Điều này cũng đúng với các vấn đề cảm xúc của bạn. Bạn chỉ có thể đi một quãng rất ngắn trong cuộc sống mà không gặp các vấn đề cảm xúc và mặc dù bạn không cần hiểu biết đặc biệt về chúng khi mọi thứ diễn ra suôn sẻ, bạn thực sự cần tất cả những hiểu biết về mình có thể có khi bạn gặp một giai đoạn gian khó.
Bạn có thể tưởng tượng một thợ cơ khí ô tô mà không hiểu biết rõ ràng về những gì diễn ra dưới cái nắp đậy máy ô tô? Nhưng rất nhiều người trong số chúng ta không hiểu biết rõ về những gì diễn ra dưới vỏ của chính mình.
Bạn càng hiểu biết về bản thân bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, và điều này đúng với cả sự hiểu biết nhờ sự tự quan sát bản thân và hiểu biết thông qua sách vở. Kiến thức này bổ sung cho kiến thức kia; và điều này đặc biệt đúng với sự hiểu biết về cảm xúc. Do đó, chúng ta hãy xem xét cảm xúc ở cấp độ lý thuyết.
Các cảm xúc được đi kèm với những thay đổi thể chất nhất định hoặc có lẽ chúng ta nên nói rằng các cảm xúc bao gồm nhận thức về những thay đổi thể chất xảy ra trong những điều kiện nhất định.
Để minh họa điểm này, hãy lấy ví dụ về điều kiện của sự sợ hãi. Khi bạn trở nên hoảng sợ, nó bắt đầu với một ý nghĩ kinh khủng nào đó trong đầu bạn: ý nghĩ kinh khủng này là nguyên nhân của cảm giác sợ hãi, và nó đi kèm với một dòng thần kinh trong những phần nào đó của não bạn.
Từ não, dòng thần kinh này sẽ đi đến tuyến thượng thận, và nó khiến tuyến này thải vào mạch máu của bạn một chất được gọi là adrenin (hay ít chính xác hơn là adrenalin). Mạch máu sẽ chuyển chất adrenin này vào các cơ quan khác nhau trong cơ thể bạn.
Chất adrenin có một ảnh hưởng rõ ràng đối với nhiều cơ quan trong cơ thể; khi đến gan nó khiến gan tiết vào máu thêm một lượng đường, lượng đường này sẽ cung cấp thêm năng lượng cho các cơ mà nó đến.
Kết quả tiếp theo của chất adrenin trong máu là tim bạn đập nhanh hơn, mắt bạn mở to hơn, và nếu bạn bị thương, máu sẽ tự đóng cục lại dễ dàng hơn.
Bạn có thể thấy tất cả những thay đổi thể chất này có một giá trị rất rõ ràng trong cuộc đấu thể chất thực sự hay bất cứ hoạt động nhanh nào của cơ bắp, ví dụ cung cấp thêm nhiên liệu cho cơ bắp, tim đập và tuần hoàn máu nhanh hơn lại bổ sung nhiên liệu này và thải tro ra khỏi các tế bào; tất cả những thứ này đều có giá trị đối với bạn nếu bạn đang chạy trốn hay đánh nhau, chạy hay leo núi.
Nhưng cũng có những phản ứng phụ. Ví dụ, tóc bạn có xu hướng dựng đứng. Tất nhiên điều này không giúp gì bạn cả nhưng nó thực sự giúp đỡ những người họ hàng trước con người của bạn khi điều này xảy ra với chúng. Nó giúp con mèo trông có vẻ to hơn và dữ tợn hơn và do đó kinh khủng hơn đối với kẻ thù, nó giúp một con nhím vì lông nhím là vũ khí tự vệ thực sự.
Khi bạn dựng tóc gáy, bạn sẽ tự động phản ứng giống như những kẻ họ hàng trước con người này. Nhưng ở trong bạn thì đây là một cơ chế lỗi thời.
Những thay đổi thể chất này không có giá trị sử dụng thật sự trừ khi cần phải hành động; nhưng đó không phải là tất cả câu chuyện. Con người trong thế giới văn minh nói chung không giải quyết các vấn đề của họ theo cách tổ tiên sống trong hang đá hay những người nguyên thuỷ làm bởi vì các vấn đề và môi trường bên ngoài của họ đã khác. Tuy nhiên, những phản ứng vô tình của họ vẫn như vậy.
Trong hầu hết các trường hợp khi một người trở nên hoảng sợ, chiến đấu hay trốn chạy sẽ không giải quyết được vấn đề bởi vì thường là không có một kẻ tấn công rõ ràng để đánh nhau và không có chỗ nào để trốn chạy. Nhưng những thay đổi thể chất diễn ra vẫn như vậy.
Do đó những thay đổi thể chất trong khi sợ hãi thường không thích hợp; không chỉ có vậy, chúng cũng thường xuyên là một điêù gây bối rối bởi vì có quá nhiều nhiên liệu được đưa vào mạch máu của bạn mà không nhằm thực hiện một mục đích nào cả. Theo cách như vậy, bạn có thể có những rối loạn khác nhau về thần kinh và thể xác, đó là kết quả của những rối loạn cảm xúc lặp đi lặp lại, những rối loạn nảy sinh không chỉ từ sự sợ hãi mà còn từ sự bồn chồn lo lắng, ghen tỵ, oán hờn, tức giận và cảm giác tự ti.
Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đó. Trong một xáo trộn cảm xúc, để cho các cơ bắp hoạt động hoàn toàn – như cơ chân để chạy, cơ tay để đánh nhau, v.v. – động mạch phục vụ hệ thống tiêu hoá sẽ bị co lại nên chúng nhận được ít máu hơn. Để chuyển hướng nhiên liệu của mình sang các cơ khác, các cơ của hệ thống tiêu hoá sẽ bị thiếu nhiên liệu và hậu quả là các hoạt động tiêu hoá bị đình trệ một thời gian.
Những xáo trộn như vậy có thể kéo dài vài giờ và bạn có thể nhận thấy các rối loạn tiêu hoá dễ xuất hiện như thế nào, chúng là kết quả của sự sợ hãi, bồn chồn lo lắng, ghen tỵ, oán hờn, tức giận và cảm giác tự ti.
Các thí nghiệm đã chỉ ra rằng những cảm xúc tiêu cực tạo ra các chất độc trong hệ thống cơ thể, và trong những điều kiện thái quá một số tế bào não có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn bị tổn thương bởi những cảm xúc căng thẳng.
Từ tất cả những điều trên bạn có thể thấy rằng một loại nguyên tắc cảm xúc là đáng mong muốn. Khi một người xúc phạm bạn qua điện thoại thì những thay đổi thể chất do sợ hãi hay tức giận có thể đem lại hữu ích nào? Tất nhiên là nó cho bạn thêm sức mạnh để quẳng cái điện thoại qua cửa sổ nhưng điều này không giải quyết được vấn đề. Nếu một người đàn ông phải lòng một nữ diễn viên màn bạc, tim anh ta sẽ đập nhanh hơn cho phép anh ta bắt đầu một cuộc săn tìm tình yêu cổ xưa thô sơ; nhưng trong hoàn cảnh của nền văn minh hiện đại sự săn tìm này sẽ kết thúc hay bắt đầu ở đâu?
*
Có ba phương diện của vấn đề rèn luyện cảm xúc. Phương diện thứ nhất của quy tắc cảm xúc là xây dựng thói quen tự quan sát những điều kiện cảm xúc của chính bản thân. Trong thuật ngữ Phật giáo, điều này được gọi là sự quán sát tỉ mỉ các trạng thái tâm. Phương diện thứ hai liên quan đến việc kiểm soát những biểu lộ cảm xúc khi chúng xuất hiện. Phương diện thứ ba là vấn đề xây dựng một tập hợp mới các giá trị đại loại như nhiều tình huống trước kia đã tạo ra những phản ứng sợ hãi, tức giận, tự khẳng định, v.v., giờ đây không tạo ra những phản ứng đó nữa, họăc ít nhất tạo ra những phản ứng đó ở mức độ thấp hơn.
Không cần nói nhiều về việc phải kiểm soát những cảm xúc có tác động mạnh dẫn đến bất hoà bên ngoài và cả xung đột bên trong; tác động của chúng trong hầu hết các trường hợp rõ ràng là đau khổ. Sự căm thù chủng tộc, thành kiến tôn giáo, thiên kiến chính trị là gốc rễ của nhiều cuộc cãi vã giữa các cá nhân và các dân tộc. Cảm giác yêu ghét lẫn lộn đối với những người thân trong gia đình, cũng như những nỗi sợ vô lý, ám ảnh tội lỗi gây ra những rối loạn thần kinh chức năng và những sự bất thường về tâm thần khác.
Đợi cho đến khi một vấn đề cảm xúc đạt tới mức độ nghiêm trọng mới giải quyết nó cũng giống như là đợi dòng nước chảy nhỏ giọt trở thành dòng nước lũ cuồn cuộn. Phương pháp của đạo Phật là canh phòng liên tục – áp dụng chánh niệm liên tục – trong khi một cảm xúc tiêu cực đang tồn tại như một dòng nước nhỏ và đương đầu với nó ở giai đoạn này; vì khi nó đạt tới quy mô một dòng nước lũ cuồn cuộn thì nhiều thiệt hại bên trong và bên ngoài đã xảy ra.
Cố gắng giải quyết các vấn đề cảm xúc lớn bằng bất kỳ hình thức kiểm soát đè nén nào sẽ dẫn những nguyên nhân thực sự đi sang những hướng khác hoặc làm tăng thêm những ảnh hưởng bên ngoài, do vậy kiểm soát cảm xúc đòi hỏi một cách nào đó tốt hơn bất cứ hình thức đối trị bề ngoài nào có thể đem lại.
Kiểm soát cảm xúc cần phải bắt đầu với điều mà Đạo Phật gọi là quán sát chi tiết trạng thái tâm. Đây là vấn đề tự quán sát liên tục với quan điểm nhằm phát hiện ra sự có mặt của bất kỳ cảm xúc nào có thể làm trì trệ sự tiến bộ của tâm hướng tới giác ngộ.
Việc nhận ra những cảm xúc làm ngăn trệ đó trong những dạng vi tế và kín đáo nhất của chúng rất được coi trọng trong thực hành Phật giáo vì cần phải nhìn xem chúng có mặt vì cái gì trước khi chúng phát triển lên một quy mô lớn hơn. Nhận biết là yếu tố cần thiết đầu tiên để kiểm soát.
Để kiểm soát các cảm xúc bạn phải biết là bạn đang kiểm soát cái gì và sự hiểu biết đó (ngoài khía cạnh lý thuyết của nó) là công việc của chánh niệm. Nếu không có điều này thì những nỗ lực kiểm soát chỉ bằng sức mạnh ý chí có thể suy thoái biến thành sự ức chế tai hại.
Ức chế là vấn đề đè nén những trạng thái tâm không mong muốn xuống dưới tầm chúng tiếp cận được với ý thức. Mặt khác, công việc của chánh niệm là đem ánh sáng tròn đầy của sự tỉnh giác sắc bén chiếu vào tất cả các trạng thái tâm, các trạng thái không mong muốn và các trạng thái khác, và điều này rất trái ngược với ức chế.
Tất nhiên, có những trường hợp trong cuộc sống hàng ngày bạn phải dùng rất nhiều nỗ lực ý chí để ngăn cảm xúc bột phát. Bạn phải đóng chặt cảm xúc mặc dù bạn biết rằng sự kiềm chế này gây nên sự căng thẳng có hại về tâm và thân.
Những lúc khác bạn lại cảm thấy tuyệt đối cần thiết phải trút những cảm xúc tiêu cực ra ngoài, như căm ghét, nhỏ nhen, hằn học mà bạn nhận biết. Bạn cảm thấy cần để cho những cảm xúc của bạn bộc lộ ra bên ngoài bất kể hậu quả như thế nào.
Điều gì đúng và điều gì sai? Đúng và sai là những từ có tính quy ước, đôi khi nó làm mờ vấn đề thực sự. Câu hỏi thực sự là điều nào về lâu dài sẽ ít có hại hơn? Bạn phải hoặc là kiểm soát bằng mọi giá – và điều này theo một vài chuẩn mực là điều đúng để làm; hoặc là mặc kệ nó và để lối thoát cho những cảm xúc sai trái của bạn.
Câu trả lời, ít nhất một phần, là bất kể bạn làm gì bạn phải làm với chánh niệm nhiều nhất có thể trong tình huống đó. Nếu bạn phải buông ra và để các cảm xúc của bạn được bộc lộ, nếu bạn phải nhường đường cho sự khó chịu, than thân, ghen tỵ hoặc bất cứ cảm xúc đó là gì, bạn nên ý thức nó đầy đủ như bạn có thể và nhận ra bản chất của nó. Theo cách này, bạn sẽ kiểm soát nó ở mức độ nào đó, nhưng một khi bạn tìm cách để biện hộ hay dối gạt bản thân về việc bạn đang làm thì bạn bắt đầu đánh mất sự kiểm soát này.
Tất nhiên, bạn phải cân nhắc ảnh hướng của nó đến những người khác, và từ quan điểm này sự bột phát cảm xúc thường là hoàn toàn sai trái. Từ một quan điểm – quan điểm về sự phát triển của bản thân bạn – thì làm sai với chánh niệm tốt hơn là làm đúng mà thiếu chánh niệm; tỉnh giác hoàn toàn với điều bạn đang làm và tại sao bạn làm vậy – mặc dù sai theo thói thường – thì tốt hơn là làm một điều đúng theo quy ước mà mình không hiểu tại sao.
Khi những cảm xúc của bạn quá mạnh và bạn nhường đường cho sự bột phát cảm xúc, sự bột phát này có thể được xem là một sự thất bại, nhưng vì bạn là người bình thường, không phải là siêu nhân, những sự thất bại này thỉnh thoảng sẽ xảy ra. Nếu bạn rèn luyện bản thân trong chánh niệm – đặc biệt là trong sự quán sát tỉ mỉ các trạng thái tâm – thì những thất bại sẽ càng ngày càng ít đi. Điều quan trọng là tiến bộ đang diễn ra.
Minh Nguyệt (dịch)