Hoằng pháp đối với đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong mục tiêu lớn của hoạt động hoằng pháp hiện nay.
Nhu cầu này hết sức bức bách vì vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, hiện đang tồn tại nhiều vùng trắng Phật giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho những tôn giáo khác truyền đạo, hay đã trở thành vùng toàn tòng của các tôn giáo khác.
Việc hoằng pháp cho đồng bào dân tộc ít người vùng cao là việc cần phải được tiến hành nhanh chóng, vì hiện nay trong thực tế đang có một cuộc đua ngấm ngầm để vẽ bản đồ phân vùng tôn giáo trên các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, do các tôn giáo khác khá năng động trong việc truyền đạo tiến hành ráo riết.
Thậm chí ở nhiều vùng, người ta bất chấp các quy định của pháp luật mà thực hiện những việc gọi là “truyền đạo trái phép” và sẵn sàng chấp nhận mọi hệ quả của nó.
Trong nhà sách các cơ sở tôn giáo khác, chúng ta sẽ thấy nhiều bộ từ điển tiếng dân tộc thiểu số – tiếng Việt, cho thấy sự đầu tư mạnh mẽ vào mục tiêu này.
Phật giáo chúng ta cũng có nhiều cố gắng, nhưng xem chừng giới hạn hơn, tuy cũng có một số kết quả nhất định.
Nhiều chùa, Niệm Phật đường được xây dựng ở những vùng đồng bào dân tộc ít người, nhất là trên một số vùng ở Tây Nguyên. Cũng đã có nhiều đợt quy y Tam Bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số, số lượng đến hàng ngàn người. Nhiều giáo hội địa phương cũng nỗ lực xây dựng cơ sở có các huyện vùng sâu miền núi…
Đây là một hoạt động lâu dài, khó khăn và tất nhiên là tốn kém.
Vì vậy, Phật giáo chúng ta khó có thể tiến hành đồng thời tất cả các hoạt động hoằng pháp, vì không khả thi (hạn chế về tài chính, nhân sự, kiến thức về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số).
Phật giáo chúng ta cần tính đến những hoạt động tập trung, chọn lọc, trọng điểm định hướng, mũi nhọn, khoanh vùng, nhằm tiết kiệm nhân lực và tài chính, sao cho đạt hiệu quả cao nhất và nhanh nhất.
Không hoằng pháp dàn rộng, mà hoằng pháp tập trung, theo chúng tôi, cần phải đưa ra tiêu chí xác định trọng điểm hoằng pháp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo chúng tôi, những tiêu chí cơ bản có thể là:
1- Thuộc giới trẻ.
2- Có trình độ tiếng Việt thích hợp để tiếp nhận Phật pháp.
3- Có trình độ học vấn khá, giữ vai trò là người trí thức trong cộng đồng người dân tộc thiểu số.
4- Càng tốt hơn, không những là thành phần trí thức, mà còn có thể nắm giữ những trọng trách trong xã hội về sau như quan chức, bác sĩ, thầy cô giáo…
5- Ở trong tình trạng dễ dàng tiếp xúc với Phật pháp.
Đáp ứng đủ 5 tiêu chí trên, chỉ có thể là học sinh sinh viên dân tộc ít người tại các trường dân tộc nội trú, sư phạm dân tộc, Đại học Tây Nguyên, Đại học Đà Lạt…
Tập trung hoằng pháp vào đối tượng học sinh sinh viên dân tộc ít người là một bước “đi tắt đón đầu” trong hoạt động hoằng pháp.
Một hoạt động như thế sẽ tiết kiệm công sức và thời gian đào tạo kiến thức dân tộc học và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số cho tăng ni người Kinh. Hoạt động hoằng pháp tập trung vào đối tượng học sinh, sinh viên dân tộc ít người có thể tiến hành ngay tại những nơi là trung tâm Phật giáo, đồng thời cũng là trung tâm giáo dục dành cho người dân tộc thiểu số như các thành phố, thị xã Ban Mê Thuộc, Đà Lạt, Pleiku, Kontum…
Ở những nơi này, nhiều chùa tọa lạc sát gần các trường có nhiều sinh viên, học sinh dân tộc thiểu số. Phật giáo chúng ta chỉ cần một bước nỗ lực tập trung nhỏ.
Những trường hợp như thế có thể tranh thủ được sự giúp đỡ từ phía Ban Giám hiệu nhà trường, Ban Quản lý các ký túc xá dành cho học sinh sinh viên người dân tộc thiểu số.
Tiến xa hơn, nhà chùa có thể cho ở, nuôi ăn, cấp học bổng cho học sinh sinh viên dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để các em có quan hệ sâu đậm, cũng như có ân nghĩa, tình cảm với Phật giáo.
Mũi nhọn hoạt động hoằng pháp trọng điểm đối với đối tượng là đồng bào dân tộc ít người, nếu thành công, hiệu quả sẽ rất lớn, nhưng với công sức và chi phí rất thấp.
Số học sinh các trường dân tộc có thể xuất gia trở thành những tăng ni dân tộc ít người, tiếp tục được đào tạo ở các trường Phật học, học viện Phật giáo, để đưa sự nghiệp hoằng pháp cho đồng bào dân tộc thiểu số lên một tầm cao mới, do tăng ni tại chỗ đảm nhiệm.
Số sinh viên có thể trở thành những Phật tử trí thức thuần thành, tích cực đóng góp vào hoạt động hoằng pháp.
Tham luận Hội thảo Hoằng pháp 2011;