Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, song Phật giáo Quảng Ninh vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc. Với địa hình 2/3 diện tích là đồi núi, trải dài từ Đông Triều cho tới Móng cái gần 300 km với đầy đủ địa hình đồi núi, hải đảo, trung du và đồng bằng đã tạo nên một nét đặc trưng cho tỉnh Quảng Ninh.
Hiện nay Quảng Ninh có gần 130 ngôi chùa nằm rải rác ở 8 trên 14 huyện, thị thành của tỉnh. Do điều kiện khách quan, từ năm 1981 Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập nhưng Quảng Ninh chưa có một tổ chức Phật giáo chính thức. Tháng 01 năm 2005 vừa qua, được sự quan tâm nỗ lực của Trung ương Giáo hội và Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng với sự hỗ trợ tích cực của Tăng Ni, Phật tử trên tinh thần đoàn kết nhất trí cao; Đại hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã được tỗ chức thành công tốt đẹp và suy cử Ban Trị sự nhiệm kỳ I (2005-2010) do Hoà thượng Thích Thanh Tứ- Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm Trưởng ban. Chẳng quản tuổi cao sức yếu, công việc Phật sự đa đoan ở Trung ương và các tỉnh thành hội khác, Hoà thượng đã hoan hỷ nhận lời. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Hoà thượng, từ khi Đại hội cho đến nay Ban Trị sự đã đi vào nề nếp và ổn định sinh hoạt.
Quảng Ninh nổi tiếng với điểm du lịch Hạ Long, một thiên nhiên di sản văn hoá thế giới được nhiều người biết đến, nổi bậc của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Quảng Ninh nói riêng đó là khu danh thắng Yên Tử – Nơi phát sinh ra Phật giáo Trúc Lâm đời Trần với hàng trăm am tháp tự viện. Trải qua bao nhiêu thế kỷ, cho đến nay các tự viện am tháp vẫn tồn tại giữa bầu trời thiêng liêng Yên Tử, đáng tự hào cho Nhân dân Quảng Ninh có một vùng vàng đen của Tổ quốc.
Nhờ hồng ân Tam bảo minh luân gia hộ, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền cũng như hằng tâm hằng sản của Phật tử và nhân dân thập phương Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử đã được xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng đã tạo tiền đề cho khêu lại ngọn đèn thiền đăng nơi chùa Hoa Yên, chùa Đồng, chùa Vân Tiêu, chùa Trình, chùa Lôi Âm, chùa Vạn Triều, … cũng được xây dựng khang trang tố hảo góp phần khởi sắc tô đậm vẻ đẹp cho Phật giáo Quảng Ninh.
Ngoài ra còn có một số đang được xây dựng với quy mô lớn như chùa Phả Thiên, chùa Long Tiên, chùa Cảnh Huống…, đã dần dần cải thiện khôi phục lại dòng thiền Yên Tử với quy mô hoành tráng như xưa. Đáng kể đến là chùa Quỳnh Lâm, một ngôi chùa có bề dày lịch sử là truyền thống giáo dục như tiêu đề mở đầu của Nguyệt san Giác Ngộ số 97 ra tháng 4 năm 2004 đã ghi: Hiện tượng hội nhập văn hoá dưới thời Lý-Trần nhìn từ một trung tâm Phật giáo tiêu biểu Quỳnh Lâm. Sang năm 2007, được sự đầu tư của Nhà nước trên 30 tỷ đồng để khôi phục lại chùa Quỳnh Lâm giai đoạn 2, chắc chắh rằng sẽ lấy lại phần nào vẻ đẹp tiềm ẩn của chốn Tổ năm xưa. Hiện nay chùa Quỳnh Lâm là trụ sở Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, là điểm an cư tập trung của Tăng Ni toàn tỉnh và trong tương lai sẽ là trường Trung cấp Phật học
Nêu cao tinh thần ngàn đời yêu nước của Phật giáo Việt Nam, như trong khoa cúng Tổ sư chùa Quỳnh Lâm đã chứng minh:
Gặp vận thế phong, nhìn non sông luống những đau lòng,
Gặp Phật pháp càng thêm quyết chí.
Kể từ thuở quy y thế phát,
Trải tháng ngày phục vụ cần lao.
Tính đến kỳ thụ giới sam thiền,
Bao thu hạ dùi mài luyện tập.
Học kinh học luật học đạo lục hoà,
Yêu đạo, yêu đời, yêu người bát chính.
Sửa sang chùa cảnh, xây đắp đạo tràng,
Tiếp dẫn Tăng Ni dắt dìu thiện tín.
Nơi phạm thất những trau dồi được bạch nghiệp,
Chữ lợi danh không giám mơ tưởng thói hồng trần.
Lúc chiến tranh cũng tham gia hoạt động,
Vận từ bi cứu nước diệt thù.
Khi hoà bình lải đoàn kết nhân dân,
Giữ chính sách xây đời xây đạo,
Biển phúc duyên tô điểm sa bà.
Điển hình là ngôi chùa Bắc Mã nằm trong đệ tứ chiến khu Đông Triều, vào thời kỳ kháng Nhật chống Pháp, nơi đây đã có hàng chục vị sư cởi cà sa khoác chiến bào và anh dũng hy sinh cho nền độ lập tự do của dân tộc. Không kể đến sự sống còn của bản thân, đã nuôi nấng và che dấu cán bộ cách mạng đó là Thượng tọa Thích Quang Tâm chùa Vãng, người đã anh dũng hy sinh.
Sau gần 60 năm ngậm ngùi chôn vùi dưới đất, tháng 5 vừa qua Ban Trị sự đã tổ chức lễ cầu siêu và đón nhận bằng Tổ quốc ghi công cho cố Giác linh Thượng tọa, Thường trực Ban Trị sự đã thiết lập phương án xây dựng ngôi bảo tháp cho Ngài. Nhưng một điều đáng thương hơn cho đến thời điểm này, vẫn chưa xác minh được tên tuổi, quê quán và thân nhân của Người.
Mong muốn của Tăng Ni Phật tử tỉnh Quảng Ninh xin được gởi gắm tới Hội nghị là:
1. Sau Hội nghị này, lãnh đạo Đảng Nhà nước và Trung ương Giáo hội có văn thư chỉ đạo chính quyền tỉnh Quảng Ninh tạo mọi điều kiện giúp đỡ cho Phật giáo Quảng Ninh về mọi mặt, nhất là hỗ trợ kinh phí để Ban Trị sự có ngân quỹ hoạt động.
2. Đề nghị các cấp chính quyền không nên quá sâu vào vấn đề nội bộ của Ban Trị sự, tạo điều kiện để Ban Trị sự thực hiện các nghị quyết đã đề ra.
3. Khi Ban Trị sự đã hoàn tất hồ sơ trụ trì theo nghị định 22 và pháp lệnh tín ngưỡng Tôn giáo, nhưng chính quyền nơi đến lại có những văn bản gây phiền hà phức tạp như trường hợp chùa Bí Thượng-Uông Bí, chùa Non Đông-Đông Triều gây khó khăn cho Ban Trị sự trong việc bổ nhiệm trụ trì và quản lý tự viện.
4. Mọi vấn đề liên quan tới tình hình sinh hoạt của Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh đều do Ban Trị sự quản lý và hướng dẫn. Một số di tích văn hoá thì phải phân chia quyền hạn, phạm vi nào là của Ban Trị sự, phần nào là của văn hoá, phần nào là của Ban quản lý di tích và phần nào là của chính quyền. Đây là vấn đề gây bức xúc khó khăn cho Tăng Ni trụ trì trong việc xây dựng quản lý tự viện.
Mong rằng với sự giúp đỡ tận tuỵ hết mình của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Trung ương Giáo hội cùng với sự tận tâm nhiệt tình của các thành viên trong Ban Trị sự, hy vọng các Phật sự của tỉnh Quảng Ninh sẽ được diễn ra thuận lợi và thành công tốt đẹp theo phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.