Trang chủ PGVN GHPGVN Những giải pháp cho việc phát triển bền vững GHPGVN trong tương...

Những giải pháp cho việc phát triển bền vững GHPGVN trong tương lai

59

1. Mở trường lớp đào tạo Tăng tài Nội trú (Phật học viện) trên khắp đất nước.


2. Giúp đỡ, khuyến khích giới Tăng sinh trẻ phải luôn luôn mến đạo, yêu quê hương và dân tộc. Để xứng đáng là lớp kế thừa tốt đẹp nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đủ sức hướng dẫn những người tin Phật gia nhập vào Giáo hội.


3. Giáo dục Tu sĩ luôn giữ thân tâm trong sạch, đạo đức trong tinh thần bất vụ lợi, không đắm say thế lợi. Tích cực hành động cho hòa bình thế giới. Từ chối việc tham gia vào bất cứ một liên minh lực lượng nào và nhất là Tu sĩ không tham gia hay ủng hộ và tham dự các cuộc biểu tình “mitting” hay bất cứ tổ chức chính trị nào.


4. Đào tạo các Tu sĩ có khả năng kiến thức trở thành kiến trúc sư của Phật giáo, của Giáo hội, có đủ tài trí phát triển văn hóa Phật giáo và mỹ thuật theo đúng tiêu đề Phật giáo.


5. Trùng tu, xây dựng những danh lam Phật tích.


6. Thống nhất nghi thức hành lễ trên toàn quốc.


7. GHPGVN gởi Thông tư đến xã Tỉnh Giáo hội. Ra lệnh phải bảo tồn di sản văn hóa của Phật giáo nơi địa phương mình quản lý.


8. Đặt kế hoạch cho mỗi Tỉnh hội phải được một viện mồ côi, nơi tá túc cho người già neo đơn. Một phòng chuyên phát hành kinh sách Phật giáo tự do cho dân chúng.


9. GHPGVN có chương trình thuyết pháp hằng tháng tại các vùng sâu vùng xa đô thị và tỉnh thị.


10. GHPGVN chọn lựa đề cử Tăng sĩ đã tốt nghiệp các Khóa Phật học về trụ trì các chùa làng xưa chưa có trụ trì và GHPG Tỉnh phải thường xuyên thăm hỏi, an ủi, khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các vị Tăng sĩ trụ trì an tâm hành đạo.


11. Coi trọng việc giáo dục đạo đức cho hàng Cư sĩ, nhất là ngành Gia đình Phật tử.


Thời gian tới đây của thế kỷ 21, Phật giáo chắc chắn sẽ có nhiều sự thay đổi mà Giáo lý Đại thừa của Đấng Giác ngộ vẫn là nền tảng căn bản để phát triển Phật giáo trên toàn thế giới, không riêng gì cho Việt Nam.


Khoa học phát triển mạnh chừng nào thì giá trị tinh thần Phật giáo càng tăng cao vượt bội.


Hiện nay, đầu thể kỷ 21 này, một Lễ Phật đản năm PL. 2550 đã được tổ chức tại Thái Lan, điều này đã chứng tỏ toàn thế giới đang dần chuyển hướng để quay về với những niềm tin chứa bên trong tôn giáo của Đức Phật.


Xã hội loài người hôm nay đang chuyển từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên thông tin. Nhờ sự phát triển khoa học cao, làm phương tiện cho dân trí các tầng lớp người trong xã hội có nhiều thay đổi từ văn minh vật chất sang văn minh tri thức. Sự thay đổi này buộc các vị Tu sĩ, Tăng già phải luôn luôn sống đúng phạm hạnh của một vị xuất gia, làm đúng theo lời Phật dạy, nghiêm giữ giới luật để áp dụng khả thi bảo tồn giáo pháp và phát triển niềm tin Chánh pháp.
Đoàn Tăng già phải biết rằng: Chính mình là người duy trì mạng mạch của giáo pháp Như Lai, là thế hệ kế thừa tài sản của Đức Giác Ngộ”.


Tại thời điểm này, một trong ba ngôi báu Tam bảo đó là Tăng bảo vẫn tồn tại đã 2.550 năm qua. Nhờ các vị Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni đã ý thức được sự tối thượng siêu việt chân lý chánh pháp.


Lớp Tăng già phải luôn tư duy và chấp nhận xả thân cho Đạo, cho đời. Biết ban vui, giảm đau khổ cho con người trong xã hội. Biết lấy tình thương làm lẽ sống chân chính cho hàng xuất gia. Biết đem sức mạnh giáo dục trong thời kỷ nguyên thông tin này gieo hạt giống đạo đức trên quê hương đất nước và toàn thế giới, qua Internet. Muốn làm được như thế, Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni phải tự mình nâng cao trình độ tri thức mà nhất là phần kinh điển phải làu thông, sẵn sàng trả lời khi một Phật tử có yêu cầu tìm hiểu các sự việc có liên quan trực tiếp đến phần Giáo điển. Sẵn sàng giải thích rõ ràng về Phật pháp cho các Cư sĩ tại gia và cho tất cả mọi người khi học muốn tìm hiểu về Phật pháp.


Các vị Tu sĩ phải luôn nhớ câu trả lời của Đức Phật khi có người được hỏi rằng: Làm thế nào để một giọt nước có thể chẳng bao giờ khô đi. Đức Phật trả lời:“Hãy cho nó vào biển cả. Khi các vị Tu sĩ trả lời xong bất cứ một câu hỏi nào dù dễ hay khó mấy đi nữa vẫn giữ thái độ bình thản khiêm hạ với mọi người. Tất nhiên sự kính trọng được tài bồi thêm gấp bội.


Sự tồn tại của đoàn Tăng già luôn gắn liền với mối quan hệ cộng đồng của hàng Phật tử tại gia.


Tương lai của Phật giáo và Giáo hội có phát triển tốt đẹp hay không là phần lớn ở lớp Tăng già kế thừa có được Giáo hội Phật giáo đào tạo đúng chất lượng hay không?


Tôn giáo là người đồng hành cùng loài người trong xã hội kể từ khi xã hội mới phát triển. Đây là một nhu cầu tâm linh của con người đồng thời cũng là một bộ phận không thể tách rời ra khỏi lịch sử văn minh nhân loại.


Kính chúc sức khỏe đến Quý Tôn đức và Đại biểu.


Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.