Nhị vị Tổ Hội và Tổ Ráng, trong các hoạt động của Giáo hội PGVN và Thành hội PG Hà Nội (và Hà Tây cũ), chúng tôi đã có dịp được chuyển tải thông tin, hình ảnh và sự tôn kính đến chư vị độc giả. Riêng về Tổ Linh Phong thì điều này, cho tới nay, chúng tôi chưa thực hiện được.
Trong khoảng đôi mươi năm lại đây, chúng tôi có cơ duyên được thường xuyên gần gũi, thị giả một số chư Tôn đức, quý Thầy và các cư sĩ lão thành. Trong các cuộc tham vấn, đàm đạo về sự thăng trầm của Phật giáo miền Bắc, tôi thấy chư vị thường có nhắc đến những kỷ niệm, những “giai thoại thiền” kỳ thú ở Tổ Linh Phong – Trí Tịnh, hiện đang tu hành ở chùa Linh Phong – thành phố Vũng Tàu, với những tình cảm sâu lắng và sự kính trọng sâu sắc.
Cũng từ đó chúng tôi ấp ủ ao ước có được thiện duyên gặp mặt, đỉnh lễ và tham vấn Tổ.
Và rồi duyên lành dần bén, chúng tôi đã được đôi dịp nhìn thấy Tổ trong những dịp Tổ ra Bắc dự tang lễ các bậc trưởng thượng hay giỗ Tổ ở các tổ đình lớn.
Dù chỉ nhìn, ngắm từ xa, nhưng chúng tôi đã thấy: từ hình hài to lớn, đường bệ, uy nghi, y hậu thuần Bắc và tấm mũ Quan âm – bồ kề nâu sồng; từ hành vi cử chỉ, tác phong của Tổ toát ra thần thái, cốt cách, Tăng tướng của một bậc chân tu, phi phàm, xuất chúng, là bậc long tượng trong chốn Tùng lâm thiền gia.
Và sau đó trong các Phật sự, chúng tôi nhiều lần được bố trí đưa đón, thị giả, gần gũi Tổ, được Ngài cho hầu chuyện trực tiếp.
Tìm hiểu qua các quý Thầy đã có dịp hầu Tổ, chúng tôi được biết đôi điều về hành trạng của Ngài. Trưởng lão Thích Trí Tịnh nguyên quán ở Hưng Yên (Nam Định?), sinh năm 1925, xuất gia năm 1939 khi tròn 15 tuổi. Ngài là đệ tử của Cố Hòa thượng Thích Thanh Khánh, Tổ đình Trung Hậu, Vĩnh Phúc (nay thuộc Mê Linh – Hà Nội), tu học tại các chốn Tổ đình với các bậc Tổ nổi tiếng ở Bắc bộ.
Bây giờ, có lẽ Tổ là một trong một vài Trưởng lão là chứng nhân của Phật giáo miền Bắc giai đoạn khoảng 1935 – 1985. – 50 năm rất đặc biệt của lịch sử chính trị và Phật giáo miền Bắc.
Ngài là đồng môn pháp lữ với Đức Đệ Tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ. Các Ngài đã có những giai đoạn cộng trụ, chia sẻ tu tập, cùng gánh vác việc Phật và cuộc sống. Được nghe các Ngài hồi tưởng lại những kỷ niệm bi tráng hồi những năm 50, 60 của thế kỷ trước, chúng tôi không thể không bồi hồi, cảm khái bi phẫn.
Cuối năm ngoái, chúng tôi có phúc được tháp tùng Tổ Linh Phong về chùa Ráng dự giỗ Tổ. Được chứng kiến và thị giả hai bậc Trưởng lão, chúng tôi mới hiểu một chút về tình bằng hữu, huynh đệ, cố nhân tri kỷ của các bậc tu hành cổ kính.
Các Ngài kiệm lời quá mức, trầm ngâm đối ẩm như những người sơ giao đạm bạc.
Đến thời Ngọ trai, gian giữa nhà Tổ chùa Ráng, dưới ban thờ, trên một chiếc bàn nhỏ chông chênh phủ tấm vải nhựa được đặt một mâm cỗ chay rất thịnh soạn, bê trĩu tay. Hai vị Tổ (88 và 96 tuổi) ngồi đối diện trên 2 chiếc ghế mộc nhỏ. Khẽ đụng, chiếc bàn rung rinh…
Phạm trù trác tuyệt của Mỹ học hiện đại chắc không đủ để phản ảnh hình ảnh đó.
Cuộc đời tu hành, thiệp thế của Tổ Linh Phong đầy bi tráng, chia sẻ tận cùng với những trang sử hào sảng, tang thương và u uẩn của đất nước.
Kiên trì phẩm chất của người tu hành, không cam chịu luồn cúi, sống trong chế độ chính trị ở miền Bắc trong những năm 1960, quyền lực thế tục đã không dung nổi Ngài, trong khi Ngài nhận được sự quy ngưỡng mến mộ của đông đảo Phật tử thuần thành ở thành phố Nam Định và thập phương.
Kết cục, Ngài đã được / phải an nhiên tự tại tu hành trong lao lý 11 năm và 2 năm, cho dù không có tội, không có án gì ( !). Trong tù, Ngài vừa tu vừa hoằng dương giáo pháp lợi lạc tha nhân.
Không biết đã có bao nhiêu tù nhân thật, tù nhân oan và giám thị đã được Ngài gieo duyên, cải hóa làm lành lánh dữ.
Đôi lúc hồi tưởng, nhắc lại 13 năm này, Ngài rất hóm hỉnh, rất vui, tuyệt nhiên không có một chút oán hờn chê trách, kỳ thật ! Sau này ngẫm lại, Ngài đã viết :
“Mặc cho thế tục đảo điên
Thị phi rũ sạch nhân hiền để tâm”
Ra tù, không thể về chốn cũ thành Nam, Ngài bèn quảy gót vô Nam.
Ở Sài Gòn không ổn, Ngài về núi Linh Phong – Vũng Tàu, khai sơn phá thạch, Trấn tích khai môn lập nên Linh Phong Thiền Uyển.
Chùa Linh Phong tọa lạc tại số 122, đường Phan Chu Trinh, TP. Vũng Tàu, tới nay đã là một quần thể chùa tháp trên núi (sơn tự), được Tổ Linh Phong tự thân vận động kiến tạo trong mấy chục năm qua. Đây thật sự là một chốn già lam chân cảnh mang thuần phong cách và tinh thần chùa Bắc.
Tổ khai ngôi sơn tự này ban đầu chỉ có hơn 100 m2 đất và một am nhỏ. Dần dần, Ngài đi làm Phật sự khắp trong Nam ngoài Bắc, góp nhặt tịnh tài để kiến tạo chân cảnh Già Lam.
Cho dù đã có nhiều nhà đại phú gia muốn xây dựng cả một ngôi chùa cực lớn để cúng cho Ngài, nhưng ngẫm kỹ, Ngài từ chối: “Nhà Sư ở nhà Phật, không phải là một nghề, không bao giờ hùa theo thói thường, trở thành người đi trông chùa thuê, bợ đỡ người đời” – Ngài vẫn vậy, như hồi 40 – 50 năm trước!
Vì một số lý do nào đó, Tổ Linh Phong, cho tới nay, không tham gia sinh hoạt trong GHPGVN. Giáo phẩm Hòa thượng của Ngài không phải do GH tấn phong mà là Gia phong. Ngài bảo rằng, không tiện đính chính, vì hết thảy các bậc Trưởng lão, chư Tôn đức và thập phương tín đồ đều tôn xưng là vậy thì để vậy cũng được.
Bên cạnh chư Tôn Trưởng lão đang sinh hoạt trong GHPGVN có Tổ Linh Phong cũng là một phúc lớn cho Phật giáo nước nhà.
Xưa kia cuộc sống quá khó khăn khốn khó không nói làm gì, đến nay các điều kiện sinh hoạt đã được cải thiện dễ chịu hơn. Vậy mà vẫn như xưa, sinh hoạt cá nhân của Ngài tuyệt nhiên không thay đổi. Nền nếp của các bậc cổ đức luôn được Ngài trân trọng giữ gìn.
Đúng là, trời mỗi ngày mỗi sáng, tới nay và chắc là mãi muôn đời sau, chùa Linh Phong và Tổ Linh Phong sẽ là một dấu son lớn, đặc biệt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Phattuvietnam.net xin giới thiệu chùm ảnh tư liệu về Tổ và chùa Linh Phong.