Kính thưa Quý vị,
Khi đề cập đến sự phát triển bền vững và trang nghiêm Giáo hội, thì có nhiều nhân tố khác nhau, tuy nhiên yếu tố con người giữ một vị trí trọng yếu. Nhưng những con người đó phải được giáo dục – đào tạo ra sao ? Đó là một vấn đề mà Giáo hội đã, đang và sẽ rất quan tâm trong xu thế hội nhập, phát triển về mọi mặt của Giáo hội và đất nước. Truyền thống đoàn kết hòa hợp tuy là điều kiện tiên quyết để Phật nhựt tăng huy, pháp luân thường chuyển, làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam xán lạn huy hoàng, luôn là thành viên quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhưng nếu chỉ dừng lại đó thì chưa thể nói lên sự phát triển toàn diện của Giáo hội. Vì vậy, Giáo hội phải có một đội ngũ Tăng Ni trẻ thực tài và đầy đủ đạo đức, vừa hồng vừa chuyên, có trình độ và năng lực tương ứng với sự phát triển toàn diện của Giáo hội. Muốn được thế thì Tăng Ni trẻ phải được giáo dục – đào tạo một cách chính quy, vừa phù hợp với truyền thống và vừa bắt kịp sự phát triển của thời đại.
Nhân Hội thảo hôm nay, chúng tôi xin trình bày tham luận với nội dung “Giáo dục là một trong những nhân tố phát triển và trang nghiêm Giáo hội”. Vấn đề giáo dục – đào tạo luôn được các cấp Giáo hội xem trọng, là một trong những Phật sự quan trọng được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Giáo hội có một hệ thống giáo dục – đào tạo đồng bộ như thế, nhưng lại phát sinh một thực trạng thừa về số lượng, thiếu về chất lượng. Với nội dung tham luận vừa nêu, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần tích cực vào việc nghiên cứu tìm ra giải pháp khả thi trong việc giáo dục – đào tạo một đội ngũ Tăng Ni trẻ có trình độ, năng lực ở nhiều lĩnh vực khác nhau và có thể đảm đương những trọng trách được Giáo hội tín nhiệm giao phó sau này.
Kính thưa Quý Đại biểu,
Hệ thống giáo dục – đào tạo của Giáo hội hiện nay là rất tốt, nhưng trong xu thế hiện nay, Tăng Ni trẻ khi tốt nghiệp các trường Phật học chỉ giỏi về Phật học. Thuyết pháp, giảng kinh thì không thiếu người, nhưng những lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, hành chánh Giáo hội v.v… thì rất ít Tăng Ni trẻ am tường. Việc giảng dạy tại các Trường Trung cấp, Cao đẳng, lớp Sơ cấp Phật Học, giảng dạy môn văn, môn toán, công dân giáo dục đều phải mời Giáo viên bên ngoài, thậm chí môn Hán cổ cũng không có nhiều Tăng Ni trẻ có thể đảm trách được.
Ngược dòng lịch sử 2.000 năm Phật giáo Việt Nam, chúng ta thấy các bậc cao Tăng vừa là bậc chân tu, vừa là nhà văn, nhà thơ, thậm chí có vị là những danh y lỗi lạc v.v… Chúng ta thấy cách giáo dục – đào tạo của người xưa là giáo dục – đào tạo sự căn cơ, tài đức trọn vẹn, uyên thâm chân đế và tục đế, vừa hồng vừa chuyên trên nhiều lĩnh vực đối với thế hệ kế thừa.
Nguyên nhân của vấn đề này ở đâu ? Tại sao trước đây với nhiều điều kiện khó khăn, thế nhưng các bậc Tôn đức tiền bối đạt đến trình độ Phật học lẫn thế học uyên thâm, đức tài đầy đủ. Hôm nay điều kiện học tập rất tốt, Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôn giáo nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng hoạt động, nhưng một bộ phận Tăng Ni trẻ có trình độ chưa đáp ứng được sự phát triển của Giáo hội. Theo chúng tôi, môi trường tốt nhất trong việc giáo dục – đào tạo, nếu ở thế gian là gia đình, trong đạo là các Tự viện. Chúng tôi trình bày vấn đề này không phải trách cứ trách nhiệm của vị Trụ trì Tự viện, mà nhằm mục đích để cùng nhau nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong việc giáo dục thế hệ Tăng Ni trẻ kế thừa. Dù điều kiện thuận lợi hay khó khăn thì vị Thầy bổn sư vẫn là người Thầy có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục, truyền trao những kiến thức Phật học và thế học cơ bản hay chuyên sâu cho đệ tử, khích lệ họ phấn đấu tu học và vươn lên để trở thành những người hữu ích cho đất nước và Giáo hội, nhưng chủ yếu vẫn là sự tự thân phấn đấu của mỗi Tăng Ni trẻ.
Đất nước và Giáo hội không ngừng phát triển về mọi mặt, nhưng hiện nay đã xuất hiện thực trạng một bộ phận Tăng Ni trẻ giảm sút về trình độ, năng lực, đạo đức và nếu không chấn chỉnh kịp thời có thể sẽ trở thành nguy cơ cho một giai đoạn suy thoái mới của Phật giáo trong tương lai không xa. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên chính là các Tăng Ni trẻ tự đánh mất ý chí vươn lên, tự đánh mất hoài bảo của mình khi mới thế phát xuất gia, mặc dù các bậc Thầy bổn sư thường xuyên sách tấn, động viên sự tu học. Bên cạnh đó, chúng ta những người đi trước cũng có một phần trách nhiệm là chưa có chiến lược giáo dục – đào tạo lâu dài ở từng lĩnh vực chuyên môn, chuyên sâu trong xu thế đi lên của thời đại và của xã hội. Theo chúng tôi, trong công tác giáo dục – đào tạo, chúng ta có quan tâm nhưng chưa quan tâm đúng sở nguyện của Tăng Ni trẻ, có khi họ thích học môn này chúng ta ép học môn khác. Để làm cho giáo dục luôn là đại kế trăm năm, chúng tôi mạn phép đề xuất một vài giải pháp như sau:
1. Chúng ta dễ dàng nhận thấy các bậc tiền nhân Phật giáo sử dụng khái niệm tu học một cách hệ thống. Có nghĩa tu phải thuận thứ xuôi dòng không có đột biến, việc học cũng như thế phải từ Sơ cấp đến Trung cấp và cao hơn. Nếu tuyển sinh một cấp học nào đó mà Tăng Ni sinh không có trình độ căn bản Phật học, không nên đánh đồng Trường Phật học với Trường Đại học. Tuy Trường Đại học có Khoa Phật Học những đó là đào tạo những người chuyên nghiên cứu, khác với Trường Phật học là nơi chuyên đào tạo những nhà hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp trong tương lai. Thử đặt vấn đề, với một nền móng không vững chắc về Phật học, thì khi tốt nghiệp những Tăng Ni này phục vụ Đạo pháp như thế nào, xương minh Phật pháp ra sao. Bởi vì bản thân những Tăng Ni đó có trình Phật Học không căn bản, đó giống như xây lâu đài trên cát. Đây là một vấn đề Lãnh đạo Giáo hội cần đặc biệt quan tâm để có quyết sách hợp lý trong khâu giáo dục – đào tạo. Chỉ cần duy ý chí thì kết quả chúng ta sẽ có một đội ngũ Tăng Ni trẻ kế thừa không có căn bản Phật pháp trong tu học, thực tài nhưng không đạo đức.
2. Việc tu học có tác dụng tương quan tương duyên lẫn nhau, do đó hệ thống giáo dục – đào tạo phải xét đến trình độ căn bản Phật Học. Ngoài xã hội cũng thế, muốn thi tuyển đại học, thì thí sinh phải tốt nghiệp cấp III (Trung học Phổ thông) và các cấp học cao hơn cũng thế. Hiện nay có khuynh hướng tuyển sinh vào Học viện Phật giáo không cần bằng Trung cấp Phật Học, theo chúng tôi nếu khuynh hướng này được triển khai thực hiện thì thực sự là mối nguy hại cho đạo pháp trong tương lai. Chúng tôi đề nghị Lãnh đạo Giáo hội cần nghiên cứu lại và việc tuyển sinh nên tuân thủ tuyển sinh theo quỹ đạo tuyển sinh như lâu nay. Có nghĩa là thi vào cấp học cao hơn phải tốt nghiệp học lực của cấp dưới. Không phải chúng ta mới áp dụng quỹ đạo này, mà ngoài xã hội và trên thế giới cũng không đi ngoài quỹ đạo tuyển sinh này.
3. Muốn thành tựu giác ngộ giải thoát cho mình và cho người, đệ tử Phật ngoài việc làu thông 03 tạng thánh điển, thành tựu Ngũ minh mà còn phải am tường tục đế, nói theo thuật ngữ chuyên môn là Tăng Ni trẻ phải biết “Quán đãi đạo lý” trong mọi hành xử. Nếu chỉ dừng lại ở mặt chân đế thì việc xương minh đạo pháp thì ít nhiều sẽ bị hạn chế trong điều kiện nền kinh tế tri thức đã, đang và sẽ chi phối đến toàn bộ đời sống xã hội. Tuy Thầy bổn sư luôn có trách nhiệm giáo dục đệ tử trở thành người hữu ích, nhưng trách nhiệm thiêng liêng này cần được Giáo hội công nhận bằng những quy định cụ thể. Có nghĩa vấn đề này cần được thể chế trong Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội, phân công cho Thầy bổn sư chịu trách nhiệm thay mặt Giáo hội giáo dục vở lòng cho các Tăng Ni trẻ khi mới vào Tự viện. Sau thời gian tập sự theo quy định của Giáo hội, khi đăng đàn thọ giới, phần khảo hạch phải thật nghiêm túc. Những Tăng Ni giới tử nào không trúng tuyển kỳ khảo hạch của đàn giới thì Thầy bổn sư phải chịu trách nhiệm trước Giáo hội, đồng thời phải chịu trách nhiệm với Giáo hội nếu không gởi đệ tử theo học các trường Phật Học các cấp. Thời gian qua chúng ta quá dễ dãi trong khảo hạch, không chế độ buộc đào tạo, từ đó làm cho chất lượng Tăng Ni có dấu hiệu giảm sút. Nếu áp dụng thành công giải pháp này, chúng tôi tin chắc trình độ, đạo đức của Tăng Ni trẻ từng bước sẽ được nâng cao.
4. Chúng tôi đề nghị Giáo hội nên nghiên cứu chương trình giáo dục Trung cấp và Cao đẳng Phật học, ở hai năm cuối nên có chuyên ban để Tăng Ni sinh theo học và mới có thể phát huy sở tu sở học của họ sau khi tốt nghiệp. Ở cấp học cao hơn – Học viện nên có nhiều phân ban cho Tăng Ni sinh chọn theo sở nguyện của họ. Nếu được vậy, Giáo hội vừa có một đội ngũ Tăng Ni trẻ giỏi chuyên môn, chuyên sâu, đồng thời chúng tôn trọng sở nguyện của đàn hậu tấn, kích thích sự phấn đấu, sự tự vươn lên, vì họ nghĩ mình được tôn trọng.
5. Khi xem giáo dục là đại kế trăm năm, Tỉnh – Thành hội nào chưa hội đủ điều kiện về giảng viên cơ hữu giảng dạy chương trình Trung cấp Phật học, theo chúng tôi chỉ mở lớp Sơ cấp Phật học, Trung cấp Phật học nên liên kết nhiều tỉnh – thành lại với nhau thì chất lượng giáo dục – đào tạo mới đảm bảo, trình độ, năng lực của Tăng Ni sinh được nâng cao, ngõ hầu mới có thể phục vụ cho sự nghiệp phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
6. Trong thời gian học tập, ngoài việc giáo dục – đào tạo trình độ học lực, nhà trường phải có trách nhiệm giáo dục tư tưởng, đạo đức cho Tăng Ni sinh, để khi ra trường họ là người mô phạm, có tư tưởng tốt, đạo đức tốt. Vì hiện nay có một phận nhỏ Tăng Ni trẻ có quan điểm, tư tưởng chệch đường hướng, chủ trương, phương châm của Giáo hội “Đạo pháp – Dân tộc – CNXH” và có không ít trường hợp Tăng Ni trẻ thực tài nhưng thiếu đạo đức trong hành xử.
Tóm lại, trong bối cảnh đất nước và Giáo hội không ngừng phát triển về mọi mặt, mở rộng giao lưu, khoa học tiến bộ vượt bậc, thì vấn đề giáo dục – đào tạo của Giáo hội phải hướng việc học tập của Tăng Ni sinh theo mô hình: “Bảo vệ truyền thống – Hướng đến hiện đại – Hoàn thiện đạo đức cá nhân”. Với một mô hình giáo dục như thế thì chúng ta mới có một đội ngũ Tăng Ni trẻ kế thừa với đầy đủ những yếu tố cần thiết cho sự nghiệp xây dụng và phát triển Giáo hội trong thế kỷ 21 và các thế kỷ tiếp theo. Nếu Tăng Ni trẻ được giáo dục – đào tạo theo mô hình mà chúng tôi vừa đề xuất, thì tin chắc rằng thế hệ Tăng Ni trẻ kế thừa sẽ là những người hữu dụng cho Giáo hội và đất nước. Chính họ sẽ là những người góp phần làm cho Đạo pháp xương minh, thực hiện hữu hiệu phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến tới dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Với trách nhiệm và bổn phận của người đệ tử Phật, chúng tôi mạn phép đề xuất một vài giải pháp xây dựng hệ thống giáo dục – đào tạo của Giáo hội. Những đề xuất này mang sắc thái chủ quan của chúng tôi, do đó chắc không sao tránh khỏi những điều sơ suất, làm phật lòng Chư Tôn đức, Quý Đại biểu rất mong được sự lượng thứ của Quý vị.
Kính nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ tất cả chúng ta đầy đủ thắng duyên, tăng thượng duyên để hoàn thành sự nghiệp giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ 21 và các thế kỷ tiếp theo. Chúng tôi xin kính chúc Chư tôn Giáo phẩm, Chư Tôn đức Tăng Ni, Chư vị khách quý và Quý Đại biểu thân tâm thường lạc, cát tường khánh triệu, hoàn thành các Phật sự, công tác như ý nguyện. Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ tát tác đại chứng minh.