Cuối tuần vừa rồi, hòa vào không khí người người, nhà nhà nô nức đi ngắm sen nở, tôi đưa con mình đến hồ Tây (Hà Nội) chụp ảnh. Là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi muốn con mình tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp nơi loài hoa linh hồn của thủ đô. Thế nhưng, khi vừa tới nơi, chưa kịp chụp bức hình nào, đập ngay vào mắt bố con tôi là hình ảnh nhóm thiếu nữ mặc áo yếm mỏng tang, hở vai và lưng trần, đang trầm mình dưới hồ sen, toàn thân ướt nhẹp, để lộ ra những phần cơ thể nhạy cảm. Vậy là tôi vội vã đưa con rời đi vì không muốn nó phải nhìn thấy những thứ “không phải là sen” kia.
Cứ vào mỗi mùa sen nở hàng năm, những hồ sen ngập sắc hồng trắng luôn là địa điểm chụp ảnh được nhiều người yêu thích. Từ các cô gái trẻ đến các bà trung niên, thậm chí cả các đấng mày râu cũng không bỏ lỡ cơ hội chụp cho mình bộ ảnh “để đời”. Điều đó đủ cho thấy sức hấp dẫn của “quốc hoa”.
Tuy nhiên, bên cạnh những bộ ảnh đẹp, xuất hiện không ít hình ảnh phản cảm, lố lăng. Đó là bức hình chụp từ phía sau của một nhóm phụ nữ trung niên, mặc áo yếm hở hang ở đầm sen, là bức ảnh khoe thân ướt át khi ngâm mình tạo dáng dưới nước hay gần đây nhất là bức hình thiếu nữ khỏa thân dùng sen che cơ thể…
Nhân vật chính với đủ tư thế tạo dáng thô tục, lấy tay hờ hững che ngực, nhiều góc ảnh còn quay hoàn toàn vòng ba vào ống kính… là điều mà người ta thường thấy ở những bức hình này. Đó là cách thể hiện bản thân dễ dãi. Khoe thân mà không đúng nơi, đúng lúc, khoe bằng bất cứ giá nào thì cái thân đó quá rẻ tiền. Họ có thể thành công trong việc gây chú ý, nổi tiếng, nhưng muốn được tôn trọng thì “không”.
Chưa biết những bộ ảnh đấy lấy cảm hứng từ đâu hay mang ý nghĩa, ý đồ nghệ thuật gì? Chỉ thấy sau khi được chia sẻ trên mạng, người xem chỉ thấy sự thô tục, lố lăng và đáng hổ thẹn.
Vậy tại sao nhiều người vẫn bất chấp tất cả, đạp lên dư luận, văn hóa để khoe thân cùng sen? Nhiều người bây giờ dường như không có chuẩn mực về thẩm mỹ, họ liều mạng cởi đồ, chụp xong bộ ảnh rồi hứng thú đưa lên mạng khoe. Nhưng đâu phải cứ cởi là oách, là trở thành ảnh nude nghệ thuật. Với con mắt tầm thường, những người đó chỉ đang tạo nên những bức ảnh trần truồng, dung tục và không có chút giá trị nào.
Tiếng Anh, theo tác giả Kenneth Clark, có sự phân biệt giữa “the naked” và “the nude”. “The naked” – trần truồng, lõa lồ là cơ thể bị tước bỏ quần áo, mang hàm ý trong đó là nỗi hổ thẹn, sự yếu đuối, mất tự do với cơ thể của mình. Ngược lại, “the nude” lại được ngầm hiểu là ngôn từ có văn hóa và thẩm mỹ, không hề mang một chút ám chỉ khó chịu nào. Ấn tượng hiện lên trong tâm trí không phải là hình ảnh một cơ thể co ro và không có khả năng tự vệ, thay vào đó, “the nude”- khỏa thân là sự khơi gợi về một cơ thể cân đối, giàu sức sống và đặc biệt là được phơi bày với tràn đầy sự tự tin: một cơ thể được tái tạo dưới lăng kính nghệ thuật.
Xin nhấn mạnh là chụp ảnh khỏa thân không xấu, đó còn là một môn nghệ thuật, nhưng quan trọng là đúng nơi, đúng lúc. Ai cũng có quyền làm điều mình thích nhưng phải chọn cách phù hợp. Không phải cứ cởi là đẹp và để đẹp cũng không nhất thiết phải cởi.
Tôi tin chắc rằng một bức hình chụp cùng sen trong trang phục áo dài, áo tứ thân, áo bà ba – những quốc phục của dân tộc sẽ đẹp và nghệ thuật hơn nhiều so với không mặc gì hoặc mặc mà như không. Hãy tôn trọng bông sen – một biểu tượng cao đẹp của Việt Nam, đừng biến chúng trở thành thứ tầm thường, chỉ để che đi những bộ phận phàm tục trên cơ thể.
Bảo Nam