Trong mục phản hồi của bài “Cải đạo tín đồ Phật giáo tại Nepal”, do tôi viết, đăng trên Phattuvietnam.net, có một ý kiến phản hồi, mà tôi thấy là cần thiết phải có ý kiến trả lời.
Thấy cần thiết, không phải vì phản hồi nói rằng tôi có cái nhìn sai lầm.
Mà là vì, nếu không trả lời, có thể có người nghĩ rằng đúng là tôi nghĩ như vậy, do vậy, dẫn tới sự ngộ nhận, tác động không tốt đến nhiều người.
Vì vậy, bài trả lời ở đây xem như một lời nói lại cho rõ.
Ý kiến phản hồi thứ sáu ở bài “Cải đạo tín đồ Phật giáo tại Nepal” viết:
“Qua những bài đọc mà tôi đọc từ trước đến nay, Minh Thạnh nghĩ rằng đảng CS là một trong các đối trọng có thể ngăn chặn việc cải đạo. Cái nhìn này rất sai lầm”
Sau đó, người viết phản hồi đưa ra con số gia tăng tín đồ đạo thờ chúa, đồng thời với việc sụt giảm tín đồ Phật giáo ở Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam để chứng minh.
1. Trước hết, xin coi lại các thống kê đã đưa ra (có thể tham khảo từ nhiều nguồn, trong đó Wikipedia chỉ là một) để xác định lại việc so sánh cho chính xác.
Tôi sẽ có bài tìm hiểu việc cải đạo tín đồ Phật giáo ở nhiều quốc gia, trong đó có quốc gia cộng sản nói trên, khi đó vấn đề sẽ trở nên rõ ràng hơn nữa.
2. Tưởng cũng cần nhắc lại rằng, như ở Trung Quốc chẳng hạn, không chỉ là chính quyền Trung Quốc hiện tại mới có hành động ngăn chận việc cải đạo, mà từ nhà Thanh, đã có những giới hạn nghiêm ngặt đối với việc cải đạo.
Điều đó không phải do suy nghĩ chủ quan của những vị vua về sau (Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự) mà là chính vì những hoạt động tiêu cực của các thế lực cải đạo đối với đất nước, mà lúc đó gọi là Đại Thanh, dẫn đến việc nhà Thanh phải điều chỉnh chính sách đối với tôn giáo đến từ phương Tây vốn gắn bó với lợi ích các quốc gia phương Tây.
Trước đó, các vua Khang Hy, Càn Long vẫn khá dễ dãi với việc cải đạo, và chính trong hoàng tộc nhà Thanh cũng có người cải đạo.
Sau khi thành lập Trung Hoa dân quốc, nước Trung Hoa rơi vào tình trạng cát cứ, thì tại nhiều địa phương ở Trung Quốc, cũng như đối với một số quan chức của Quốc dân Đảng, đặc biệt là trong chính phủ Bắc Dương, người ta cũng hết sức e dè với việc cải đạo, vì nó gắn liền với tác động của các cường quốc phương Tây đang chiếm đóng một phần hay có tô giới tại Trung Hoa dân quốc.
Đó là việc chính trị, là việc của nhà nước Trung Hoa qua các thời kỳ để đối phó với các thế lực đến từ phương Tây, hầu như không có yếu tố bênh vực Phật giáo trong đó.
Vì vậy, nói chỉ có Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngăn chặn việc cải đạo là không đúng. Đó là sự chuyển đổi chính sách của nước Trung Quốc khởi đầu từ triều vua Hàm Phong, không phải chỉ mới bắt đầu từ năm 1949.
Gắn liền việc ngăn chặn cải đạo với nhà nước cộng sản như người viết phản hồi đã nghĩ rằng đó là quan niệm của tôi mới là không đúng.
Việc ngăn chặn cải đạo, bảo vệ truyền thống bản địa cũng không riêng gì ở những quốc gia có tôn giáo bản địa là Phật giáo. Chính sách đối với các tôn giáo ngoại lai của nước Nga cơ bản là thống nhất, từ vương triều Romanov, đến nhà nước cộng sản trong hơn 70 năm và sau đó, là Chính phủ Liên Bang Nga, xuyên suốt 3 đời tổng thống.
Chính phủ Liên Bang Nga hiện tại bảo vệ các tôn giáo bản địa trên quan điểm dân tộc, không phải trên quan điểm tôn giáo, ý thức hệ, hay giai cấp.
Và quan điểm của tôi cũng vậy.
Nếu đứng trên lập trường dân tộc, thì chính quyền nào cũng xử sự như Chính phủ Liên Bang Nga, dùng luật pháp để ngăn chặn việc cải đạo nếu xét thấy nó gây phương hại cho truyền thống dân tộc, quốc gia.
Xin lưu ý, khi đã dùng luật, có nghĩa đó là quyết định của quốc hội (Viện Duma), thể hiện ý chí của toàn dân Nga, và điều đó xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ liên tiếp của Duma quốc gia Nga, không phải là ý muốn riêng của cá nhân một tổng thống nào đó.
Việc ngăn chận cải đạo ở Nga cũng không phải là có kết quả như ý toàn dân mong muốn.
Vì vậy, cũng không nên quan niệm rằng, hễ nhà nước tham gia vào việc ngăn chặn cải đạo, đối phó ý đồ của những thế lực cải đạo thì luôn luôn có kết quả tốt đẹp.
Một ví dụ, là nhà nước Sudan không ngăn chặn được ý đồ chia cắt nước Sudan của chỉ 5% người đạo Ca tô ở Nam Sudan.
Người dân, tín đồ Phật giáo, tất nhiên không đặt niềm tin vào một chế độ nào, một nhà nước nào, nếu khi nhìn từ lợi ích của dân tộc, của Phật giáo, tôn giáo truyền thống dân tộc, nhà nước đó không xác định lập trường bảo vệ truyền thống dân tộc.
Nếu nhà nước nào xác định lập trường bảo vệ truyền thống dân tộc, chẳng hạn, như nhà nước Liên Bang Nga, thì việc người dân nước đó gửi gấm niềm tin vào việc bảo vệ tôn giáo truyền thống dân tộc là chuyện bình thường.
Đã tín ngưỡng tôn giáo truyền thống dân tộc, mà không gửi gắm sự tin cậy vào nhà nước có lập trường bảo vệ truyền thống dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, và trên thực tế nhà nước đó đã cố gắng cho mục tiêu đó, thì đó mới là chuyện không bình thường, khó hiểu và có thể nói là sai lầm.
3. Chúng ta cũng cần lưu ý đến bên cạnh truyền thống dân tộc nói chung, còn có truyền thống Phật giáo nói riêng.
Phật giáo không phải là tôn giáo có trong tay quyền lực từ việc cưỡng chế, bạo lực, mà là một tôn giáo nhu hòa, cởi mở.
Do đó, Phật giáo, trong những hoạt động tự vệ, luôn phải trông cậy vào thế quyền, mà ngày xưa Đức Phật và các tổ gọi là quốc vương, đại thần hộ pháp.
Trong lịch sử phát triển của Phật giáo thế giới và Phật giáo Việt Nam, sự ủng hộ của nhà nước luôn đã là điều được quý trọng và luôn được chư liệt vị tổ sư đón nhận tranh thủ tích cực, vì sự phát triển chung của đạo pháp và dân tộc.
Phật giáo Lý – Trần hưng thịnh, trong số những nguyên nhân có việc hậu thuẫn của triều đình nhà Lý, triều đình nhà Trần. Đó là một sự thật hiển nhiên, rõ ràng, không ai có thể phủ nhận được.
Hiện nay, hầu hết các nước Phật giáo Nam Tông đều tiếp nhận sự ủng hộ trực tiếp của nhà nước.
Còn trường hợp như Phật giáo Hàn Quốc hiện nay, không thể gửi gắm trông cậy gì vào nhà nước do Tổng thống Tin Lành đứng đầu, người đã từng cầu nguyện chúa làm sụp đổ hết chùa chiền Phật giáo Hàn Quốc, mới là điều bất hạnh.
Vì vậy, nếu một đại thí chủ nào hoan hỷ sẵn lòng với việc hộ pháp, trong nghĩa hộ pháp gắn liền với bảo vệ truyền thống dân tộc, thì Phật giáo theo truyền thống của mình, tất yếu phải có sự đáp ứng tích cực.
Trước nay, những câu nói đại loại như bất bái vương quyền vẫn được một số vị nhắc đến.
Bất bái vương quyền là một chuyện. Còn hoan hỷ với sự hiến cúng, thủ hộ dưới những hình thức khác nhau của quốc vương, đại thần, trưởng giả, hợp tác giữ gìn truyền thống lại là một chuyện khác.
4. Trong hoàn cảnh Phật giáo Việt Nam hiện nay, không có sự lựa chọn nào khác.
Phật giáo Việt Nam còn có một lực lượng nào khác chia sẻ quan điểm bảo vệ tôn giáo truyền thống dân tộc ngoài Phật tử và những người chịu ảnh hưởng đạo Phật là những lực lượng tự thân vốn có của mình?
Trong tình hình đó, nếu Phật giáo Việt Nam, nếu không tranh thủ những người có cùng quan điểm bảo vệ truyền thống dân tộc giữ gìn người Phật tử trong tôn giáo truyền thống dân tộc, thì chính là Phật giáo Việt Nam tự cô lập mình, đi ngược lại với truyền thống gần 2.000 năm của mình, và tất nhiên sẽ tự làm suy yếu chính mình.
MT