Hành trình hơn 60 năm trời đi tìm lại hài cốt của gia đình liệt sĩ chỉ được hé mở khi có sự tham gia tận tình của nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy.
Tôi gặp nhà giáo Quan Lệ Lan vào một ngày đầu xuân Tân Mão 2011, ngay trước chuyến công tác của bà đi Thái Bình, dự lễ trao tặng bằng khen của chính quyền địa phương cho những đóng góp của một nhà ngoại cảm trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Hiện bà Lan là Phó chủ nhiệm thường trực Bộ môn Cận tâm lý của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Giọng nói trầm, ấm của người cựu giảng viên đại học đưa chúng tôi trở lại những ngày cuối của năm 2009, khi cuộc tìm kiếm di cốt liệt sĩ Đặng Thị Kim đạt kết quả cuối cùng với niềm mong mỏi đằng đẵng hơn nửa thế kỷ của gia đình và người thân…
Liệt sĩ Đặng Thị Kim sinh ngày 19/12/1929 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Bà là cháu họ của cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Trước năm 1945, bà Kim vào Nha Trang ở cùng với người cậu ruột. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, người cậu ruột trở ra Bắc, bà Kim ở lại và thoát ly tham gia hoạt động cách mạng khi mới 16 tuổi. Tháng 12/1946, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 6/1948, bà kết hôn với ông Trương An là Phó bí thư Tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa.
Đầu năm 1948, địch khủng bố gắt gao, nhiều cán bộ bị bắt và bị giết hại. Những chiến sĩ kiên cường như Đặng Thị Kim không nản chí, tiếp tục cùng đồng đội bám sát địa bàn. Ngoài công tác phụ nữ, bà đã xây dựng một tiểu đội nữ du kích làm nhiệm vụ canh gác, dẫn đường cho cán bộ và tiếp tế lương thực, thuốc men lên chiến khu.
Tháng 8/1948, từ Nha Trang, bà cùng hai cán bộ nam đi thuyền qua eo biển về chiến khu ở huyện Vĩnh Xương dự hội nghị, thì bị canô của địch đón bắt. Địch đưa một kẻ phản bội nhận diện và biết bà là vợ của một cán bộ cao cấp của Tỉnh ủy Khánh Hòa, bản thân là Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời Thị ủy Nha Trang, nên chúng tra tấn bà rất dã man hòng moi tin về các cơ sở hoạt động bí mật của ta lúc bấy giờ.
|
Con hẻm số 74 sau khi được cải tạo. Ảnh: Châu Long. |
Lúc ấy bà đang mang thai gần 3 tháng. Chúng giở đủ các trò tra tấn tàn bạo như quay điện, treo ngược người để đánh; tra nước; "lộn mề gà" cho hộc máu; đạp giày đinh lên bụng đang mang thai… Bất chấp đòn thù, bà một mực không khai báo. Bất lực trước tinh thần bất khuất của người phụ nữ mới 19 tuổi, đầu tháng 9/1948, vào một đêm tối trời giặc Pháp và tay sai đã bí mật đưa bà Kim đi thủ tiêu tại một khu vườn nằm trong sân bay Nha Trang.
Kể từ ngày ấy, người thân trong gia đình bà bên cạnh niềm tự hào về sự hy sinh anh dũng của bà là nỗi khắc khoải canh cánh bên lòng khi không thể nào tìm được nơi nữ liệt sĩ bị giặc vùi thây. Sau này, người em của bà, ông Đặng Vũ Quang Huyễn đã không ít lần cùng những người thân trong gia đình tổ chức tìm kiếm hài cốt của liệt sĩ Đặng Thị Kim, nhưng chưa có kết quả.
Ông Huyễn có kể, khoảng năm 1952, khi thành phố Hải Phòng đang bị giặp Pháp chiếm đóng, một hôm tại phòng mạch đông y Chu Sĩ của ông Nguyễn Tư Phấn, cậu ruột của nữ liệt sĩ Đặng Thị Kim (cũng là cậu ruột ông Đặng Vũ Quang Huyễn) có một thanh niên tìm đến xin được bắt mạch. Trong khi bắt mạch, người thanh niên cứ lân la hỏi về xuất xứ Nam Định của gia đình thầy thuốc. Về sau mới biết người thanh niên này từng tham gia công tác cùng bà Oanh từ năm 1945. Mặt trận Nha Trang bị vỡ anh ta bị ép đi lính cho Pháp.
Cái đêm bà Kim bị giặc sát hại, anh ta là phiên dịch của viên sĩ quan trẻ người Pháp. Trước khi bà bị sát hại, bọn chúng lại tiếp tục tra tấn bà Kim rất dã man. Một tên Pháp rút súng kề vào đầu bà và hỏi trước khi chết bà còn muốn nói gì không? Bà đã trả lời bình thản: "Chúng mày coi tao là có tội thì cứ giết tao, nhưng con tao trong bụng vô tội, chúng mày hãy để tao sinh con rồi hãy giết". Nhưng do sợ gây tiếng nổ sẽ kinh động đến dân làng xung quanh, quân địch đã xúm vào dùng dao cắt cổ bà. Nghe nói viên sĩ quan Pháp sau khi tham gia vụ hành quyết, do quá khiếp sợ trước khí phách của người con gái mới 19 tuổi, đã viết đơn xin từ chức.
Dù có mặt trong đêm hành quyết, nhưng do trời tối, lại thêm quá sợ hãi trước khí phách của bà, chẳng ai mảy may khái niệm về địa điểm chính xác nơi chôn cất thi thể những chiến sĩ cách mạng bị sát hại đêm hôm ấy. Hơn nữa, vào thời điểm tiếp nhận thông tin, điều kiện lúc ấy cũng không cho phép người nhà họ Đặng tìm kiếm bà Oanh được.
Trong khi bức màn bí mật về nơi mai táng liệt sĩ Đặng Thị Kim vẫn khép kín trong suốt thời gian dài ấy, đầu tháng 12/2009, nhờ sự giới thiệu của nhiều người, ông Huyễn và hai người cháu đã tìm đến gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy, là cộng tác viên của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người nhờ giúp đỡ. Tại Hà Nội, bằng phương pháp giao cảm đặc biệt, ông Nguyễn Khắc Bảy cho biết, di cốt của liệt sĩ Đặng Thị Kim đã không còn ở chỗ cũ và có thể không còn đầy đủ nữa!
Đến đây chúng tôi xin phép cắt ngang với bạn đọc một chút. Nguyên theo nhà giáo Quan Lệ Lan, các nhà ngoại cảm dùng các cơ chế khác nhau để tìm kiếm thông tin mà người thường không bao giờ có thể hiểu được. Và chính vì thế cách thức mà các nhà ngoại cảm sử dụng cũng chính là đối tượng nghiên cứu của Bộ môn Cận tâm lý.
Có người được coi là có khả năng nhìn thấy và nói chuyện được với “người âm” như nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Có nhà ngoại cảm lại có thể bộc lộ khả năng mời gọi “người âm” (vong) về, áp vào người đang sống để hỏi chuyện. Còn như nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy, được coi là có khả năng khai mở Luân xa 6 của thân nhân người đã khuất để lấy thông tin. Riêng khả năng đặc biệt này của nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy đã được biết đến vượt qua khỏi biên giới lãnh thổ và đã từng có một kênh truyền hình nước ngoài quay riêng một bộ phim tài liệu về ông, đưa hình ảnh đến với cả thế giới. Những khả năng như thế hiện nay vẫn chưa có được cơ sở khoa học chắc chắn nên đang được coi như những giả định để nghiên cứu.
Trở lại câu chuyện tìm mộ liệt sĩ Đặng Thị Kim. Sau khi nhận được thông tin từ nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy, ông Huyễn đã liên hệ với ông Hoàng Quang Khanh, một cựu chiến binh nhiều năm sinh sống tại thành phố Nha Trang, nhờ ông Khanh tìm địa chỉ có những đặc điểm như nhà ngoại cảm đã chỉ dẫn trên sơ đồ. Mặc dù rất thông thạo đường phố Nha Trang, ông Khanh cũng mất gần nửa tháng để tìm ra con hẻm có đặc điểm và sơ đồ khá trùng lặp với chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy, đó là hẻm 74, đường Trần Phú.
Liên hệ với chính quyền phường Vĩnh Nguyên thì được xác nhận địa bàn này chính là khu vực sân bay Nha Trang cũ. Vào giữa tháng 10/2009, khi thi công cải tạo mương thoát nước, đơn vị thi công đã phát hiện ba bộ hài cốt, trong đó có một bộ không tìm thấy xương sọ. Những bộ hài cốt này được tìm thấy ngay dưới mương, khu vực gần nhà ông Nguyễn Quang Tiến, là Tổ trưởng dân phố. Sau khi làm đầy đủ các thủ tục theo quy định, ba bộ hài cốt nói trên đã được đưa vào mai táng trong nghĩa trang liệt sĩ của địa phương và ghi số thứ tự là 159, 160 và 161.
Kỳ lạ thay những chi tiết trên chính xác gần như tuyệt đối với những thông tin mà ông Huyễn và gia đình họ Đặng tiếp nhận từ nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy trước khi lên đường. Để đại diện gia đình liệt sĩ dễ hình dung hơn, nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy còn lấy giấy vẽ sơ đồ, trên sơ đồ ghi rõ: "Mương thoát nước khi đào đã phát hiện ra một mộ nằm hơi chéo với mương nước, gần một ngã ba nhỏ, mộ này không còn sọ (đầu), họ không thấy màu đen và mục nát rất nhiều. Khoảng giữa tháng 10/2009 có 4 người công nhân đào trước cửa nhà anh Tâm thấy". Nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy còn nói thêm: "Nếu không phải tên là Tâm thì là người có tên vần T".
Sơ đồ nơi liệt sĩ Đặng Thị Kim bị giặc Pháp thủ tiêu. Ảnh: Châu Long. |
Như vậy rất có thể hai bộ hài cốt còn lại là của liệt sĩ Vũ Tiến Trung quê Phú Yên và liệt sĩ Nguyễn Văn Đài quê Khánh Hòa, cùng bị địch bắt với liệt sĩ Đặng Thị Kim tối hôm ấy. Tuy nhiên vì chưa đủ cơ sở nên nhà ngoại cảm chỉ có thể đưa ra phỏng đoán từ những thông tin nhận được qua giao tiếp chưa chính thống. Gia đình liệt sĩ Đặng Thị Kim cũng đã có ý kiến đề nghị địa phương tổ chức xác minh để tìm thân nhân cho 2 đồng chí này.
Theo chỉ dẫn của địa phương, ông Huyễn và gia đình lại tìm đến nghĩa trang liệt sĩ. Khi đến nghĩa trang, quả đúng có 3 ngôi mộ khuyết danh còn mới có ghi số như trên. Đứng trước 3 ngôi mộ, ông Huyễn gọi điện cho nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy ở Hà Nội và được nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy thông báo ngay: "Cháu ông là Đặng Thị Nga đang đứng trước ngôi mộ số 160 chính là mộ của liệt sĩ Đặng Thị Kim". Nhìn sang thì quả như lời nhà ngoại cảm, lúc đó chị Nga – cũng là cháu liệt sĩ Đặng Thị Kim, đi cùng đoàn – đang đứng đối diện ngôi mộ số 160 trong tâm trạng xúc động cao độ, vai rung bần bật…
Được biết gia đình ông Đặng Vũ Quang Huyễn đã làm các thủ tục xin phép di chuyển hài cốt số 160 về an táng tại quê nhà, thôn Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định). Một mẫu xương từ hài cốt số 160 đã được lấy đưa đi xét nghiệm ADN. Đến đầu tháng 6/2010, gia đình ông Huyễn đã nhận được giấy xác nhận kết quả giám định gien hài cốt liệt sĩ của Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam do Viện trưởng Trương Nam Hải ký, đóng dấu ngày 2/6/2010 xác nhận mối quan hệ huyết thống của mẫu hài cốt gửi đi phân tích với người thân trong gia đình.
Tháng 7/2010, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình gửi Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Đặng Thị Kim. Hơn 60 năm sau ngày hy sinh, Lễ truy điệu người nữ liệt sĩ kiên trung đã được tổ chức trọng thể tại quê nhà. Cảm kích trước gương hy sinh oanh liệt của bà, Giáo sư – Anh hùng lao động Đặng Vũ Khiêu đã kính tặng bà đôi câu đối:
Vì nước quên thân, năm tháng chưa khô dòng máu biếc
Về quê gửi cốt, gió mưa vẫn vọng tiếng oanh vàng.