Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật 38 phúc báu lớn nhất – phần 5

38 phúc báu lớn nhất – phần 5

143

Phần 5: Thực hành hạnh bố thí, biết sống theo chính mạng, biết tạo các nghiệp tốt – đó thật là phúc báu lớn!

Chúng ta đã đến một điểm trong kinh cho ta thấy rõ là trong một đời sống chỉ quan tâm về vật chất và điều kiện kinh tế, chúng ta không thể tìm thấy được một số đức tính tâm linh cần thiết nào đó.

Ở đây đức Phật điểm qua cho ta thấy những phúc báu thuộc một bực cao hơn trên con đường tâm linh. Chúng ta phải lựa chọn giữa một cuộc sống vật chất và cuộc sống tâm linh rốt ráo.

Đáng tiếc thay, giải thích sự khác biệt giữa đời sống hướng về vật chất và đời sống dựa trên những giá trị tâm linh thì dễ hơn là đưa vào thực hành.

Trong cuộc sống vật chất, người ta muốn có càng nhiều càng tốt trong khi người sống một cuộc đời tâm linh lại nhắm vào việc bố thí càng nhiều càng tốt.

Ai cũng biết bố thí là một phúc báu lớn hơn là tiếp nhận của người, song điều này thật khó thực hành.

Phúc báu kế tiếp được kể ở đây là hạnh bố thí. Bố thí có nhiều khía cạnh vì nó tự biểu lộ tùy theo tài lực và tính khí của mỗi cá nhân. Thí dụ như dành thời gian cho ai đó, cũng là một cách bố thí đầy lòng từ ái.

Để đạt được phúc báu này, do đó, ta phải tự hỏi làm sao có thể dùng các khả năng và tài sản của ta một cách hữu hiệu nhất để giúp ích cho người khác – xét cho cùng thì, của cải ấy cũng là do vay mượn mà có. Và có lẽ ta cũng nên tự hỏi mình điều gì giới hạn tâm bố thí của ta? Ta có thực sự muốn giúp đỡ người khác không, hay ta muốn để cho những người chuyên môn giải quyết những vấn đề ấy? Hay là ta tự bảo mình là cuộc đời toàn là những việc xấu cả và chẳng ai có thể làm được điều gì để biến nó thành tốt.

Điều này thì chắc chắn là đúng, song không phải vì thế mà ta không có bổn phận giúp người khác. Nhưng ta sẽ có thể giúp được đến mức độ nào? Chỉ giúp đến một mức nào đó hay ta sẵn sàng bố thí vô điều kiện?

Đức Phật nhiều lần nói về bố thí (từ Pali là dàna). Thực hành hạnh bố thí mỗi ngày đem lại niềm hỷ lạc cho tâm. Nếu ta có thể bố thí đúng cách cũng như rộng rãi thì tốt, nên tốt hơn hết là bố thí phải đi đôi với trí tuệ.

Nhưng cho dù ta không chắc là người nhận có xứng đáng hay không, cho đi vẫn tốt hơn là giữ lại những gì ta có. Tục ngữ có câu ‘càng cho ta càng có’.

Để nhận chân được sự thật này, ta cần phải thực hành hạnh bố thí. Chẳng bao lâu ta sẽ nhận ra là thật sự có một nguồn vật chất bất tận, mà trên nguyên tắc ai cũng có thể được hưởng thụ.

Càng cảm thấy được sự tương quan giữa tất cả chúng sinh, ta càng muốn cho đi hơn là muốn giữ, và càng nhiều người sẽ được lợi lạc vì cửa tâm đã rộng mở.

Điều này sẽ không xảy ra nếu ta không có chút can đảm – nhưng dù gì lòng can đảm cũng cần thiết trong đời sống tâm linh. Ta phải quán sát bản thân cũng như các giả định của mình một cách chân thật – tất cả những thứ mà ta quen thuộc – tự xét xem ta dùng thì giờ như thế nào, và tự hỏi mình, đời chỉ có như thế thôi sao?

Bố thí là hạnh đầu tiên trong mười hạnh mà đức Phật liệt ra ở đây. Điều này không làm cho các hạnh khác kém quan trọng đi chút nào, song bố thí mở cánh cửa đưa ta đến các hạnh khác.

Qua hạnh bố thí ta tập xả bỏ cái ngã. Lúc nào cũng nghĩ tới mình thì không thích thú và cũng chẳng lợi lạc gì. Điều này cũng như một con rắn tự cắn cái đuôi của mình – một cái vòng khắc nghiệt vô cùng tận.

Nếu muốn dễ dàng chứng nghiệm được sự liên hệ giữa ta và thế giới chung quanh, ta nên thực hành hạnh bố thí. Theo sự phân tích của đức Phật thì ngã chấp chính là gốc rễ của mọi khó khăn và sầu khổ của chúng ta.

Toàn bộ giáo lý của Ngài nhằm giúp ta nhận thực được cái ngã là một ảo tưởng mà ta phải buông bỏ. Hạnh bố thí đứng đầu trong danh sách bởi nó là bước đầu tiên giúp ta vượt qua ngã chấp. Ta không thực sự đánh mất cái ngã vì tâm vị tha; ngược lại, chính là nó đã giữ lại sự quan trọng của mình.

Nhưng ngay trong giây phút đó, ta không cần phải nghĩ đến cái ngã. Ta cảm nhận được một sự toại nguyện hoàn toàn khác khi đem lại niềm vui cho người, bằng cách chia sẻ với họ.

Việc ta cảm thấy hỷ lạc từ sự bố thí, trong khi thông thường ta chỉ cảm thấy toại nguyện khi được nhận những gì mình thích, cho thấy những gì ta cảm nhận được thực sự là một sự toại nguyện ở một mức độ hoàn toàn khác.

Kế đến là phúc báu của chính mạng, của đời sống ngay thẳng, chính trực. Đức Phật chẳng bao giờ nói tất cả mọi người nên sống đời độc cư thiền định. Vậy như thế nào là lối sống đúng?

Sống đúng có nghĩa là trước tiên phải chăm sóc lo lắng đầy đủ cho gia đình mình và sau đó là giúp đỡ kẻ khác. Đức Phật khuyên các đệ tử tại gia của Ngài nên chia lợi tức của mình ra làm bốn phần. Một phần dành cho bản thân và cho gia đình, phần thứ hai để tiếp tục việc kiếm sống, một phần nữa phòng khi khó khăn, ốm đau, còn phần sau cùng dành để cúng dường cho các bậc tu hành, kẻ ốm đau và những người nghèo túng.

Việc phân phối lợi tức như thế bao gồm tất cả các bổn phận của ta. Nhiều ít ở đây không quan trọng mà điểm chính là chủ ý của ta.

Chính mạng hay nghề nghiệp chân chính trong đó bao hàm quyết tâm cư xử đúng với lương tâm con người. Điều này có nghĩa là ta không được làm hại đến người hay vật, dù là trong cử chỉ, hành động, lời nói, cảm xúc hay ý nghĩ của ta. Tai hại ta gây ra có thể do hành động hay lời nói trong nhất thời, nhưng nó bắt nguồn từ cảm xúc và ý nghĩ của ta. Cho nên cách cư xử theo đúng lương tâm có nghĩa là không hàm chứa một ác ý gì với những sinh linh khác.

Ý nghĩ của ta không phải là vô thưởng vô phạt – chúng luôn ẩn chứa một cái giá mà ta phải trả, vì chúng huân tập nên những thói quen trong lời nói và hành động của ta và thực sự là yếu tố tiên quyết đưa đến sự hiện hữu của ta.

Ta chính là cái mà ta nghĩ. Cho nên không phải chỉ cái ta làm mà các tư tưởng ta gieo trồng cũng quan trọng không kém. Ta có thể nói là tất cả tư tưởng của ta đều xứng đáng được gọi là cao đẹp nhất không?

Một lần nữa, đức Phật nêu lên phúc báu của việc chăm lo cho người khác, và ở đây là việc chăm lo cho họ hàng, bạn bè, người thân và đồng nghiệp. Khi đang vun trồng đức tính này, lòng sẵn sàng muốn giúp đỡ người khác bằng bất cứ phương tiện gì trở thành một bản tính tự nhiên thứ hai, để rồi có lúc ta sẽ có thể đối xử với bất cứ ai mà ta gặp với lòng tử tế. Tuy thế, lúc đầu ta không nên đòi hỏi quá nhiều từ bản thân, mà cứ tiếp tục vun trồng đức tính ấy.

Mỗi khi giao tiếp với người, ta hãy tự hỏi có phải ta thực sự quan tâm đến người ấy hay chỉ cho bản thân chúng ta. Ta có biết hàm ân vì cuộc sống của mình tốt lành cũng là nhờ bao người khác không? Ta có thấy được là đời sống của mình tùy thuộc rất nhiều vào trạng thái buồn vui, tư tưởng, lời nói và hành động của những người khác?

Không ai có thể thực sự nói là mình hoàn toàn sống độc lập với người khác. Đời sống hàng ngày của chúng ta lệ thuộc vào đủ mọi loại dịch vụ như nước và điện, thương mại và nông nghiệp.

Ta cũng liên hệ với người khác qua tư tưởng và cảm xúc dù ta có nói ra hay không. Các tình cảm này vẫn rất thực dù không được nói ra, và chúng có thể tác động đến tư tưởng, tình cảm của người khác.

Đây là phúc báu của sự chăm lo cho tha nhân. Việc họ có cảm nhận được sự lo lắng ân cần này hay không là một chuyện khác; điều quan trọng là ta cần phải nuôi dưỡng những thiện ý ấy.

Tạo thiện nghiệp có nghĩa là luôn cẩn thận đề phòng những sự tiêu cực len lỏi vào ý nghĩ, lời nói và hành động của ta. Ta cần đặc biệt chú trọng đến ý nghĩ vì đây là nơi mọi sự phát khởi.

Tất cả mọi hành động của ta đều đem lại hậu quả, có ảnh hưởng tới ta cũng như tới người khác, và hầu hết mọi người đều tạo các nghiệp tốt cũng như xấu. Hiếm khi có ai chỉ tạo nên ác nghiệp, nhưng quá nhiều ác nghiệp sẽ đưa ta vào vòng tù tội.

Cũng hiếm khi có người chỉ tạo nên thiện nghiệp trừ khi đó là những Bậc Giác Ngộ, trong trường hợp đó họ không tạo ra bất cứ ác nghiệp nào bởi họ không còn sống trong ảo tưởng của một tâm thức dựa trên bản ngã.

Các tâm sở tiêu cực ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống tình cảm của ta và ta có thể ngăn ngừa chúng phát khởi chỉ bằng cách chú ý đến các trạng thái tâm đang thay đổi của mình.

Đơn giản như thế, nhưng rất ít người thực sự chú ý đến đời sống nội tâm của mình. Chỉ khi nào ta thực sự thực tập chính niệm một cách miên mật, ta mới có thể cảm nhận được các trạng thái tâm tích cực một cách đều đặn.

Quán sát các tư tưởng, lời nói và hành động của mình ngay trong khi ta đang thực hiện chúng, không cản trở việc ta hoàn tất các bổn phận khác trong đời sống hàng ngày.

Trái lại, càng quán sát bản thân, ta càng dễ chú tâm vào bất cứ những gì ta đang làm.

Nghiệp quả mà ta cảm nhận ảnh hưởng sâu xa đến những tình cảm buồn vui của ta, và nếu quán sát chúng kỹ ta sẽ dễ dàng thấy nguồn gốc chúng từ đâu đến: lý do tại sao ta lại vui hay buồn.

Sau đó, ta có thể thay đổi những điều bất thiện trong tư tưởng, lời nói và hành động mà ta đã làm, dẫn đến những trạng thái tiêu cực ấy, nhưng ta chỉ có thể làm được như thế nếu ta có thể tự nhìn mình như mình thực sự là mà thôi.

Trong các bài thuyết giảng, đức Phật nhắc đi nhắc lại về việc tạo thiện nghiệp. Ngài làm như thế vì, bao giờ chúng ta còn nghĩ, như tất cả các chúng sinh vô minh khác, rằng ta có một bản ngã, là ta còn tạo nghiệp với mỗi niệm khởi lên trong tâm.

Nhưng một khi đã hiểu được điều này, ta sẽ trở nên có chính niệm hơn với các suy nghĩ của mình – và đây là điều quan trọng, dù ta không thể nào kiểm soát được tất cả các niệm khởi lên trong tâm ta.