Lên đồng – bảo tàng sống của Văn hóa Việt là tiêu đề của một buổi hội thảo vừa diễn tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) chiều tối ngày 23/2. Tại hội thảo, giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đã diễn giải những góc nhìn mới lạ về bản chất của lên đồng với tư cách là một loại hình nghi thức tín ngưỡng đang gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam.
Hiểu thế nào về về lên đồng?
Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng, muốn hiểu về lên đồng thì trước tiên phải hiểu về đạo Mẫu của người Việt. Bản thân đạo Mẫu lại là một vấn đề hết sức rộng lớn và phức tạp.
Hiểu một cách khái lược, đạo Mẫu là sự tôn thờ Thánh Mẫu theo quan niệm đây là người cai quản các miền khác nhau của vũ trụ và có thể che chở cũng như ban phát cho con người sức khỏe, tài lộc. Đạo Mẫu khác với nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác ở Việt Nam ở chỗ, đạo này không hướng con người về một thế giới sau khi chết, mà hướng đến đời sống trần tục ở nhân gian.
Bên cạnh đó, đạo Mẫu là một tín ngưỡng đa thần, với trên dưới 50 vị thần được phân thành các hang bậc từ cao xuống thấp. Vị thần cao nhất là Thánh Mẫu, dưới Thánh Mẫu có hàng Quan, hàng Ông Chầu, hàng Ông Hoàng, hàng Cô, hàng Cậu… Các vị thần cũng được phân theo 4 phủ, được biểu tượng bằng 4 màu khác nhau: Thiên phủ màu đỏ, Địa phủ màu vàng, Thượng ngàn màu xanh…
Lên đồng là một loại hình nghi thức tín ngưỡng đang gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam. |
Lên đồng chính là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị thần này vào thân xác của các ông đồng, bà đồng. Lúc đó họ không còn là mình nữa mà trở thành hiện thân của các vị thần linh trong một màn diễn xướng vô cùng đặc sắc với sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như hát, múa và cả điêu khắc, hội họa…
Trên khía cạnh tôn giáo, lên đồng được coi là một trong những hình thức Shaman (xuất nhập hồn) giáo trên thế giới. Shaman giáo là hiện tượng tâm linh phổ quát của rất nhiều dân tộc trên thế giới, điển hình là ở vùng Siberi Mông Cổ. Tại Hàn Quốc, Trung Quốc…cũng có hình thức tín ngưỡng tương tự lên đồng nhưng có nhiều khác biệt so với lên đồng của Việt Nam.
Chủ nghĩa yêu nước trong lên đồng
Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, đạo Mẫu và lên đồng ẩn chứa nhiều giá trị đối với đời sống tinh thần người Việt ngày nay. Trong đó, có một giá trị rất đặc biệt được giáo sư nhấn mạnh, đó là sự thể hiện chủ nghĩa yêu nước trong diễn xướng lên đồng.
Điều này thể hiện trước hết ở chỗ, khoảng 50 vị thần trong đạo Mẫu phần lớn đều đã được lịch sử hóa, trở thành những nhân vật có công với nước. Đó là những nhân vật lịch sử có thật như Phạm Ngũ Lão, Đức Thánh Trần, Yết Kiêu, Dã Tượng, bà Bát Nàn và nhiều vị khác. Nói một cách khác, những nhân vật lịch sử đó đã được thần thánh hóa.
Diễn xướng lên đồng là sự tái hiện các nhân vật lịch sử. |
Trong diễn xướng lên đồng, sự tái hiện của các vị thần linh cũng chính là sự tái hiện các nhân vật lịch sử kể trên. Trong màn diễn xướng này, các vị anh hùng lịch sử nhập vào thân xác của những ông đồng, bà đồng và được sống lại bằng xương bằng thịt với những hành động, bằng những trang phục đặc trưng.
Bởi vậy, có thể nói, đạo Mẫu chính và diễn xướng lên đồng là biểu hiện của một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa và trở thành tín ngưỡng. Việc tôn thờ những vị thần trong đạo Mẫu chính là tôn thờ chủ nghĩa yêu nước của người Việt. Một chủ nghĩa yêu nước như vậy là rất sâu sắc.
Lên đồng và tinh thần hòa hợp dân tộc
Bên cạnh chủ nghĩa yêu nước, một giá trị khác không kém phần quan trọng của diễn xướng lên đồng là tinh thần hòa hợp dân tộc.
Tinh thần này thể hiện ở sự tích hợp văn hóa, với sự xuất hiện dấu ấn văn hóa của các dân tộc thiểu số trong lên đồng. Đó là các vị thần có nguồn gốc từ các dân tộc miền núi như những vị hàng Chầu, hàng Quan… Đặc biệt thú vị là khi các vị đó giáng đồng vào các ông đồng bà đồng thì từ ăn mặc đến âm nhạc, đến nhảy múa là sự tái hiện lại văn hóa của dân tộc đó. Vì vậy, khi xem lên đồng chúng ta không chỉ thấy được văn nhóa của người Kinh mà còn cả văn hóa của các dân tộc khác.
Có thể khẳng định rằng không có một tín ngưỡng nào của người Việt lại tôn thờ các vị thần thuộc nhiều dân tộc khác nhau như đạo Mẫu. Điều này cho thấy sự bình đẳng trong quan niệm tín ngưỡng, không có sự phân biệt dân tộc lớn, dân tộc nhỏ trong đạo Mẫu.
Đây là sự phản ánh tinh thần cố kết, gắn bó của các dân tộc trong lãnh thổ Việt Nam trước kia trên bình diện tâm linh, một vốn quý mà người Việt Nam ngày nay cần vun đắp để góp phần phát huy tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh kết luận: “Bản chất của lên đồng là tốt đẹp và không phải là một hoạt động mê tín dị đoan. Vấn đề là một số người đã lợi dụng lên đồng để mưu cầu một số điều không tốt. Không một tôn giáo hay tín ngưỡng nào dạy con người làm điều xấu cả, chỉ có con người lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để làm điều xấu mà thôi… Việc chúng ta cần làm là gạn đục khơi trong, thanh lọc để lên đồng luôn là một hiện tượng lành mạnh như cha ông, tổ tiên của chúng ta đã làm”.
Hồng Quân
Lên đồng – Bản sắc văn hóa cần được hiểu đúngTừ bao đời nay, lên đồng đã trở thành một giá trị tín ngưỡng tâm linh thành kính của người Việt. Giá trị đó hiện đang bị nhiều người lợi dụng để mưu lợi, mất dần bản sắc vốn có.
Trung tâm Văn hóa Pháp (24, Tràng Tiền, Hà Nội) chiều 23.2 vừa qua đã trở nên "nhỏ bé" khi có hơn một nghìn người đến tham dự hội thảo đặc biệt "Lên đồng – Bảo tàng sống của văn hóa Việt", đủ thấy giá trị tâm linh từ lâu đã hiện hữu trong tâm hồn mỗi người.
Tìm giá trị đích thực Cử toạ đã "nín thở” theo dõi hơn 40 phút thuyết trình, giải đáp của GS-TS Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng dân gian, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia. GS Thịnh là nhà nghiên cứu chuyên sâu về lên đồng. Bên cạnh những ý kiến của ông, Trung tâm Văn hoá Pháp cũng táo bạo tổ chức một màn "trình diễn" mang đậm nghi lễ diễn xướng đủ để nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, "vỡ ra" những giá trị chân thực, đúng đắn của lên đồng. Lên đồng không phải là một tín ngưỡng độc lập, mà chỉ là một nghi lễ đặc trưng nhất của đạo Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ. Tuy nhiên, nếu xét thuần túy về khía cạnh tôn giáo học, thì lên đồng lại mang những nét đặc trưng của Shaman giáo, một loại hình tôn giáo tín ngưỡng phổ quát trên thế giới và gắn với hình ảnh của các ông đồng, bà đồng. GS Ngô Đức Thịnh cho biết: "Các ông bà đồng ở đây không phải là những người tự nguyện đến với tín ngưỡng này, mà chủ yếu họ bị đẩy tới việc phải ra đồng". Bên cạnh đó, một số trường hợp đã trở thành ông đồng, bà đồng sau những trận ốm tạo nên sự hoảng loạn về tâm thần, khiến họ có những hành vi khác với những người bình thường… Không những thế, lên đồng còn có ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Then của người Tày, Mỡi của người Mường, Một của người Thái… Đừng để bị lợi dụng Có một số trường hợp được gọi là "đồng đua". Theo GS Thịnh: "Đây là những người rỗi rãi, "dư của" đua đòi lên đồng. Với các trường hợp này, hầu hết khi mở phủ không phải do tự nguyện hay ý thích bản thân. Theo họ, nếu không ra trình đồng thì sẽ bị "Thánh hành" hay còn gọi là "cơ đầy".
Trong xã hội hiện đại, từ nông thôn đến thành thị, hình thức sinh hoạt tín ngưỡng lên đồng vẫn tồn tại và có phần phát triển, mở rộng. Cùng với đó, các điện thờ Tứ Phủ trong các chùa chiền đã góp phần tạo nên không khí nhộn nhịp, nhất là trong các dịp có lễ lớn và thu hút đông đảo các tín đồ đến hành hương, dâng cúng. Ngoài khía cạnh tín ngưỡng, nghi lễ lên đồng còn bao chứa những giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo. Trong kho tàng văn học dân gian nước ta, đã có một mảng riêng về lên đồng được sưu tập đang lưu truyền trong dân gian qua thành văn và truyền miệng như huyền thoại, truyền thuyết, hát văn, truyện thơ, câu đối… Lên đồng còn là một dạng "sân khấu tâm linh" với hình thức diễn xướng dân gian tổng thể qua âm nhạc chầu văn và văn chầu. Cũng như những mảng kiến trúc tạo hình tại đền phủ cùng với tranh, tượng thờ, trang phục… tạo nên sự tích hợp đặc sắc về văn hóa. Đáng lo ngại là lên đồng đang bị người ta lợi dụng vì các mục đích khác nhau, thậm chí phản lại tính nhân bản, tính văn hóa vốn có của tôn giáo tín ngưỡng. GS cho rằng: "Không ít người lợi dụng lên đồng để trục lợi, buôn thần bán thánh. Không ít kẻ giàu lên nhờ lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng, đi ngược bản chất của bất cứ tôn giáo nào cũng là hướng thiện, trừ ác". |
Sao văn lại nỡ bỏ đồng?
Có một thời kỳ, lên đồng (hay còn gọi là hầu đồng, hầu bóng, đồng bóng) bị coi là hoạt động mê tín dị đoan và bị bài trừ kịch liệt. Hát chầu văn vốn là một loại hình nghệ thuật diễn xướng, một bộ phận không thể tách rời trong “văn hóa hầu đồng” vì thế mà cũng mang tai họa. Đến nay, chầu văn được nhìn nhận lại, song dư luận chung vẫn coi hầu đồng là hiện tượng mê tín dị đoan. Chầu văn được người ta “gợi ý” để lập hồ sơ xin công nhận di sản văn hóa phi vật thể. Hầu đồng vẫn trong vòng bán tín bán nghi, ít được tìm hiểu. Xem ra, phen này nhiều người sẽ nhảy dựng như “lên đồng” đòi bảo tồn…
Xét đến gốc gác của “đồng” mới thấy “chất” Việt, hồn Việt, văn hóa Việt đậm lắm. Theo quan niệm dân gian, vũ trụ gồm tứ phủ. Mỗi phủ có một Mẫu cai quản. Và thờ Mẫu là truyền thống lâu đời của người Việt. Dưới Mẫu có các Quan, ông Hoàng, Cô, Cậu… tất thảy đều là thần linh. Dân gian cũng tin rằng qua “hầu đồng” con người giao tiếp với thần linh, nhận lời chỉ dạy của thần linh, hoặc đơn giản chỉ là kính ngưỡng, tôn vinh thần linh. Về hình thức, ngoài nhảy múa (lên đồng), còn có ca hát (hát chầu văn, hát nói) nội dung ca từ lời lẽ thường là ca ngợi công đức thần linh, ca ngợi cảnh đẹp tiên giới. Về không gian diễn xướng thường là các điện, đền, phủ thờ thần thánh.
Hầu đồng có hình thức diễn xướng dân gian thú vị. Hát chầu văn là có âm điệu vui tai. Chầu văn ngoài mấy bài “kinh điển” hầu giá, hầu cô, đến nay còn có cả lời cải biên nghe rất hợp mốt. Nhiều nhạc sĩ không ngần ngại đưa cả giai điệu chầu văn vào ca khúc tân kỳ. Có đất diễn, chầu văn lại phát triển mạnh thái quá. Chẳng phải đến cửa phủ, chẳng cứ có giá hầu đồng, vẫn có thể nghe tiếng hát chầu văn. Chầu văn quả là một thứ âm nhạc bình dân tuyệt vời. Tôi có mấy anh bạn, thời du học chỉ thích nghe nhạc pốp, rốc, “mê-ta-níc”, giờ lại đổ ra thích chầu văn. Tôi tới nhà bạn thấy bao nhiêu đĩa nhạc Âu, Á, xanh, đỏ đều xếp xó, nhà rộn rã tiếng cung văn. Ai bảo rằng chầu văn không thể trở thành thứ âm nhạc bác học? Người yêu chầu văn nhiều, nên từng có cả một cuộc liên hoan hát chầu văn khu vực đồng bằng sông Hồng. Rồi mê quá, tự hào quá, người ta còn dự định lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận chầu văn là di sản của nhân loại.
Tới đây, dù ai yêu chầu văn, thông cảm với lên đồng đến mấy cũng phải giật mình. Giật mình vì cái sự hồ đồ của người đời. Vì chầu văn vốn là một “bộ phận” của “văn hóa hầu đồng”, là một phần của tín ngưỡng dân gian. Chầu văn vốn có thể tách rời hầu đồng để trở thành “món ăn tinh thần” trên vài đĩa CD, và băng cắt-xét chứ chầu văn không thể “bỏ rơi” hầu đồng mà trở thành di sản một mình. Vì rằng, UNESCO người ta chỉ công nhận những hiện tượng văn hóa nguyên gốc phản ánh truyền thống của một cộng đồng dân cư. Chầu văn có thể đứng đâu được khi bỏ rơi hầu đồng, bỏ rơi gốc rễ của mình. Làm sao lập được hồ sơ cho chầu văn khi chối bỏ hầu đồng. Nhắn ai đã thương “văn”, thì cũng nên nhớ tới “đồng”.
Ỷ Thiên