Trang chủ Văn hóa Du lịch Non thiêng Yên Tử – Quảng Ninh

Non thiêng Yên Tử – Quảng Ninh

80

 

Trăm năm tích đức tu hành
Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu

Trải dài gần 20km trong cánh cung Đông Triều vùng Đông Bắc tổ quốc, khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử thuộc địa bàn hai xã Phương Đông và Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Hầu hết các chùa, am, tháp nằm trong 2.686 ha rừng đặc dụng Yên Tử, có hệ sinh thái đa dạng phong phú của rừng Nhiệt đới và Á nhiệt đới. Trên những triền núi đá còn dấu tích của những vỏ sò, vỏ ốc là minh chứng của một thời kỳ kiến tạo địa chất lâu dài.

 

 

Núi Yên Tử còn được gọi là Bạch Vân Sơn hay Phù Vân Sơn, gắn liền với cuộc đời sự nghiệp của Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) sau hai lần lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Nguyên-Mông thắng lợi đã rời bỏ ngai vàng và xuất gia về Yên Tử tu hành (1299) lấy pháp hiệu Trúc Lâm Đại Đầu Đà, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Từ đây, Yên Tử trở thành Trung tâm Phật giáo của Quốc gia Đại Việt. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Sau khi ông qua đời, người kế tục sự nghiệp là Pháp Loa Đồng Kiên Cương, vị tổ thứ hai của dòng Trúc Lâm và Huyền Quang Lý Đạo Tái vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm. Với tinh thần nhập thế và yêu nước, giáo lý Thiền phái Trúc Lâm trở thành nền tảng tư tưởng dựng nước và giữ nước thời Trần, có ảnh hưởng sâu sắc đến Phật giáo Việt Nam sau này.

Hành trình tới đỉnh non thiêng bắt đầu từ suối Giải Oan với cây cầu đá xanh nối hai bờ suối. Tục truyền, khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông rồi tìm đến cõi Phật, rất nhiều cung tần và mỹ nữ đã đi theo để khuyên ông trở về cung cấm nhưng không được nên đã gieo mình xuống suối tự vẫn. Vua Nhân Tông thương cảm cho lập một ngôi chùa để siêu độ giải oan cho họ, từ đó con suối cũng mang tên chùa: Giải Oan. Xung quanh chùa có 6 ngọn tháp, lớn nhất là tháp mộ vua Trần Nhân Tông, hai bên là tháp mộ sư Pháp Loa và sư Huyền Quang.

Tiếp đó tới chùa Hoa Yên còn được gọi là chùa Cả, chùa Phù Vân, chùa Vân Yên;  nằm ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển. Đây là ngôi chùa chính, quan trọng và đẹp nhất trong hệ thống chùa ở Yên Tử. Nhìn theo thế núi, chùa Hoa Yên tọa lạc nơi đầu rồng. Đôi mắt rồng ở ngôi tháp Tổ, hai dãy núi đông, tây vươn về phía nam ôm lấy con đường hành hương dưới chân núi Giải Oan như đôi cánh tay rồng. Sách xưa ghi lại: chùa Hoa Yên ngoài tiền đường, thượng điện để thờ Phật, tả hữu còn có viện Phù đồ, có lầu trống, lầu chuông, nhà dưỡng tăng, nhà khách nghỉ… tạo thành một quần thể kiến trúc rộng lớn.



 

Phía trước chùa Hoa Yên là Tháp Tổ (Huệ Quang Kim tháp) nằm trong Lăng Quy Đức, được xây dựng năm 1309 sau khi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, là nơi giữ xá lị của Ngài. Trong tháp thờ tượng Trần Nhân Tông ở tư thế ngồi thiền. Đế tháp trang trí hoa văn sóng nước và đài sen cách điệu tinh tế. Xung quanh chùa Hoa Yên, Tháp Tổ có rất nhiều cây tùng, cây đại cổ thụ, tuổi đời đến 700 năm, tương truyền được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên núi tu hành. Ngoài những tượng, bia, tháp cổ, chùa Hoa Yên còn lưu giữ nhiều di vật quí giá: gạch hoa cúc, ngói mũi hài kép thời Trần, phù điêu chạm trên đá hình đầu rồng, sư tử…

 

Phía trên độ cao 700 m là chùa Vân Tiêu ẩn hiện trong làn mây mù bên triền núi cùng nhiều di tích danh thắng nổi tiếng khác như chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá An Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên…

Nằm cách không xa non thiêng là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử – công trình thiền viện lớn nhất Việt Nam, được xây trên nền dấu tích của chùa Lân có tên chữ  Long Động tự. Vua Trần Nhân Tông đã dừng chân tại đây trước khi lên núi tu hành. Năm Kỷ Hợi (1293) ngài đã cho tôn tạo, xây dựng chùa Lân thành một nơi khang trang lộng lẫy, chùa Lân trở thành Viện Kỳ Lân, là nơi giảng đạo, độ tăng. Trong hệ thống chùa tháp ở Yên Tử, chùa Lân là ngôi chùa quan trọng chỉ đứng sau chùa Hoa Yên, nơi có nhiều vị cao tăng đã trụ trì, thuyết pháp, trong đó vua Trần Nhân Tông đã từng giảng đạo tại đây.

Chùa Lân- Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử nằm trên một quả đồi có hình dáng một con lân nằm phủ phục. Danh tiếng và sự nguy nga của chùa Lân còn được lưu truyền trong dân gian qua câu ca: Ngõ chùa Lân, sân chùa Muống, ruộng chùa Quỳnh.  Những dấu tích xưa, ngõ dài rộng, hai bên có nhiều tháp mộ các nhà sư vẫn còn tồn tại tới ngày nay.

 

 
 

Nhưng độc đáo và linh thiêng nhất trong hệ thống những ngôi chùa ở Yên Tử là chùa Đồng tên chữ là Thiên Phúc Tự được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê, tọa lạc trên đỉnh non thiêng cao 1.068 m so với mặt nước biển. Mấy trăm năm trước, Tam tổ Trúc Lâm và các Thiền sư thường ngồi thiền để “Thân hoà đồng trụ, giới hoà đồng tu”. Nơi đây, không gian thiên nhiên bao la, quanh năm mây trắng sương mờ bao phủ. Đứng trên đỉnh núi những lúc trời quang, mây tạnh, phóng tầm mắt ra xa là một bức tranh thiên nhiên vùng Đông Bắc rộng lớn kỳ vĩ với sông Bạch Đằng lịch sử, những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long.

Năm 2007, chùa được trùng tu, đúc mới bằng đồng nguyên chất nặng 70 tấn, chiều dài 4,6 m, chiều rộng 3,6m, cao 3,35m, hình dáng chùa như một đài sen, trong Chùa thờ Đức Phật Thích ca Mâu Ni và Tam tổ Trúc Lâm. Có người nói, chữ Đồng trong tên chùa không chỉ là tên vật liệu đã làm nên 5000 chi tiết chạm khắc, trang trí ngôi chùa mà đấy là chốn thiêng liêng nhất của Yên Tử, nơi đất trời và con người hòa đồng, đắm mình trong một không gian thiên nhiên hùng vĩ;  dưới chân ta là đất Phật còn ngay trên đầu ta đã là cổng trời.

Để lên đến chùa Đồng trên đỉnh  Yên Tử, du khách có thể hành hương vượt chặng đường dài khoảng 6000m, qua hàng ngàn bậc đá, đi giữa đường tùng xanh mát, ngắm mai vàng rực rỡ khoe sắc mỗi độ xuân về hoặc chọn cho mình hành trình ngắn hơn bằng phương tiện cáp treo. Ngắm nhìn toàn cảnh rừng núi Yên Tử từ trên cao, một màu xanh tươi của cây rừng xen lẫn đá núi chắc hẳn sẽ đem đến cho những du khách những cảm nhận mới lạ đầy thú vị.

Trải hơn 700 năm, qua sự biến động của lịch sử, tác động của thiên nhiên, có những chùa am của Yên Tử trở thành phế tích, có những công trình được trùng tu, tôn tạo lại. Song những giá trị lịch sử văn hoá, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm vẫn trường tồn cùng non sông đất nước Việt Nam. Năm 1974, khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đã được Nhà nước xếp hạng là một di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia.

 
 

Non thiêng Yên Tử bốn mùa mây bay khói tỏa, bốn mùa trầm mặc và linh thiêng đón khách hành hương nhưng đông vui nhất vẫn là vào dịp hội Xuân diễn ra từ ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch và kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch. Sự uy nghi của núi non hoà với nét cổ kính trầm mặc của những ngôi chùa, tháp tạo nên vẻ đẹp có một không hai. Hành hương trên những con đường đá mòn, rợp mát bóng tùng, thông, trúc, mai, lắng nghe tiếng róc rách của những con suối nhỏ trong mát, hít thật sâu bầu không khí trong lành, du khách thập phương bỗng quên nỗi mệt nhọc của đường dốc cheo leo.  Ấy là lúc khách trần lạc chốn bồng lai, mọi ưu phiền cũng chợt tan biến như lời câu hát “Mênh mênh mang mang Phù Vân Yên Tử, vi vi vu vu Trúc Lâm thiền tự. Thổn thức nỗi lòng ai kẻ tình si, giữa chốn thiền không tìm người trong mộng”.

Một mùa Xuân mới đang về trên quê hương, mùa của những lễ hội, những chuyến du xuân, thăm thú cảnh đẹp đất nước. Và những người con đất Việt từ mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài lại bắt đầu những chuyến hành hương về với non thiêng Yên Tử, vùng đất Tổ của Phật giáo Việt Nam, để cùng nhau tìm hiểu, bảo tồn và gìn giữ những nét đẹp truyền thống của ông cha.