Sáng ngày 29/12/2006, tức 10/11/ Bính Tuất – Phật lịch 2550, tại chùa Tây Thiên Quốc tự trên lưng chừng dãy núi Tam Đảo thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã cử hành trọng thể Lễ bổ nhiệm Trụ trì chùa Tây Thiên.
Tham dự và chứng minh buổi lễ có Đại đức Thích Chiếu Tạng – Phó ban Thường trực Ban trị sự tỉnh hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc, Đại đức Thích Minh Hiền – Phó ban Văn hoá Trung ương GHPGVN, Phó ban Thường trực Ban trị sự tỉnh hội Phật giáo tỉnh Hà Tây, Trụ trì sơn môn tổ đình Hương Tích, Đại đức Thích Thanh Phương – Trụ trì Tổ đình Phú thị, Tổ đình Vân Tự cùng hơn một trăm chư Đại đức, Ni trưởng, Ni sư, Tăng Ni của Thiền viện Tây Thiên, Tịnh thất Tam Đảo, sơn môn tổ đình Hương Tích, đại diện nhiều tự viện ở các thành phố, thị xã, huyện trong tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh thành lân cận như Hà Tây, Hà Nội, Thái Nguyên.
Về phía Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc có sự hoan hỉ hiện diện của ông Dương Văn Minh – Đại diện sở Văn hoá Thông tin; ông Nguyễn Hữu Thảo – Trưởng phòng Tôn giáo Ban Dân tộc Tôn giáo; các ông bà đại diện cho Chính quyền, Mặt trận và các ban ngành huyện Tam Đảo, xã Đại Đình và sự có mặt của gần một nghìn Phật tử thập phương.
Tỷ kheo Ni Thích Đàm Phú, một thành viên xuất sắc của Ni chúng Tịnh thất Tam Đảo đã được bổ nhiệm trụ trì Tây Thiên Quốc tự.
Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Chiếu Tạng và Đại đức Thích Minh Hiền đã tuyên đọc quyết định bổ nhiệm và phát biểu tán thán công đức của thất chúng Phật tử và các cấp chính quyền đã chung sức chung lòng chu viên Phật sự khôi phục chùa Tây Thiên; căn dặn Sư cô tân trụ trì tinh tấn tu hành, hoàn thành trách nhiệm được uỷ thác. Các cấp chính quyền, các tổ chức Phật tử đã phát biểu chào mừng Phật sự này.
Chùa Tây Thiên – Tây Thiên Quốc tự là một điểm nhấn quan trọng của khu Đại danh lam thắng cảnh Phật giáo Tây Thiên Tam Đảo, nằm ở độ cao hơn 800 mét trên lưng chừng của dãy núi lớn nhất, tại trung tâm của vườn quốc gia Tam Đảo, quanh năm mây vờn, giữa đại ngàn cổ thụ. Khác thập phương hành hương lên đó cần phải leo núi khoảng gần 10km, trên một con đường “độc đạo” lát đá, quanh co uốn lượn qua suối, qua đèo, tùng trúc sum suê, tươi tốt. Cảnh trí rừng già u tịch, cây cao bóng cả, thác suối tuôn reo, choáng ngợp không tả xiết.
Được biết Đại danh lam thắng cảnh Tây Thiên Tam Đảo là một trong là một trong những Trung tâm Phật giáo Phật giáo lớn và sớm nhất ở Việt
Đại đức Thích Thanh Phương cho biết, sơ bộ khảo sát một số thư tịch và dấu tích, truyền thuyết cổ cho thấy, tháp Phật ở thành Nê Lê trong lịch sử và chùa Địa Ngục ở đây có lẽ có liên quan với nhau và có từ thời Vua A Dục (Asoka) truyền giáo sang phương Đông, trước Tây lịch 300 năm.
Sách Giao Châu ký, thế kỷ III sau Tây lịch có ghi: “Thành Nê Lê ở phía đông nam huyện Định An, cách sông 7 dặm, tháp và giảng đường do vua A Dục lập vẫn còn, những người đốn củi gọi là kim tượng”. Nhiều ý kiến cho rằng chữ “nê lê” giải nghĩa là “bùn đen” và cho là ở Đồ Sơn – Hải Phòng ngày nay là không hợp lý. Chữ “nê lê” là phiên âm Hán của chữ Phạn Nakara, nghĩa gốc là Địa ngục. Chùa Tây Thiên vốn có tên là Địa Ngục tự [tên rất lạ!]. Và vị trí của huyện Định An rất có thể là vùng huyện Đông Anh – Hà nội và tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay, nơi trung tâm của nước ta thời Hùng Vương, Tam Đảo lại là núi thiêng cao nhất và gần nhất vùng đó, v.v.
Sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn thế kỷ XVIII [1776], quyển VI, Sơn Tây phong vực, đã có mô tả chân thực, đầy đủ về cảnh quan kiến trúc trác việt, cổ kính của khu trung tâm Phật giáo Tây Thiên cách đây khoảng 250 năm:
“Núi Tam Đảo ở địa phận 2 xã Lan đình và Sơn đình huyện Tam dương…3 ngọn cao chót vót đến tận mây xanh… ngọn giữa gọi là Kim thiên, ghềnh thác không biết bao nhiêu mà kể… Sườn núi có chùa Tây Thiên cổ tự nguy nga tráng lệ, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã rộng rãi; trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày. [bên phải] có một ngôi chùa vuông vắn hơn một trượng [hơn 10m2] tường nhà toàn bằng đá, cánh cửa hai bên khoá chặt lại toàn bằng khoá sắt lớn, trên có viên đá lớn khắc chữ triện là “Địa ngục tự”, không biết dựng từ đời nào. Tự hồ sen [dưới sườn núi] theo từng đợt mà đi lên chừng nửa dặm, đường lại bằng phẳng, có thành đá sừng sững, ở giữa có 3 nền bằng đất rất dài, lại có 8 toà đá vuông đứng sững, trông như hình dáng “Bát bộ kim cương”, có một bia đá lớn [dựng thêm vào] khắc chữ “La thành bất loạn” chế vào thời Minh thuộc [1408],…” v.v.
Các công trình khảo cổ và khảo cứu thư tịch gần đây cũng đã khẳng định Phật giáo chắc chắn đã xuất hiện ở đây trước thế kỷ X, qua các triều đại Lý Trần lại càng được tô bồi tố hảo. Ba ngôi tháp cổ có niên đại lâu đời hiện đã được trùng tu, chứng tỏ nơi đây đã có nhiều danh Tăng tu hành. Đến giữa thế kỷ XIX, do nhiều điều kiện khách quan nghịch duyên nên nơi đây đã bị suy tàn. Chỉ còn “nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Dân trong vùng trong khả năng hạn hẹp của mình chỉ duy tu được những am, đền nhỏ bé, lưu dấu mà thôi. Và có lẽ cũng từ đó, nơi đây thiếu vắng sự trụ trì của chư Tăng.
Sau khi thống nhất đất nước, đặc biệt sau khi công cuộc đổi mới ở nước ta khởi sắc, Trung tâm Phật giáo Tây Thiên đã được GHPGVN và các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm khôi phục:
Cố Thượng tọa Thích Viên Thành và sau đó trưởng pháp tử của Ngài là Đại đức Thích Minh Hiền đã chủ trì xây dựng lại khu Tây Thiên quốc tự. Tới nay các hạng mục chính đã cơ bản hoàn thành.
Hoà thượng Thích Thanh Từ cùng đệ tử là Đại đức Thích Kiến Nguyệt và chúng Phật tử cũng đã xây dựng xong và đưa vào hoạt động hệ thống Thiền viện Tây Thiên lớn bậc nhất ở nước ta.
Ni chúng Tịnh thất Tam Đảo hơn 50 vị cũng đã rất thành tựu trong quá trình xây dựng cơ sở thất cốc và tổ chức tu tập.
Đại đức Thích Thanh Phương và chúng đệ tử từ chốn Tổ Phú Thị – Gia Lâm – Hà Nội cũng đang khởi động xây dựng trung tâm chùa Vân Tự, một chốn tổ có lịch sử rất lâu đời, trải qua nhiều thế hệ Tổ sư truyền thừa trong lịch sử rất vẻ vang. Song tới nay, chốn tự viện nguy nga xưa kia chỉ còn là dĩ vãng, với cánh rừng đại ngàn và một gian Phật điện nhỏ nép mình dưới bóng cây rừng. Nguyện vọng và nhu cầu khôi phục lại Chùa Vân Tự của chúng Phật tử thập phương đang trĩu nặng trên đôi vai hoằng pháp của Tỳ kheo Thanh Phương cùng Tăng chúng Tổ đình.
Tất cả những nỗ lực hoằng hoá đạo Pháp đó đã, đang và sẽ khôi phục nhanh chóng trung tâm Phật giáo Tây Thiên.
Được biết, ngày 4/ 01/2007, Tăng ni Phật tử huyện mới Tam Đảo với hơn 100 Tăng Ni và hàng vạn cư sĩ Tại gia, chính thức Đại hội đại biểu thành lập ban Đại diện huyện hội, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Đại danh lam thắng cảnh Tây Thiên.