Phần 10: Một trái tim vững chãi, không sầu khổ, trong sạch và an trụ – dù khi gặp bát trược. Đây thật là một phúc báu lớn!
Tám ngọn gió đời (bát trược) thường làm bận tâm ta là được và mất, vinh và nhục, khen và chê, sướng và khổ. Tất cả chúng ta đều đã nếm trải qua chúng lúc này hay lúc khác, song chúng ta quen chấp nhận bốn thứ dễ chịu (được, vinh, khen, sướng) và tránh né bốn thứ khó chịu (mất, nhục, chê, khổ), nên chúng ta chẳng bao giờ được an lạc.
Ta luôn tìm những cái có vẻ thoải mái và tránh né những điều trái nghịch, và vì ai cũng như thế nên thế giới không bao giờ có an lạc. An lạc chỉ đến khi ta thôi không còn bị quyến rũ bởi bốn thứ dễ chịu và trốn tránh bốn thứ khó chịu. Chỉ khi nào ta đã chấp nhận là những đối nghịch đó nẩy sinh ra nhau, khi đó ta mới có thể sống một cuộc sống quân bình.
Ta phải hiểu rằng bốn thứ dễ chịu (được, vinh, khen, sướng) trong đời sống của ta cũng vô thường như những thứ gì khác. Bất cứ những gì ta có, dù đó là tiền bạc, tình yêu, người thân, một dịp vui, đều vô thường. Nó đã đến với ta, thì rồi nó cũng sẽ đi. Để chấp nhận được điều này đòi hỏi không chỉ một sự hiểu biết sâu sắc về vô thường mà còn phải hoàn toàn buông xả.
Thí dụ, nếu ta đau khổ khi bị mất mát và vui sướng khi được một cái gì, là ta chưa hiểu được điều này. Ta phải luôn đối diện với vô thường, chấp nhận nó và biết là thời gian ta sống trên đời ngắn ngủi xiết bao và ta nhỏ bé dường nào so với tất cả sinh linh.
Có gì khác chăng là do ở sự quyết tâm của ta trong việc thanh tịnh hóa tâm, chánh niệm trong đi, đứng nằm, ngồi, có một tấm lòng thương yêu và sẵn lòng giúp đỡ người khác. Điều này giúp ta đối diện với tám ngọn gió đời với cái nhìn buông xả, để chúng không còn có thể chi phối ta nữa.
‘Một trái tim vững chãi, dù khi gặp bát trược’ có nghĩa là chấp nhận mọi hiện tượng với tâm buông xả như nhau, không yêu thích mà cũng không ghét bỏ. Đây là một tiến bộ quan trọng, cũng là một bước khó khăn: ta không nên kỳ vọng là mình sẽ làm được ngay như thế, song ít nhất hãy cố gắng tu tập.
Chỉ qua sự nhận biết tính chất thoáng qua của tất cả những hoài vọng hay ghét bỏ của ta – chúng đến và đi, có đó rồi mất đó – là ta đang thực tập hạnh buông xả.
Buông xả là một trong bảy yếu tố đưa đến Giác Ngộ và ta không nên nhầm lẫn nó với thái độ dửng dưng. Buông xả là một tuệ giác sâu sắc với một trái tim vững chãi tràn đầy thương yêu.
Dửng dưng là thái độ lạnh nhạt, không muốn can dự vào – kết quả là làm cho cuộc đời càng thêm khó sống. Buông xả là tình cảm cao đẹp nhất trong tất cả những tình cảm, và đòi hỏi lòng can đảm. Gốc La Tinh của chữ ‘buông xả’ có nghĩa là ‘cân bằng’ (aequus) ‘tâm’ hay ‘can đảm’ (ani- mus). Cần có lòng can đảm để không phải giống người, để từ chối không chọn bè phái, để không bị lóa mắt vì các hào nhoáng của cuộc đời.
Cuộc đời có một đặc điểm lạ thường là nó rất dễ dàng đưa ta đi vào nẻo xấu, và đức Phật diễn tả sự kiện này bằng thuật ngữ mara hay ma vương. Ma vương luôn có mặt trong mỗi chúng ta như văn hào Faust nói: ‘Hỡi ôi! Có hai linh hồn đang sống trong tôi’. Dưới mắt của ta, thế giới bên ngoài dường như rất đẹp.
Tuy ta có thể ngắm một cầu vồng tuyệt đẹp, nhưng nó có mang lại cho ta những gì ta thật sự muốn? Chẳng có gì. Nó chỉ có những màu sắc bắt mắt, nhưng chẳng ai có thể chiếm hữu được nó.
Cuộc đời cũng thế. Nó có biết bao vẻ hào nhoáng làm ta say mê nhưng đó là những thứ mà chẳng ai có thể thực sự sở hữu. Tất cả những gì ta có thể thật sự sở hữu ở ngay trong ta, và đã có sẵn từ bao giờ. Do đó, công việc chính của chúng ta là thanh tịnh hóa tâm, là nhận ra sự huyễn ảo của cái ngã và tất cả những phản ứng vô ích của ta đối với tám ngọn gió đời: được mất, vinh nhục, khen chê, sướng khổ.
Một tâm ‘vững chãi, không sầu khổ, trong sạch và an trụ’ là tâm đã Giác Ngộ. Đây là những đặc tính được dùng để mô tả những Bậc Giác Ngộ. Không cần phải nói là các ngài đã hoàn toàn thanh tịnh, không còn phiền não, mà các ngài còn cảm thấy hoàn toàn an trụ, vì không còn ngã chấp nào để cảm thấy bị đe dọa. Tâm an trụ tuyệt đối đó là kết quả của việc nhận ra được ảo tưởng và buông bỏ nó.