Trang chủ PGVN Cửa thiền Tận tâm vì đạo, vì đời

Tận tâm vì đạo, vì đời

120

Sư là chỗ dựa tinh thần giúp đồng bào Khmer phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng phum sóc bình yên.

Năm 1969, mới 14 tuổi, theo phong tục của đồng bào dân tộc Khmer, cậu thiếu niên Thạch Út vào chùa Cây Hẹ ở huyện Tiểu Cần tu học báo hiếu tổ tiên và học làm người hữu ích.

Với bản tính hiền hòa, hiếu học nên khi đến tuổi trưởng thành, sư Thạch Út không hoàn tục mà nguyện gắn bó suốt đời nơi cửa Phật để học đạo, học chữ.

Sống quan tâm đến mọi người và là nhà sư đạo cao, đức trọng nên năm 1993, sư Thạch Út được Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh và Phật tử tín nhiệm bầu làm Sư cả.

Năm 2004, ông được chuyển về làm Sư cả chùa Ô Chhuc, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, cho đến nay.

Xuất thân là con nhà nghèo, hiếu học, nên từ khi đảm nhận trách nhiệm là Sư cả, ông hết lòng chăm lo việc tu học cho con em đồng bào Khmer ở địa phương, quan tâm giúp đỡ hết khả năng của mình để bà con Khmer có cuộc sống no ấm, bình yên.

Sư tâm sự: “Người tu hành cũng là công dân của đất nước, nên mình không chỉ lo cho bổn đạo mà còn phải có trách nhiệm góp phần chăm lo cho cộng đồng”.

Nhiều năm qua, ngoài việc đạo, sư Thạch Út dành hết thời gian vận động bà con Khmer ở địa phương chí thú làm ăn để có cuộc sống tốt hơn, cùng đoàn kết tương trợ, giúp nhau trong cuộc sống.

Nhân các ngày lễ viếng chùa, trong buổi thuyết pháp đạo, sư lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, như: Nghị quyết 09 và Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ; Chỉ thị 08 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Pháp lệng Tín ngưỡng, tôn giáo…

Với uy tín của mình, Sư cả Thạch Út còn trực tiếp giáo dục hàng chục thanh niên hư hỏng trở thành người tốt.

Với cách giáo dục thanh niên hiệu quả, chùa Ô Chhuc ngoài các vị sư là con em đồng bào Khmer còn có 7 con em người Kinh xin vào tu học, trong đó có cả thanh niên do gia đình gửi Sư cả Thạch Út giáo dục.

Sư Thạch Út còn tham gia hòa giải trên 30 vụ tranh chấp, bất hòa trong nội bộ đồng bào Khmer.

Nói về Sư cả Thạch Út, ông Đặng Văn Linh cho biết: “Nhờ có Sư cả mà nay gia đình tôi sống hạnh phúc, no ấm. Không riêng gì tôi, nhiều gia đình Phật tử ở đây đều mang ơn ông”.

Là một nhà sư làm được nhiều việc có ích cho xã hội, với ông đó không phải là công lao mà là trách nhiệm. “Tôi là nhà sư dân tộc Khmer cũng phải góp chút công sức cho bà con mình. Bởi đạo đẹp là phải xây dựng cho đời được tốt”, sư Thạch Út bộc bạch.