Vừa qua, nhân 49 ngày người anh quá cố, chúng tôi đến chùa Phụng Thánh nằm trên phố Khâm Thiên. Một thời chùa Phụng Thánh được ghi nhận là đệ nhất cơm chay Hà thành. Nhưng thú thực ngày nay khó nói được chùa nào ở Hà Nội được thừa nhận là “Đệ nhất” lắm.
Nhưng cũng dịp này tôi mới phát hiện ra món cháo nấm của chùa Phụng Thánh.
Tuy được coi là độc nhất vô nhị, nhưng nhà chùa không hề cố giữ “bí quyết” nấu cháo nấm. Bất cứ ai muốn học hỏi để tự làm cháo nấm cho gia đình, các sư trụ trì nơi đây đều sẵn lòng hướng dẫn.
Trong bếp, sư thầy Thắm tất bật với mâm chay phục vụ khách thập phương. Bên cạnh mâm cỗ chay là một âu cháo. Sư thầy cho biết: Nhà chùa không có bí quyết gì đặc biệt đâu. Cháo làm từ gạo tẻ ngon, quê nào cũng có. Gạo được vo kỹ, để ráo nước.
Chờ nước sôi đều mới cho gạo vào. Khi nồi cháo đã sôi, vặn bếp cho ngọn lửa liu riu. Đậy vung cho gạo chín đều, nhừ nhuyễn.
Trong quá trình cháo sôi, không cho đũa hay thìa vào quấy như nhiều người theo thói quen vẫn làm.
Nấm dùng, thường là loại nấm hương, cắt lấy phần chân, rửa sạch. Sau đó ngâm nước ấm cho mềm rồi dùng tay xé nhỏ tơi thành sợi nhỏ.
Khi cháo đã nhừ, cho nước nấm, chân nấm đã xé vào, quấy đều. Cháo nấu sao để không đặc, không loãng mà sánh.
Trước khi múc cháo vào âu, chỉ cần một vài gia vị thông thường dân dã như rau răm chẳng hạn, là được rồi.
Nghe sư thầy nói và nhìn đôi tay sư thầy làm, thật đơn giản. Nguyên liệu chỉ là gạo quê, nấm hương, một vài rau thơm cũng từ đất quê mùa. Nhưng các bà nội trợ có tiếng kỹ càng tinh tế Hà Nội thử làm một đôi lần, nhưng quả thật không phải là cháo chùa.
Ngon thì có lẽ cũng ngon đấy, nhưng vẫn là cháo nhà. Vậy, còn thiếu vị gì để thành cháo Phụng Thánh. Điều này thật khó lý giải. Theo sư cụ Thích Đạm Ánh, đó là cảm giác khi nhân gian nương náu cửa Phật.
Sư cụ lý giải có vẻ như mơ hồ, nhưng lại rất thực. Bạn hãy rời xa nơi ồn ã chen chúc phố phường, một lần vãn cảnh Phụng Thánh vào dịp lễ Thượng Nguyên hay Hạ nguyên. Chắc chắn bạn sẽ cảm hết cái yên ả, bình an nơi khuôn viên nhà chùa rợp bóng cây xanh. Bên tai, đều nhịp cóc cóc tiếng mõ nhà sư.
Bạn thành tâm thắp nén nhang và lắng nghe đâu đó rích rích tiếng chim chuyền cành.
Trong cõi sâu xa thanh tịnh, bạn nhận từ bàn tay sư thầy một tô cháo mọn. Quả nhiên từ cõi vô thức dâng đầy cảm giác an bình, thanh thản. Cái ngon lành, ấm áp có lẽ đến với bạn chính vào giây phút thanh tịnh vô ưu đó chăng.
Từ trong sâu xa, con người ngộ ra một điều thật giản dị: Bao nỗi bon chen đời thường thật vô nghĩa.