Trang chủ Đời sống Ẩm thực chay TP.HCM: Ra mắt CLB Unesco Văn hóa ẩm thực chay

TP.HCM: Ra mắt CLB Unesco Văn hóa ẩm thực chay

432

Vấn đề ăn chay không còn mới mẻ với Việt Nam và trên thế giới qua các phương tiện truyền thông hiện nay. Nội dung hoạt động của CLB Văn hóa Ẩm thực chay là làm thế nào cùng cộng đồng người Việt Nam cùng nhân loại trên thế giới chung tay chống lại biến đổi khí hậu bằng cách thay đổi phong cách văn hóa ăn uống hợp lý hàng ngày bằng chế độ ăn chay. 

Câu lạc bộ có kế hoạch phối hợp với các ban, ngành sẽ tổ chức các cuộc tọa đàm ăn chay tại các cơ sở sản xuất, tại các trường học, các ngành nghề phổ biến mục đích ý nghĩa và lợi ích đa chiều, đa dạng từ việc ăn chay. Làm sao để người ăn chay kỳ tăng thêm ngày ăn chay trong tuần, trong tháng. Người chưa ăn chay sẽ hiểu biết ý nghĩa và làm quen dần với ăn chay.

CLB sẽ tổ chức Chương trình “Con đường ăn chay”, làm sao thu hút cộng đồng người Việt Nam chung tay với nhân loại không phân biệt màu da, không phân biệt giới chức, không phân biệt giới tính, không phân biệt ngành nghề cùng đồng hành trên “Con đường ăn chay”, chống sát sinh, bảo vệ môi trường.

Trung tâm Unesco Phát triển Văn hóa Ẩm thực sẽ cùng ban chủ nhiệm CLB Văn hóa Ẩm thực chay thành lập Dự án trình lên Chính phủ đề nghị thành lập “Ngày ăn chay Việt Nam” trong dịp Đại hội thế giới các Hội Unesco diễn ra tại Việt Nam vào trung tuần tháng 8/2011.

Trong thời gian trao đổi kinh nghiệm ăn chay của buổi lễ ra mắt CLB, dưới hàng ghế khách tham dự, bác sĩ Nguyễn Lân Đính, nguyên là giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh đã nói lên những lợi ích của việc ăn chay với kinh nghiệm của cá nhân ông.

Bà Nguyễn Thị Lộc ở TP Đà Lạt – là hội viên mới gia nhập câu lạc bộ Unesco VH Ẩm thực chay cũng cho biết: “Đà Lạt là xứ lạnh quanh năm nên cơ thể con người dễ lên cân. Trước đây tôi không để ý chế độ ăn uống, thích món gì là ăn thoải mái nên tôi nặng trên 60 ký. Là phụ nữ quản lý một công ty mà mập quá thì hơi khó coi trong giao tiếp. Tôi đã ăn chay trường 6 năm nay, nhờ đó tôi đã giảm được trên 10 ký”.

Thầy Thích Minh Tông trụ trì chùa Tè ở Hà Nội cũng vào tham dự, phát biểu: “Nếu chúng ta thực hiện ăn chay sẽ bảo vệ sức khỏe, chống sát sinh. Loài động vật thì mới ăn thịt, vì chúng có răng nanh dùng để xé thịt sống. Con người có bộ răng bằng chỉ phù hợp với các loại thức ăn thực vật. Thực tế những người thường ăn thịt đỏ thì tính hay nóng giận thậm chí hung dữ. Không chỉ Phật giáo mới ăn chay mà các tôn giáo khác trên thế giới cũng ăn chay vì nhân đạo”.

Bà Hồ Thị Hương Thu – Chánh văn phòng Chi nhánh Liên hiệp các Hội Unesco tại TP Hồ Chí Minh, phát biểu: “CLB Văn hóa ẩm thực chay có Chương trình “Con đường ăn chay” và lập dự án đề nghị Nhà nước thành lập “Ngày ăn chay Việt Nam” là rất ý nghĩa.

Ăn chay để bảo vệ động vật, thực hiện chế độ ăn chay sẽ tiết kiệm nhiên liệu chuyên chở, điện năng tiêu thụ, tiết kiệm chất đốt, giảm mức độ xả khí thải vào môi trường. Tất cả vì mục đích bảo vệ sức khỏe, bảo vệ hạnh phúc gia đình và bảo vệ hành tinh của chúng ta.

Vì vậy, thành lập Ngày ăn chay Việt Nam – Tại sao không? Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ hai Chương trình lớn này của câu lạc bộ”. 

Đại dức Thích Minh Tông đã thể hiện sự ủng hộ việc ra đời của CLB Unesco Văn hóa Ẩm thực chay rất cao cả bằng cách tự bỏ tiền đi chợ mua thực phẩm về tự sơ chế đến khuya, 3 giờ sáng ngày 9/4 thầy Minh Tông đã tự tay chế biến gần 30 món ăn chay cho trên 60 thành viên tham dự thưởng thức bữa buffet chay.

100% khách thưởng thức đều cùng chung 2 từ “quá ngon”.

Kết thúc buổi lễ ra mắt CLB, thầy Minh Tông đã ra ngay sân bay để trở về chùa của mình.

Hầu hết các thành viên tham dự trong buổi lễ ra mắt này đều chung một khẳng định: Ăn chay là nét văn hóa ăn uống đẹp nhất, là phong cách ăn uống tri ân nhất với trái đất, là thể hiện cách ăn uống nhân văn nhất của nhân loại.

N.T