Thấy trong cơn mưa, rõ ràng đã có sự thay đổi. Mưa nhắc tôi nhớ đến hội chùa Tây Phương, chùa Thầy lại mở vào cuối tuần này.
Ngày bé, cữ này hàng năm, khi mưa dồn dập đổ, người quê tôi bảo: “Mưa rửa núi”. Trời trút nước ào ào xuống gột rửa núi Thầy (chùa Thầy) hay núi Câu Lậu (chùa Tây Phương) để ngày khai hội chùa luôn diễn ra trong sự thanh khiết.
Sau cơn mưa rửa núi, dân làng Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) và các vùng lân cận nô nức trong cảnh “Nhớ ngày mồng sáu tháng ba/ Ăn cơm với cà đi hội chùa Tây”.
Chùa Tây Phương là ngôi chùa cổ thứ hai (sau chùa Dâu) ở Bắc Bộ và cũng là một trung tâm tín ngưỡng mà nhiều thế hệ người Việt đến thành kính, lễ bái. Quanh năm du khách thập phương và người dân đến đây thắp nhang lễ Phật, nhưng vào chính hội, lượng người đổ về đây rất đông.
Vượt qua hơn 200 bậc đá ong đặc trưng xứ này, ngôi chùa có niên đại hơn nghìn năm lịch sử hiện ra trước mắt với kiến trúc độc đáo, nhiều mái đao cong vút, cổ kính.
Đặc biệt, chùa có bộ tượng Phật gồm 72 pho tượng quý và đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng, khiến nhà thơ Huy Cận năm 1960 sau khi đến thăm chùa đã làm bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” khiến bao nhiêu người Việt đã học, đã đọc và ghi nhớ trong lòng.
Cơn mưa rửa núi cũng thực sự có ý nghĩa với chùa Thầy.
Khác với chùa Tây Phương, chùa Thầy nằm trên núi đá vôi rộng lớn. Dưới chân núi Thầy có hồ Long Trì, thủy đình và hai cây cầu Nguyệt Tiên kiều, Nhật Tiên kiều cong cong nổi tiếng. Lên được đỉnh núi Thầy, du khách phải vượt qua hàng trăm bậc đá uốn lượn quanh những vách đá vôi hình thù đẹp mắt.
Nếu không có những trận mưa lớn như thế này, thì khó có ai có thể dọn sạch được những đỉnh núi.
Sau đó, còn một trận mưa to nữa, đó là trận “mưa cất núi”, trả lại sự thanh sạch cho chùa sau những ngày lễ hội.
Năm nay, dù bận bịu không thể về dự hội của hai ngôi chùa này, nhưng ở trung tâm Hà Nội, tôi vẫn ngóng từng cơn mưa, để biết những cơn mưa ấy có ý nghĩa thế nào với mình và với mọi người.