồng thời hướng đến những mục tiêu đòi hỏi những nỗ lực hộ pháp của người con Phật.
1. Điều hết sức đáng mừng là trong thời gian mấy tháng qua, hộ pháp, cụ thể là ngăn chặn việc cải đạo tín đồ Phật giáo, đã trở thành điều mà một số chư vị tôn đức lãnh đạo Phật giáo Việt Nam quan tâm.
Việc này, quả thật, đã làm phấn chấn tăng ni Phật tử cả nước, nhất là những người con Phật lấy hạnh nguyện hộ pháp làm phương tiện tu tập.
Trong bài trả lời phỏng vấn Phattuvietnam.net trước thềm Hội thảo Hoằng pháp năm 2011, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định: “… cần lưu ý đến hoạt động cải đạo, đã có những ảnh hưởng nhất định đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Hoạt động này cần được phát hiện, ghi nhận, theo dõi và kịp thời có những phản ứng thích hợp, bằng cách củng cố niềm tin Tam bảo, quản lý các đạo tràng, các khóa tu của Phật tử, nhất là giải thích rõ vấn đề cải đạo là tự nguyện chứ không bắt buộc, mua chuộc hay có dụng ý khác”.
Hòa thượng Thiện Nhơn cũng chỉ dạy những biện pháp bước đầu: “… gần đây, hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo diễn biến phức tạp, với nhiều tình huống mới, mà tôi cho là không bình thường. Dư luận tăng ni Phật tử cũng hết sức quan tâm. Do đó ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Hoằng pháp phải có kế hoạch chặn đứng bằng cách củng cố niềm tin của Phật tử đã quy y tam bảo”.
Tin báo chí tường thuật cũng cho thấy cải đạo là vấn đề được nhiều quý vị tôn đức tăng ni quan tâm trong khuôn khổ Hội thảo Hoằng pháp năm 2011. Thượng tọa Bảo Nghiêm đã lưu ý đại biểu tăng ni về việc phải đối phó với hiểm họa cải đạo trong bối cảnh mở cửa, giao lưu văn hóa phát triển, các hoạt động tôn giáo đến từ nước ngoài gia tăng việc xâm nhập, tác động đến hoạt động tôn giáo trong nước. Ngài cũng chỉ ra hoạt động ngăn chặn cải đạo tín đồ Phật giáo, kể cả tín đồ ngoài nước, phải gắn liền với hoạt động hoằng pháp.
Nhiều cơ quan truyền thông Phật giáo ngoài Phattuvietnam.net cũng đã đồng loạt lên tiếng về vấn đề cải đạo, thu hút nhiều cây viết mới, tên tuổi đề cập đến vấn đề này.
Những chuyển biến tích cực đó chắc chắn sẽ đem đến những hiệu quả mới trong hoạt động cảnh báo, ngăn chặn việc cải đạo tín đồ Phật giáo.
Hoạt động hộ pháp, ngăn chặn cải đạo tín đồ Phật giáo đã từ những tiếng nói đầu tiên của trang tin Phattuvietnam.net đã đi tới ý kiến chỉ đạo của các vị lãnh đạo Phật giáo, sự đồng tình của nhiều cơ quan truyền thông Phật giáo, việc chuyển biến ở nhận thức quý vị tăng ni Phật tử…
2. Tuy nhiên, hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo cũng được các tôn giáo khác đẩy mạnh.
Ngoài những hoạt động cải đạo thường xuyên, gần đây những hoạt động cải đạo gia tăng đột biến, với nhiều hình thức mới, trong đó cá biệt xuất hiện những hành vi có tính chất thủ đoạn tinh vi, gian dối, nhưng được đồng loạt triển khai trên các hoạt động truyền thông cải đạo.
Các trang web nội dung cải đạo cũng cho thấy ở một số nơi cải đạo lan rộng đến những địa điểm không ngờ tới, như Nhà văn hóa thiếu nhi (địa điểm sinh hoạt tập trung của Đội Thiếu niên Tiền phong HCM), cải đạo tập thể các em thiếu niên.
Cải đạo được tuyên bố một cách rõ ràng thành khẩu hiệu. Trong dịp lễ tôn giáo vào hạ tuần tháng 4 vừa qua, nhiều cơ sở tôn giáo căng băng rôn lớn trước cửa, nội dung “Để họ nên như chúng ta là một”.
Các cuộc lễ với mục tiêu phô trương việc cải đạo tập thể được tổ chức nhiều hơn, với tần suất ngày càng gia tăng.
Lời lẽ thể hiện trên các trang web nhằm vào mục tiêu cải đạo cũng quyết liệt hơn, gọi những gì không thuộc về Chúa thì thuộc về “satan” (thúc giục mọi người về với Chúa, từ bỏ “satan”).
Có xu hướng biến bất mãn chính trị nào đó trở thành động lực đẩy mạnh hoạt động cải đạo. Đẩy mạnh hoạt động cải đạo được hiểu là việc giải tỏa những ẩn ức nào đó, có thể coi là một dạng “trả đũa”, phản ứng gián tiếp.
3. Như vậy Phật giáo Việt Nam chúng ta tiến một bước trong việc ngăn chặn hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo, chỉ ở mức nhận thức, chưa có hoạt động cụ thể, thì hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo lại vươn lên một bước mới.
Do vậy, có thể nói, tương quan của hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo và hoạt động ngăn chặn cải đạo tín đồ Phật giáo vẫn ở mức như cũ. Thậm chí, việc cải đạo tín đồ Phật giáo có phần mạnh lên trong so sánh tương đối, với những hoạt động không chỉ căng thẳng hơn, mở rộng hơn, mà còn là những hoạt động bá đạo hơn, gian dối hơn (hoàn toàn không phù hợp với tính chất tôn giáo, vốn luôn nhắc nhở về sự trung thực, ngay thẳng), như vụ “chân tu” cải đạo.
4. Chuyển đổi về quan điểm đối với việc cải đạo tín đồ Phật giáo tuy đáng mừng là đã từ một số vị tôn túc trưởng thượng, nhưng vẫn không phải đều khắp, toàn diện. Bên cạnh đó còn là sự thờ ơ, bàng quan, hay cả cố ý tránh né một cách khó hiểu đối với việc đối phó hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo. Thậm chí, trong Phật giáo, lại có ý kiến gián tiếp thỏa hiệp với việc cải đạo, chủ trương không cần số đông tín đồ Phật giáo (có thể hiểu là đương nhiên chấp nhận việc “chuyển giao” tín đồ cho tôn giáo khác).
Tình hình như vậy khiến những người con Phật có tâm nguyện hộ pháp càng thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn nữa.Trong Kinh Pháp Hoa có khái niệm Phật “bổ xứ”, được một số vị tôn đức lý giải là nhận Phật sự từ Phật, được Phật giao phó trách nhiệm.
Với tinh thần Phật “bổ xứ” đó, với hạnh nguyện hộ pháp, trước những chuyển biến phức tạp của hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo, việc nỗ lực, tinh tấn hơn nữa vì hạnh nguyện hộ pháp, thiết tưởng là điều hết sức cần thiết, cấp bách với tất cả mọi người con Phật.
Tất cả chúng ta tin tưởng vào sự lãnh đạo của quý tôn đức trưởng thượng, đồng thời cũng cần phấn đấu với những đóng góp cá nhân của mình sao cho thành trì Phật giáo được bồi đắp vững bền trước cơn sóng dữ cải đạo.
Quan điểm Phật giáo toàn dân được Thượng tọa Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương đề ra cần được chia sẻ thực hiện, chú trọng đến những người yêu Phật giáo, sớm chuyển hóa họ thành những tín đồ Phật giáo thuần thành, miễn nhiễm trước bệnh dịch cải đạo, và trở thành những nhân tố mới trong lực lượng hộ pháp.
Kính thư
Minh Thạnh