Nhất định là thế, bởi hơn bao giờ hết chuyển mình và thay đổi, với lực thúc đẩy mạnh mẽ mang tính xã hội, và đang là một bức thiết cho sự tồn tại của Phật giáo Việt Nam và sự phát triển của Giáo hội. Một khi chuyển mình và đổi thay đang là một xu thế xã hội và là điều tất yếu của Phật giáo Việt Nam, thì có ít nhất 3 vấn đề tiên quyết sau đây cần phải được Giáo hội minh định và thiết lập:
1. Cơ sở hay nền tảng cho cuộc chuyển mình.
2. Định hướng phương và chiều chuyển mình.
3. Mô hình và phương thức chuyển mình.
Những cơ sở cho cuộc chuyển mình
Với mọi cuộc chuyển mình, bất kể là của một tổ chức xã hội vi mô hay của một tổ chức quốc tế hay quốc gia vĩ mô, thì việc định hướng véc tơ chuyển mình và mô thức chuyển mình luôn là những đòi hỏi. Tuy nhiên, để thực hiện được những nhu cầu này, cơ sở hay nền tảng cho cuộc chuyển mình cần phải được thiết định và xác lập trước tiên. Đó là, cuộc chuyển mình của Phật giáo Việt Nam nói chung, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng, cần phải được xây dựng trên bốn cơ sở sau đây:
1. Tinh thần giáo lý và ý tưởng Phật đà
Như tất cả chúng ta đều biết, tinh yếu giáo lý Phật đà chính là tinh thần giáo lý Giới – Định – Huệ, tinh thần vô chấp, tùy duyên bất biến, khai phóng, siêu việt và vượt ra ngoài ý tưởng về “Cái tôi”, “Cái của tôi”, và “tự ngã của tôi”. Và lý tưởng ấy, không gì khác hơn, chính là lý tưởng “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, lý tưởng nhắm đến phục vụ vì hạnh phúc an lạc của số đông, và lý tưởng nhắm đến mục đích giải thoát hướng thượng cho tự thân và tha nhân. Những tinh thần và lý tưởng này dứt khoát phải là cơ sở đầu tiên cho mọi hoạt động của Giáo hội quy chiếu và phóng chiếu, bởi tách khỏi yếu tố nền tảng này đạo Phật sẽ không là đạo Phật nữa.
2. Truyền thống văn hóa dân tộc
Giáo nghĩa và lý tưởng phật làm nên đạo Phật; truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam quyết định nên đạo Phật Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử 5000 văn hiến của dân tộc, đạo Phật Việt Nam có một nửa đường hòa nhập và góp mặt, dựng xây tinh thần dung hóa, đắp bồi lòng yêu nước thương nòi, giữ gìn thuần phong mỹ tục làng – xã, và truyền thống đạo đức gia đình. Bởi tính gắn bó và quyến định ấy, nên mọi cuộc chuyển mình của Phật giáo Việt Nam luôn cần phải đặt nền tảng trên cơ sở văn hóa dân tộc Việt Nam.
3. Hoàn cảnh thực tiễn xã hội
Đất nước, xã hội và con người việt nam đang bước vào và bị cuốn vào vĩ đạo hay nguồn xoáy của một thời đại mà chúng ta gọi là “mới” với những thành tựu đỉnh cao về công nghệ thông tin, và khoa học kỹ thuật. Những thành tựu ấy hẳn nhiên mở ra nhiều vận hội cho sự phát triển kinh tế và nâng cho đời sống vật chất, nhưng đồng thời cũng đưa đến những thách thức về giá trị văn hóa tinh thần và đạo đức dân tộc. Những vận hội và thách thức như thế của xã hội Việt Nam rõ ràng là những tác lực thúc đẩy cũng như đang đặt ra những câu hỏi cơ bản cho sự chuyển mình của Phật giáo Việt Nam và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
4. Xu hướng thế giới
Nếu thực tiễn xã hội Việt Nam đóng vai trò như là môi trường và tác lực trực tiếp cho sự chuyển mình của Phật giáo Việt Nam, thì bối cảnh quốc tế vĩ mô với những xu hướng toàn cầu hóa thông qua siêu lộ thông tin, đa cực hóa các vùng kinh tế, thương mại, hẳn sẽ là môi trường và tác lực gián tiếp đưa đến một chuyển mình bức thiết hướng đến hội nhập thế giới của Phật giáo Việt Nam nói chung và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng vậy.
Trong bốn cơ sở hay nền tảng trên đây, hai cơ sở đầu -tinh thần và lý tưởng Phật đà và truyền thống văn hóa dân tộc – rõ ràng liên quan đến vấn đề nội thể – cơ chế hàm ẩn bên trong, và hai cơ sở sau – hoàn cảnh thực tiễn xã hội Việt Nam và xu hướng thế giới – liên quan đến ngoại hiện – sự thể hiện ứng dụng bên ngoài – của cuộc chuyển mình của Phật giáo Việt Nam. Hai chiều kích này có mối quan hệ hữu cơ với nhau: nội thể quyết định những gì gọi là Phật giáo Việt Nam và ngoại hiện xác lập thế đứng của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.
Định hướng phương và chiều chuyển mình
Với việc xác lập những cơ sở của hai chiều kích nội thể và ngoại hiện như thế, định hướng véc tơ cho phương và chiều cuộc chuyển mình của Phật giáo Việt Nam chúng ta hẳn đã được phần nào gợi ý. Đó là, cần định hướng véc tơ chuyển mình của Phật giáo Việt Nam sao cho:
1. Véc tơ phương và chiều chuyển mình trùng với véc tơ phương và chiều của giáo lý và lý tưởng Phật đà.
2. Véc tơ phương và chiều chuyển mình trùng với véc tơ phương và chiều của truyền thống văn hóa dân tộc.
3. Véc tơ phương và chiều chuyển mình trùng với véc tơ phương và chiều của đà phát triển kinh tế quốc dân và hoàn cảnh thực tiễn xã hội.
4. Véc tơ phương và chiều chuyển mình trùng với véc tơ phương và chiều của xu hướng thế giới.
Nói một cách khác, sự chuyển mình của Phật giáo Việt Nam và của Giáo hội PGVN trên chiều kích nội thể cần phải vừa phù hợp với tinh thần giáo lý Phật vừa phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, và trên bình diện ngoại hướng cần phải vừa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn xã hội Việt Nam và vừa thích ứng được những xu hướng phát triển vì hạnh phúc của loài người trên thế giới.
Mô hình và phương thức chuyển mình
Cơ sở và phương – chiều rõ ràng là nền tảng. Tuy nhiên, chúng chỉ đóng vai trò như là hệ qui chiếu và phóng chiếu lý thuyết, còn mô hình và sách lược cụ thể mới chính là nội dung thực tế cho cuộc chuyển mình. Đây quả là một vấn đề không đơn giản, đòi hỏi nhiều yếu tố quyết định cả về không gian lẫn thời gian, và do đó, vượt ra ngoài khuôn khổ của một tham luận. Tuy vậy, trong bài tham luận này, chúng tôi cũng xin được đóng góp một mô hình cùng một vài phương lược như sau:
Mô hình chuyển mình
Như chúng ta biết, Giáo hội PGVN, tổ chức đại diện hợp hiến duy nhất của PGVN, có một thế chế hoạt đọng trong 25 năm thành lập và phát triển với hai tầng cấu trúc. Đó là:
1. Cấu trúc nội diên – những chủ trương, đường lối qui phạm tổ chức và hoạt động, cụ thể là Hiến chương và nội qui của Giáo hội.
2. Cấu trúc ngoại diên – những thiết chế quản trị chẳng hạn như Hội đồng Chứng minh, văn phòng Hội đồng/Ban Trị sự, các cơ sở giáo dục nghiên cứu và văn hóa của Giáo hội.
Cấu trúc nội diên, như được minh định về mặt khái niệm trên, đóng vai trò như là khung sườn lý thuyết, và cấu trúc ngoại diên đóng vai trò như là hoạt hiện thực tiễn của khung sườn lý thuyết đó. Cả hai cấu trúc này đều cần phải ‘chuyển’, phải thay đổi để thích ứng và đáp ứng của nhu cầu của thời đại mới. Tuy nhiên, vì là khung sườn, nên cấu trúc nội diên cần phải được ‘chuyển’ trước để làm nền tảng cho sự ‘chuyển’ của cấu trúc ngoại diên. Nói cách khác, sự chuyển mình của Giáo hội có thể thực hiện theo phương chiều véc tơ hướng từ trong ra ngoài và mô hình đó có thể được khái quát bằng biểu đồ sau:
Phương thức chuyển mình
Từ lý thuyết đến thực hành là một câu chuyện dài. Và do vậy, để mô hình lý thuyết trên đây có thể trở thành những hoạt hiện thực tế, những phương thức hay sách lược với từng bước cụ thể luôn là một đòi hỏi. Chẳng hạn:
– Bước 1: Phổ biến ý thức về nhu cầu chuyển mình của PGVN, và của Giáo hội PGVN sâu rộng trong Tăng – Ni và quần chúng Phật tử. Thông qua đây, định hướng ý chuyển mình cho tự thân cho tự thân của mỗi Tăng – Ni và Phật tử. Các cơ sở giáo dục và các Ban Hoằng Pháp trung ương và tỉnh thành đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi bước 1 này.
– Bước 2: Phát động phong trào góp ý về việc xây dựng mô hình và phương thức chuyển mình từ thành phần trí thức Phật giáo. Những cuộc hội nghị, hội thảo như thế này, tuy cũng là một động thái thích đáng tập hợp tri thức, nhưng vì bị giới hạn về cả thời gian lẫn không gian, nên chúng thường nặng tính phổ biến hơn là tập hợp những đóng góp tri thức có đủ chiều sâu và rộng cần thiết.
– Bước 3: Thành lập Chuyên ban đặc biệt nghiên cứu và hoạch định công cuộc chuyển mình. Ban này có trách vụ tích hợp các đóng góp tri thức, chọn lựa các mô hình và phương thức khả năng thi, và thiết lập dự án cụ thể.
– Bước 4: Triển khai dự án đã được thiết lập.
Thay lời kết
Từ góc nhìn của một cơ sở giáo dục bậc cao của Giáo hội, Học viện PGVN tại Huế chúng tôi cảm thấy, cũng như nhiều đại biểu trong hội nghị này cảm thấy, rằng xu thế chuyển mình của PGVN, của Giáo hội GHVN đang là một xu thế rất thật. Bởi vậy, việc xác định cơ sở, định hướng và thiết lập mô thức cho công cuộc chuyển mình của Giáo hội đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Phật giáo Việt Nam là một sinh thể luôn tràn đầy những năng lượng, sẵn sàng cho cuộc chuyển mình khi nhận từ đất mẹ Việt Nam hôm nay một mệnh lệnh chuyển mình.