Trong cuộc sống hàng ngày, con người bị tâm tham, sân, si chi phối thường xuyên. Với người đời, ta có thể khuyên nhắc đừng tham, đừng sân như một bài học luân lý đạo đức. Nhưng với người hành đạo, Đức Phật chỉ dạy phương pháp đối trị trực tiếp. Ngài dạy, “ Khi tâm có tham biết tâm có tham”, tức chỉ cần niệm “tham, tham” khi tâm tham; “khi tâm có sân, biết tâm có sân” tức là chỉ cần niệm “sân, sân” khi tâm sân, “khi tâm có si, biết rằng tâm có si” tức là chỉ cần niệm “si, si” khi tâm si… Tâm như thế nào, hành giả biết rõ tâm như thế ấy. Hành giả chỉ cần nhận biết rằng ngay trong khoảnh khắc hiện tại này tham, sân hay si đang có mặt mà không xua đuổi, phủ nhận, hay cầu nguyện cho chúng biến đi. Hành giả chỉ cần ghi nhận tâm mình đang như vậy là đủ.
Cũng giống như chuyển động phồng xẹp (thân) hay cơn đau (thọ) trước đây được chọn làm đề mục, trạng thái tâm tham hay tâm sân bây giờ đang sanh khởi nổi bật nên là đối tượng của sự chú niệm. Ta chánh niệm ghi nhận đối tượng là để hiểu rõ đối tượng. Niệm tâm tham, tâm sân hay tâm si là để nhận rõ bản chất, sự sanh diệt của chúng trong từng phút, từng giây hay trong từng khoảnh khắc. Đó là phép quán tâm hay niệm tâm.
Nếu quên không ghi nhận kịp thời các trạng thái tâm sanh khởi nổi bật , khi nhớ lại chúng đã qua rồi, ta nên niệm là “quên, quên”, không bực bội và cũng không ân hận. Niệm tâm là khách quan ghi nhận chứ không khó chịu với các trạng thái như tham, sân, hôn trầm, lười biếng đang nổi bật trong tâm. Nếu không niệm thì chúng sẽ ở lâu hơn. Nếu chánh niệm đầy đủ, ta ngăn ngừa được sự sanh khởi của chúng hay có thể phát hiện, đoạn trừ chúng ngay từ lúc vừa mới khởi sanh.
Tất cả các hiện tượng danh sắc hay các pháp hữu vi do điều kiện tạo thành trên thế gian này đều có tánh sanh diệt. Thân, thọ, tâm, pháp cũng đều như vậy cả. Niệm và kinh nghiệm được đặc tính chung này, ta sẽ không sợ hãi, bực bội tham, sân, hay si sanh khởi lên. Trong cõi dục giới đầy dẫy ham muốn này, ngoại trừ các vị A-la-hán, không ai mà không có tham, sân, si. Các tâm này trì kéo tâm con người rất dẽo dai như sợi dây thun càng kéo dãn ra càng rút mạnh trở lại nên thật khó thoát ra khỏi sự ràng buộc của chúng.
Tham, sân, si tuy không thường trực trong tâm nhưng nếu không biết cách niệm thì không bao giờ diệt trừ được chúng vì chúng luôn ẩn nấp, ngủ ngầm trong tâm. Niệm Phật chỉ là cách đè nén tâm tạm thời vì khi không có đối tượng Phật, tâm gặp các đối tượng khác, hoặc là vừa ý hoặc à không vừa ý , lập tức tham, sân, si sẽ nổi lên. Trong khi hành thiền, nếu tham, sân, si hiện lên, tâm chỉ đơn thuần ghi nhận chúng mà không phê phán, không đánh giá gì cả.
Phải hành thiền với thái độ tự giác đúng đắn, chơn thật. Khi trình pháp, nên thành thật trình bày những kinh nghiệm của mình dù tốt hay xấu. Đừng sợ thiền sư cười mà che dấu những gì mình cho là không tốt. Chỉ có thiền sư mới đủ khả năng biết về thành quả thiền tập của thiền sinh; cho nên, thiền sinh tránh tự phê phán về tiến bộ thực tập của mình. Do thiền sinh thành thật, thiền sư mới biết được sức tinh tấn, cách hành trì đến đâu để hướng dẫn, nhắc bảo cho có kết quả.
Jhāna được dịch là thiền với ý nghĩa là sự theo dõi đề mục kỹ càng, chính xác, lặp đi lặp lại để phát triển tâm định. Jhāna cũng có nghĩa là tâm định liên hệ đến các tầng thiền. Trong thiền Vắng Lặng có các tầng thiền của thiền Vắng Lặng và tâm định là cận định hay toàn định. Trong thiền Minh Sát Niệm Xứ có các tầng thiền của thiền Minh Sát Niệm Xứ và tâm định là sát na định hay chập định tức là sự định tâm trong từng khoảnh khắc. Chập định khi được phát triển mạnh mẽ có sức mạnh tương đương với toàn định. Trong thiền Minh Sát Niệm Xứ, tâm định là tâm an trụ và thấy rõ đối tượng trong từng khoảnh khắc. Tâm định như vậy là tâm không suy nghĩ hay tâm vắng mặt các trạng thái bất thiện như tham, sân, si nên trong sạch. Khoảnh khắc nào mà tâm an trụ trên đề mục thiền, không bị quá khứ hay tương lai chi phối, tham, sân, si vắng mặt thì tâm trong sạch, nhẹ nhàng, giải thoát ngay trong khoảnh khắc đó.
Đức Phật không dạy phép niệm tâm riêng biệt hay trong khi hành thiền chỉ niệm tâm không mà thôi. Theo pháp hành Minh Sát Niệm Xứ được ghi lại trong kinh điển, hành giả thực hành cả bốn phép quán là niệm thân,niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp, vì trong con người các hiện tượng danh sắc hay thân tâm sanh diệt không ngừng và tương quan với nhau. Tùy theo hiện tượng sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan trong khoảnh khắc hiện tại như thế nào, hành giả ứng dụng thích nghi một trong bốn phép quán niệm ngay khoảnh khắc ấy. Nếu hiện tượng sanh khởi thuộc thân, hành giả niệm thân; nếu hiện tượng là cảm thọ, hành giả niệm thọ; nếu hiện tượng là tâm, hành giả niệm tâm; nếu hiện tượng là đối tượng tổng quát của tâm như nghe thấy, hành giả niệm pháp.
Tóm lại, theo phép niệm tâm được Đức Phật dạy, hành giả chỉ ghi nhận trạng thái tâm sanh khởi khi nào nó nổi bật hơn các hiện tượng khác ngay trong khoảnh khắc hiện tại mà thôi. Trong trường hợp này, tâm như thế nào, tâm như thế nào, hành giả khách quan ghi nhận như thế ấy. Nhờ quán đúng theo sự chỉ dạy như vậy, hành giả thanh lọc được tâm trong sạch để tuệ giác phát sinh. Đó là phép niệm tâm.
Theo: Vài làn hương Pháp
Trích soạn: Thitasīla Thùy Khanh, ban Tu Thư Như Lai Thiền Viện hiệu đính