Trang chủ PGVN Cửa thiền Tổ ấm nơi cửa Phật

Tổ ấm nơi cửa Phật

116

Cách đây hơn 10 năm, trong những chuyến dẫn đoàn từ thiện chùa Pháp Võ đi hành thiện giúp đỡ người nghèo trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận, ni sư Thích Nữ Như Thảo rất xúc động và thương cảm trước tình cảnh éo le của những em nhỏ mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi, không người thân, không nơi nương tựa, sống lây lất. Ý tưởng và quyết tâm làm một điều gì đó để cưu mang những số phận bé nhỏ bất hạnh, giúp đời vơi bớt khổ đau hình thành và nung nấu trong lòng vị sư nữ.

Cảm kích trước tấm lòng nhân ái, hành động vì đời của vị nữ tu, Công ty Mékong 2000 (Pháp) đã trích quỹ hoạt động xã hội của mình tặng chùa Pháp Võ 11.000 EUR để xây dựng trường, đó là vào đầu năm 2000. Ban đầu mới thành lập, do diện tích chỉ vỏn vẹn 200m², cùng những khó khăn về cơ sở vật chất khác nên ban quản lý trường chỉ nhận khoảng hơn 30 trẻ. Chưa đầy một năm sau, số lượng trẻ tăng lên gần 50 em, đến cuối năm 2010 hơn 100 em, công việc chăm trẻ vì vậy cũng trở nên cực nhọc.

Suốt hơn chục năm, để có được nguồn kinh phí mỗi tháng từ 25-30 triệu đồng chi tiêu cho việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ, sư Như Thảo cùng các vị sư nữ, nhân viên tình nguyện khác đều phải tự lực cánh sinh bằng cách mở cửa hàng bán kinh sách, nhang đèn và quán cơm chay ngay trước cổng chùa. Ngoài ra, vào các ngày lễ Vu Lan, Tết Nguyên đán, trong mỗi phong thư đựng thiệp chúc phúc lành gởi cho các phật tử đến viếng và hành đạo tại chùa, ban quản lý trường đều bỏ kèm thư ngỏ kêu gọi lòng từ tâm của bá tánh gần xa góp công đức cứu vớt những mầm xanh bé bỏng.

Năm 2005, từ nguồn kinh phí tự tích lũy kết hợp với sự hỗ trợ của Tập đoàn Unilever Việt Nam, trường mồ côi Pháp Võ được sửa chữa, nâng cấp và xây thêm các công trình phụ trên diện tích hơn 500m2 bao gồm một dãy nhà văn phòng, một khu hội trường, dãy nhà lưu trú 1 trệt 1 lầu cho trẻ và khu nhà bếp khá khang trang, trị giá hơn 700 triệu đồng.

Kết thúc câu chuyện thú vị, ni sư Như Thảo ân cần mời chúng tôi tham quan một vòng toàn bộ khu vực ăn ở, học tập và sinh hoạt của trẻ. Phòng đầu tiên ngay dưới tầng trệt có tên gọi “Pháp Hoa”. Có bước vào trong mới thấy cách dạy trẻ của nhà chùa bài bản không khác trường học ngoài đời. Tất cả sách vở, chăn gối, đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt, vệ sinh cá nhân đều được các em nhỏ sắp xếp ngay ngắn, gọn gàng, đúng vị trí.

Tại các phòng “Da Du”, phòng “La Hầu La” ở lầu 1 cũng tương tự. Thấy chúng tôi thắc mắc về cách đặt tên khá độc đáo cho các phòng, ni sư vui vẻ giải thích: “Các tên gọi ấy đều lấy từ sự tích về Đức Phật Thích Ca và trong kinh Phật. Tên gọi Pháp Hoa lấy từ kinh Phật; Da Du và La Hầu La là tên gọi vợ và con trai của Đức Phật trước khi xuất gia tu hành”.

Thời gian lặng lẽ trôi, hơn mười năm, những “cây đời” mà ni sư Như Thảo cùng các thành viên ban quản lý trường tận tâm vun trồng đã đơm hoa, kết trái. Hơn 50 em khôn lớn, trưởng thành bước vào đời đều có công ăn việc làm ổn định. Đặc biệt, 2 em Trương Thị Hoài Nhân (22 tuổi) và em Hoàng Thị Phương (23 tuổi) đang học cao học ngành lịch sử Phật giáo và Tâm lý học tại Trung Quốc.

Trong số hơn 90 em còn đang nương tựa tại Mái ấm Pháp Võ, có 11 em hiện đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng trong thành phố. Chia tay Mái ấm tình thương Pháp Võ trong tiếng kinh kệ hòa nhịp với tiếng chuông, mõ trầm hùng, ni sư Như Thảo bày tỏ: “Tâm nguyện lớn nhất của tôi là mong các con lớn lên khỏe mạnh, đỗ đạt, sống nên người. Sắp tới trường đang có kế hoạch nâng cấp thành trung tâm nuôi dạy, hướng nghiệp cho trẻ mồ côi và sẵn sàng tiếp nhận thêm nhiều trẻ từ các nơi gửi đến”.