Trang chủ Văn hóa Du lịch Yên Tử ngàn năm mây trắng

Yên Tử ngàn năm mây trắng

97

Từ Hà Nội xuôi quốc lộ 18 về Chí Linh, Phả Lại – một vùng núi non kỳ vĩ của xứ Ðông xưa – nay là địa đầu của tỉnh Hải Dương. Bên kia là Lục Ðầu giang mênh mông sóng nước; bên này là Côn Sơn, Kiếp Bạc, một vùng danh thắng hữu tình, là nơi yên giấc nghìn năm của Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Trãi…, những bậc anh hùng hào kiệt mà tên tuổi đã tạc ghi sử sách. Qua Mạo Khê, trước mắt thấy sừng sững dải vòng cung Ðông Triều chắn ngang chân trời. Những ngọn núi cao xanh thoắt ẩn, thoắt hiện trong bồng bềnh mây trắng. Núi vẫn đứng đó từ ngàn xưa, mà sao bảng lảng như có như không.

 Hành hương về miền Thiền Trúc Lâm Yên Tử, nơi dừng chân đầu tiên là chùa Giải Oan. Dưới chân, suối vẫn róc rách tự nghìn năm. Dòng suối ngân nga tiếng lòng nuối tiếc của bao cung tần mỹ nữ phải giã biệt đấng quân vương anh minh không màng trần tục quyết chí đi tu. Trời chuyển mùa sang xuân, đường lên Yên Tử xanh ngợp rừng thông, những hạt mưa nhỏ mát lạnh, len lỏi qua tán lá, đậu trên vai, trên mặt khách hành hương thiện tâm đến cửa nhà Phật.  Vùng núi Yên Tử được ví như đôi cánh én, như đóa hoa sen, là xứ trán voi đầu rồng. Cách ví von bao hàm sự ngưỡng mộ, chở che, nâng đỡ từ muôn ngàn năm trước, để biển bờ xưa hóa thành núi, thành rừng sau những cơn biến thiên của trời đất.

Dốc lên thăm thẳm, giữa bạt ngàn cỏ cây là những phiến đá rêu phong làm chứng nhân cho quá khứ và hiện tại cùng về đây hội tụ. Giữa lặng lẽ hoa rơi lá rụng, trong gió thoảng mây trôi, nghe rõ bước chân nơi cửa Phật. Ðường lên cao đi len lỏi dưới tán rừng thông. Tương truyền rừng thông Yên Tử do đức vua Trần Nhân Tông trồng hơn 700 năm trước, mặc sương pha tuyết điểm, vẫn sừng sững đứng giữa trời mà reo, hòa với bản hùng ca dạt dào sóng biển từ cảng Vân Ðồn cùng Bạch Ðằng Giang – dòng nước đỏ hồng cuộn chảy tuôn về Biển Ðông.

Trong mờ ảo khói sương, gần trăm am tháp ẩn hiện như một thế giới u tịch giấu bao điều bí ẩn mà người có duyên mới có thể khám phá.  Bước qua ô cửa vòm, gặp ngay ngôi tháp chính. Không cao lớn, đồ sộ nhưng vẫn là ngôi cao giữa tĩnh lặng bốn bề – tháp Huệ Quang thờ tượng Ðiều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.

Bỏ lại vườn tháp cổ với những gốc cây đại trăm năm tuổi, rễ cuồn cuộn theo đủ mọi hình hài nơi trần thế, bước qua những hàng gạch cổ in hằn dấu thời gian, tôi đếm từng bậc đá trong tiếng chuông ngân nga vọng ra từ ngôi chùa cổ Hoa Yên, nguyên là chùa Vân Yên.

Chùa Hoa Yên xưa đơn sơ, tọa lạc giữa tịch mịch núi rừng, nhưng lại là nơi hoằng hóa của Phù Vân Quốc Sư, nơi Thái sư Trần Thủ Ðộ nói với vua Trần Thái Tông muốn rũ bỏ ngai vàng lên núi không về: ‘Hoàng thượng ở đâu thì triều đình ở đó’. Nơi đây, Ðức Ðiều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông trụ tích đến cuối đời, truyền pháp cho tổ sư Pháp Loa, là nơi Huyền Trang Tôn Giả chong ngọn đèn Tổ đạo…, những gốc đại trầm mình sương tuyết trên 700 năm vẫn xum xuê hoa lá. Nơi kết thúc cũng là điểm bắt đầu, trong cõi u minh vẫn bật lên những mầm sống, để vạn vật bất tử.

Người hành hương về Yên Tử mong một lần chạm tay vào chùa Ðồng. Lên đến đây là lên với cõi đá, đá to đá nhỏ chồng lên nhau như linh thú, như chim, như hoa muôn vẻ châu tuần. Mây trắng cuồn cuộn che lấp cả non xanh. Trời lạnh, chùa Ðồng như thu lại, hội tụ khí thiêng đất trời về một góc. Mây tràn từ cao xuống thấp, điệp trùng như thực như hư, mây che kín đất trời, ngồi cạnh chùa Ðồng mà nhìn người hành hương mờ ảo như sương. Lên đến chùa Ðồng người ta có cảm tưởng như đã đến được Thiên Trúc, bụi hồng trần không chút vấn vương, lòng người phiêu diêu thanh thoát giữa cuồn cuộn mây trôi. Ngước mắt nhìn lên, trời xanh cao lồng lộng, nắng ngũ sắc tạo thành vòm như cánh cửa cõi Niết Bàn đang mở toang, mà ngõ hầu chỉ một cái nhún chân là tới nơi, khẽ giơ tay là chạm tới. Nhìn nghìn thước xuống, rừng trúc xanh thăm thẳm, dạt dào như sóng nước theo từng cơn gió, tựa như dải khăn nhà Phật trải dài trong trắng xóa mây bay. Phóng tầm mắt nhìn ra tít tắp, biển hòa lẫn với  bầu trời xanh biếc mênh mông.          

Người Việt, bằng cách riêng của mình, từ ngàn xưa đã giao ước cùng đất trời mà Yên Tử chỉ là một phần trong dòng chảy linh thiêng ấy. Một bản giao ước giữa con người với sương sa đá núi, với nước chảy thông reo… để ngàn năm sau mây trắng còn bay trên đỉnh non thiêng.