Một mùa Phật Đản nữa lại đang đến gần chúng ta, đến với những người con Phật của một đất nước có bề dày hơn hai ngàn năm Phật giáo.
Mỗi mùa Phật đản đến rồi đi như bao nhiêu chuyện thế sự diễn bày theo định luật tan hợp – xóa bày. Nhưng trải dài theo thời gian và bên cạnh là hoàn cảnh xã hội, thăng trầm thời cuộc, mỗi mùa Phật đản lại là một câu chuyện khác nhau, màu sắc khác nhau, như từng cánh cò âm thầm đã đáp nhẹ vào lòng người con Phật chúng ta biết bao là vui buồn chất chứa.
Nói một cách khác, tuy mỗi mùa Phật đản xưa nay âm thầm đến rồi đi nhưng những chuyện bất cập, nhức nhối vẫn còn để lại sau lưng, chưa thấy có bàn tay nỗ lực đổi mới tư duy dang ra chặn đứng, năm sau lại chồng thêm năm trước khiến chuyện tổ chức lễ Phật đản vốn ì ạch và cổ điển ngày càng thêm rối rắm.
Đến nỗi giờ đây việc tổ chức ngày đại lễ quan trọng nhất của Phật giáo này dường như là chuyện chẳng- đặng- đừng, không làm thì e rằng tội, còn làm thì như thế nào cũng là …Phật Đản!
Vì đâu nên nỗi?
Lang thang trên mạng, đó dây đã thấy xuất hiện ý kiến tiểu giang sơn để chỉ cho sự tụt hậu này. Đây không phải là phát hiện mới mẻ gì mà nó là thực trạng của (một xu thế) Phật giáo VN lâu nay, nhất là thời kỳ sinh hoạt Phật giáo được hanh thông.
Nếu chịu khó quan sát chúng ta sẽ không khó bắt gặp những tiểu giang sơn đó đã và đang tồn tại trước mắt.
Mỗi ngôi chùa, mỗi vị trụ trì và Phật tử trong xu thế này chính là một tiểu giang sơn ấy, một ốc đảo mà người ta cho rằng phải ra sức củng cố vì đó chính là nơi nuôi mình – giúp mình có vị trí nhất định và tin tưởng sẽ bền vững!
Cũng như thái độ đối với ngày đại lễ Phật đản, những xu thế này xem trách nhiệm mình đối với Giáo hội, với sự nghiệp phát triển Phật giáo đại chúng chỉ là nghĩa vụ đóng góp không hơn không kém. Từ ý nghĩa tổ chức cho đến tài chính từ thiện v.v…
Chúng ta thấy gì về vấn đề này khi mà – và chắc chắn sẽ lại tiếp tục tái diễn, mỗi chùa – đơn vị – quận – huyện đến với ngày lễ (sáng ngày rằm tại lễ đài chính thành phố) chỉ đơn thuần là nghe theo lệnh tập hợp hình thức một cách chắp vá (cho đủ số đông tối thiểu) rồi phải vội vã quay về gấp – nhanh để còn phải làm lễ Phật đản tại chùa mình, đơn vị mình.
Đó mới chính là sự quan tâm chính yếu!
Nhưng cho dẫu là vậy đi chăng nữa thì việc những xu thế này gắn bó với Chùa – đơn vị – đạo tràng mình quá gần gũi, thế nhưng tại sao không khuyến khích nổi một vài Phật tử của mình về nhà treo một là cờ KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN! Và đây mới chính là câu trả lời: Do là một tiểu giang sơn nên việc được – mất ngoài nó không là mối bận tâm.
Từ đây, nhìn sang nhiều nơi khác, có chùa đã phải quên đi cái tiểu giang sơn nhỏ bé nhiều mặt của mình mà đưa ngày lễ Phật đản sinh ra ngoài với tha nhân, dù chỉ là một chiếc đèn lồng bé nhỏ hay một lá cờ Phật bằng giấy nhưng hàm chứa trong ấy là biết bao tâm tha lực, vì tương lai Phật giáo, vì thế hệ hoằng khai mai sau.
Xin được cúi đầu cảm phục nghĩa cử vì sự nghiệp chung này của những vị – những chùa – đơn vị đạo tràng như thế mỗi mùa Phật đản.
Mỗi năm, mỗi mùa Phật Đản, theo tôi có ba việc nổi cộm nhất, luôn gây bức bối những ai có chút tấm lòng thiết tha với ngày đại lễ này. Ấy là Lễ Đài chính – Diễu Hành Xe Hoa và quan trọng nhất vẫn là chuyện treo cờ Phật giáo tại tư gia Phật tử.
Chỉ riêng mỗi việc treo cờ thôi mà nhiều chục năm nay, kể từ khi bạo quyền nhà Ngô giật liệng xuống đất, đến hôm nay, chúng ta vẫn chưa đưa lên trở lại đầy đủ nơi vị trí XỨNG ĐÁNG xưa kia nó bị giựt đổ.
Chứng tỏ chúng ta vẫn còn khiếm khuyết tư duy tổ chức và nhất là chưa trang bị cho mình một tinh thần cầu thị. Có thể ai đó nói tất cả tại tâm mà thôi, không cần hình thức.
Nhưng đối với quần chúng Phật tử, đối với những vị truyền bá chính pháp thời hiện đại, việc bỏ qua cái gọi là không cần hình thức đó sẽ bị xem là một tố chất khuyết tật tư duy, bạn đồng hành với sự tụt hậu đáng chê trách.
Khi chưa di dời về nơi định cư mới hôm nay, nhà tôi ở số 178 đường Cây Bàng, phường Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM. Ngày lễ Phật đản Liên Hiệp quốc (Vesak) 2552-2008), cờ lớn nhỏ tôi treo rợp sáng cả một khúc ven song Sài Gòn suốt một tuần lễ Phật Đản.
Năm sau cũng thế.
Tất nhiên với bà con chung quanh có ngõ ý treo tôi cũng mua tặng cho những lá cờ Phật giáo to lớn để cùng tôi treo. Nhiều người không hiểu, đi ngang nhìn thấy rồi nói rằng “Nhà gì mà giống cái chùa”.
Buồn là chỉ vì họ không biết giống cái chùa thì có chi gọi là xấu, nhưng đau buồn nhất là chung quanh tôi có không ít Phật tử của các chùa, Tịnh xá mà họ chưa hề biết treo một lá, đừng nói chi đèn hoa cờ xí lớn nhỏ như mình, lại còn dè bỉu rằng “Phật có cần hình thức vậy đâu.”
Có vị còn quả quyết hơn “Xí! Làm cho thiên hạ biết mình tu”!
Tôi xin lặp lại, đây chính là những lời nói của những người Phật tử được nghe giảng, tu học thường xuyên, bài viết này không tiện nêu tên.
Bây giờ nơi ở mới của tôi, gần sát bên giáo cứ Gia tô giáo, tối ngày nghe chuông đổ đinh tai nhức óc, nhưng hai năm nay nhà tôi và gia đình tôi kế bên, mỗi mùa Phật đản lại cũng phải treo hai là cờ to đẹp mà lòng tràn ngập niềm tự hào vô biên, mặc cho ai đó ngạc nhiên hay khen ngợi, nhưng dù gì thì không còn nghe những lời chê khen từ chính những vị được tu học ở các đạo tràng thốt ra.
Khổ nỗi, căn nhà mới hiện nay của tôi giữa vòng vây xóm đạo Gia tô lạ có tượng Bồ tát Quan Âm lộ thiên ở trước ban công nữa chứ! Nếu vẫn còn gần gũi những Phật tử có tu học nọ chắc chắn tôi sẽ nhận được lời “khen” là “Càng giống chùa” hơn.
Hiện tại tôi lại đang náo nức chuẩn bị cờ đèn, để trang trí cho ngày Phật đản sắp đến. Vâng! Tôi thích cái hình thức này vì nó đã là truyền thống của gia đình tôi, của tấm lòng mình dành cho ngày Phật đản thân thương nhất trong đời. Và nhất là hiện tại tôi và gia đình sống xa chùa.
Treo cờ Phật giáo ngày đản sinh Đức Từ phụ có là hình thức hay không thì có lẽ tôi xin dành câu trả lời cho những đạo tràng xưa nay vốn nổi tiếng có số lượng người tham gia tu học nhiều nhất và thường xuyên nhất. Trong đó có không ít vị giảng sư trẻ tôi luôn mến mộ tài đức.
Viết trong nỗi niềm hoài mong.