Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật 38 phúc báu lớn nhất – phần 8

38 phúc báu lớn nhất – phần 8

106

Phần 8: Giữ được lòng kiên nhẫn, lắng nghe không phiền giận khi bị người chỉ trích, tìm cầu thiện tri thức, bàn luận về chân lý. Đây thật là những phúc báu lớn!

Trước tiên là lòng kiên nhẫn – và đây quả thật là một phúc báu. Hầu hết mọi người lúc thì kiên nhẫn, lúc thì nóng nẩy. Ở trạng thái cực đoan, tính nóng nẩy phản ảnh lòng mong muốn mọi việc đều phải như ý mình. Bởi lẽ ít khi nào mọi sự được như ý ta, tính nóng nẩy đẩy ta vào tâm trạng bất an đau đớn.

Lòng kiên nhẫn bao hàm một sự hiểu biết là mọi vật đều vô thường, một sự ý thức rằng tất cả những gì ta cảm nhận đều đang thay đổi, dù đó là các cảm thọ hay tình cảm của ta, cảm nhận của ta ngay trong lúc này, về hôm nay hay về cả cuộc đời mình. Ta không thể nắm giữ được mãi một cái gì vì mọi vật đều sẽ hoại diệt.

Chính vì ta luôn cố gắng nắm giữ lấy của cải vật chất, nên lúc nào ta cũng thấy thất vọng. Thật rất dễ quên sự thật là không có gì tồn tại mãi mãi, vì có một số việc tái diễn, khiến ta tưởng là chúng là một, nhưng chúng chỉ giống nhau.

Lấy thí dụ như hơi thở của ta. Mỗi hơi thở biến mất sau khi ta hít vào. Nhưng vì mỗi hơi thở sau đều giống như hơi thở trước, chúng ta thích làm ngơ không muốn thấy là hơi thở của mình là vô thường, và do đó bản thân ta cũng vô thường.

Không có hơi thở ta không thể nào sống còn và sự vô thường của nó cho thấy sinh mạng ta mong manh làm sao: nếu hơi thở ngưng, cái chết tức thì theo sau. Đức Phật dạy là bởi chấp ngã hầu hết chúng ta đều không muốn nghĩ đến điều này.

Giữa những bằng chứng hiển nhiên của vô thường, ta vẫn không ngừng cố gắng biến chúng thành thường hằng và những thứ vô thường khi mất đi đem lại cho ta đau khổ, ta lại cho là niềm vui. Bản chất tạm bợ của mỗi tư tưởng, mỗi cảm giác, mỗi cử động của cơ thể có thể được theo dõi từng phút giây.

Tất cả rồi sẽ hoại diệt, không có gì là bất biến. Có nhiều phương tiện để lưu trữ các sự kiện: sách vở, phim ảnh và ký ức – song nếu ta nghĩ rằng mình có thể bám víu không để mất người thân, tình cảm, kỷ niệm hay các sự kiện, thì cuối cùng ta chỉ ôm lấy hư không.

Ngược lại, nếu hiểu được là không có gì trường cửu, ta sẽ chiêm nghiệm được lòng kiên nhẫn như là một kết quả tất yếu với một cảm giác nhẹ nhõm và an bình. Ta sẽ không còn cảm thấy bận tâm nữa.

Tất cả chúng ta đều biết là cần có tinh tấn để duy trì việc hành thiền của mình, nhưng ta cũng cần đến lòng kiên nhẫn nữa: không có nó, việc hành thiền của ta không có kết quả.

Rất ít người có thể hành thiền miên mật. Chúng ta không những phải tự nỗ lực mà còn phải kiên nhẫn với chính mình, lần này đến lần khác, ngày này qua ngày khác.

Nếu có thể kiên nhẫn hơn với bản thân, ta sẽ dễ dàng kiên nhẫn với người khác, nhất là khi mọi việc không như ý ta muốn. Nếu không, ta sẽ có thái độ cứng nhắc, ngoan cố với bản thân và với người.

Vì thế nên lòng kiên nhẫn và từ ái đi đôi với nhau, và vun trồng lòng kiên nhẫn là một phúc báu lớn.

Tiềm năng lớn nhất của con người nằm ở khả năng học hỏi. Ta có thể đạt bất cứ mục tiêu nào khi ta chú tâm và nỗ lực làm việc ấy. Nói như thế không có nghĩa là mọi sự sẽ xảy ra như ý ta và nếu nghĩ như vậy thì ta sẽ điên đầu mất thôi.

Tuy nhiên, nếu muốn học được tính kiên nhẫn, ta sẽ dần dà làm được điều ấy. Bất cứ ai – nếu thực sự muốn và tinh tấn tu tập – cũng có thể đi theo con đường mà đức Phật đã vạch ra cho tất cả mọi người và đạt đến thành quả. Tục ngữ có câu
‘Muốn là được’.

Vì chúng ta thường đạt được những điều mình thực sự muốn, ta cần thận trọng để chỉ mong muốn những điều thiện.

Phúc báu kế tiếp là ‘lắng nghe không phiền giận khi bị người phê bình’. Chấp nhận lời phê bình của người khác là một việc không dễ đối với nhiều người.

Không giận dữ hay bực bội, hoặc chỉ trích lại người, hiển nhiên đều là nhờ rất nhiều vào lòng kiên nhẫn, nhưng nó cũng liên quan đến lòng tự tin, và nhiều người đầy mặc cảm tự ti đến nỗi chỉ một lời phê bình nhỏ cũng gợi lên cho họ mặc cảm ấy, khiến họ nổi giận hoặc ít nhất là buồn bực.

Phần lớn các khuyết điểm của ta đều khó nhận ra – nếu không thì ta đã biết mà tự sửa lỗi mình. Cho nên, được thiện tri thức chỉ bảo quả thật là một phúc báu lớn.

Tự biết mình và học cách cư xử hòa nhã sẽ dễ dàng hơn khi ta được người khác hỗ trợ, nhưng ta phải sẵn sàng đón nhận sự giúp đỡ ấy.

Ngược lại, khi muốn giúp đỡ người khác, ta thường cảm nhận được là họ có sẵn lòng nghe lời phê bình xây dựng hay không, nếu họ không sẵn lòng nghe, ta không nên cố ép.

Điều quan trọng là ta có thể chấp nhận được cả hai trường hợp, đóng góp ý kiến xây dựng khi thấy có ích lợi, mà cũng vui vẻ kiềm chế sự phê bình khi bất lợi.

Sự toàn hảo chỉ hiện hữu ở những cõi cao hơn cõi người. Còn trong cõi nhân sinh thì hiển nhiên là không ai hoàn toàn cả và những lời phê bình xây dựng luôn cần thiết.

Lẽ dĩ nhiên là đôi khi sự phê bình có thể không đúng. Nếu thế thì ta không cần để ý và cũng không nên bực mình vì nó. Ta còn phải cảm ơn có người đã bỏ công nói cho ta điều họ nghĩ -vì lòng biết ơn, như ta đã biết, tự nó là một phúc báu.

Tiếp đến là ‘tìm cầu thiện tri thức và bàn luận về chân lý’. Đây là một phúc báu khác mà đức Phật thường nhắc đến trong nhiều kinh: đó là việc làm bạn với thiện tri thức và pháp đàm.

Những điều ta bàn bạc là thức ăn nuôi dưỡng tâm ta. Thức ăn càng bổ dưỡng, tâm càng được ích lợi. Nói về chân lý không phải chỉ là thận trọng để những lời nói của mình đúng với sự thật.

Nó còn đòi hỏi ta phải bàn luận về những đề tài cao xa hơn là những chuyện phù phiếm thường ngày để chúng ta thấu hiểu hơn về con người, kể cả bản thân ta.

Đó là những vấn đề liên quan đến sự thật vũ trụ, chân lý phổ quát mà ai cũng có thể thấy. Chân lý ở đây không nên bị nhầm lẫn với sự kiện khoa học -thí dụ như vũ trụ xoay vần ra sao – vì những điều ấy chẳng hề giúp con người trở nên nhân ái và hữu ích cho đời như là chân lý về tâm linh mà Pháp đã cho ta.

Cho nên bàn luận về Phật Pháp quả thật là một phúc báu lớn. Dĩ nhiên, không có nghĩa là ta không bao giờ nên nói những câu chuyện đời thường; chỉ là ta phải nhận thức được rằng chúng chỉ là những nhu cầu tầm thường, và không lầm chúng với những gì tạo nên đời sống thật sự của mình.

Tất cả những gì quan trọng thực sự xảy ra ngay trong ta, trong phản ứng, ước mơ, dự tính và hy vọng của ta. Ta thực sự mong đợi gì ở tương lai, ta có hoài bão gì và thực sự muốn gì? Ta có đang tìm kiếm chân lý tối thượng, tìm cứu cánh tối hậu, tìm cái gì giúp ta thoát khỏi thân phận con người? Hay là ta bị vướng mắc vào cuộc sống hàng ngày, chỉ với hy vọng có thể vùng vẫy thoát ra chút ít?

Một khi đã gặp thiện tri thức và bàn luận về chân lý của Pháp là ta đã bắt đầu cuộc hành trình tâm linh để theo đuổi chân lý hơn là những thứ tầm thường, cũng như những bậc tri thức có thể trợ lực hữu hiệu cho ta trên con đường tầm đạo. Chỉ có chân lý của Pháp mới có thể chỉ cho ta con đường dẫn đến sự tận diệt mọi khổ đau.

Tuy nhiên, dầu những sự thật đó dành sẵn cho tất cả mọi người, ít ai sẵn sàng tin theo chúng. Đó là vì chúng không hướng đến những điều ta mong mỏi: chúng liên quan đến những vấn đề của vô thường và hoại diệt hoàn toàn.

Chúng báo cho ta biết rằng kết quả tất yếu của bám víu và chống đối là khổ đau, và chúng khuyên ta nên kiềm chế bản ngã cho đến khi ta có thể nhận ra được ngã chỉ là ảo tưởng.

Tất cả mọi người đều muốn được hạnh phúc, an bình và thảnh thơi trong tâm và chẳng ai muốn buông bỏ cái ngã của mình. Nhưng ta chỉ có thể chấm dứt khổ đau khi buông bỏ tự ngã, và vì hầu hết mọi người chưa làm được điều này nên hòa bình và hạnh phúc còn vắng bóng trên thế giới.

‘Gần gũi thiện tri thức và bàn luận về chân lý’ giúp ta tìm được an lạc: chân an lạc chỉ có ở ngay trong tâm ta; nó bắt đầu từ tâm ta và tỏa rộng ra ngoài.

Tuy nhiên, dầu chỉ có một chỗ để tìm an lạc, mọi người đều có đủ phương tiện để nhận diện, và nuôi dưỡng nó. Trong cuộc sống thế tục, thật sự không thể có an lạc, luôn có những điều không hoàn toàn đúng, cần được thay đổi hay sắp xếp lại.

Trái lại, trong cuộc sống tâm linh, tâm ta chấp nhận mọi sự như chúng là. Nếu ta chấp nhận chân lý này và hành xử theo nó, ta sẽ được hưởng quả tốt của phúc báu lớn này.