Những ngày tôi lang thang ở vùng đất Lumbini (Nepal), nơi hành hương linh thiêng của tín đồ Phật giáo nằm dưới chân dãy núi Himalaya, cả người tựa hồ như bị bóp nghẹt dưới nắng nóng gay gắt trên 40 độ C.
Dấu xưa hồn đất
Để chống lại nắng nóng “muốn phát điên”, người dân vẫn trung thành với kiểu xây nhà bằng đất sét trước làn sóng du nhập cách xây dựng bằng bê-tông hiện đại. Theo một người dân địa phương, những ngôi nhà đất sét chống lại động đất tốt hơn nhiều tòa nhà bê-tông và thích nghi với môi trường.
Ở Lumbini nói riêng và Nepal nói chung, chuyện xây nhà không dành riêng cho nam giới. Vào buổi sớm mai ở ngôi làng gần Vườn Thiêng, những người phụ nữ nhào trộn phân bò vào đất sét. Hỗn hợp thần thánh này giúp tường bền chặt và có khả năng chống mưa tốt hơn. Bên trong nhà, đôi khi được người dân trong làng trát bằng bùn từ đất sét đỏ, trấu và phân bò.
Bức tường làm bằng đất sét có dấu phân bò
Một người phụ nữ khác mà tôi bắt chuyện lại có công thức trộn hồ độc đáo: Thêm sữa và dầu hạt lanh vào hỗn hợp. Theo bà, với công thức này, không cần tốn công sức bảo trì nhà cửa mỗi năm.
Những căn nhà đất sét đơn sơ được tạo thêm điểm nhấn ở các khung cửa sổ hình vuông, tam giác cùng một chút màu sắc hoặc đơn giản chỉ là những dấu chân bằng phân bò bên ngoài bức tường gạch nung.
Giữa con đường dài thượt chạy dọc những căn nhà đất sét, tôi chỉ có thể cứu mình khỏi cái nóng đổ lửa khi trốn vào một vài “ốc đảo xanh mướt” là những rặng cây bất ngờ trên đường làng hoặc cầu viện những chiếc xe máy kéo đang chạy bon bon.
Hân hoan nơi đất Phật
Cùng với Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya – nơi đức Phật thiền định 49 ngày), vườn Lộc Uyển (Sarnath – nơi đức Phật lần đầu giảng pháp) và Câu Thi Na (Kushinagar – nơi đức Phật nhập Niết bàn) ở Ấn Độ, Lumbini thu hút khách hành hương và đầy quyến rũ với khu Vườn Thiêng.
Khu vườn rộng 2,56 km2 với những thánh tích quan trọng như hồ Puskarni – nơi hoàng hậu Maya tẩy trần trước khi hạ sanh thái tử; chùa Mayadevi – nơi bảo tồn nhiều di tích, trong đó có phiến đá in hình dấu chân Phật được phát hiện vào năm 1996, đánh dấu chính xác nơi thái tử đản sanh; đặc biệt nhất là trụ đá vua Ashoka. Cách vườn không xa là các chùa, tu viện của các nước đến xây dựng cho khách hành hương của nước mình dừng chân ghé thăm.
Tất cả khách hành hương đều phải đi chân trần giữa nền đất bị ông trời nung rát da. Dẫu vậy, ai nấy cũng đều hân hoan thả mình giữa màu xanh rì của bãi cỏ, giữa hàng ngàn lá cờ ngũ sắc phất phơ trong ánh nắng, hay giữa những di tích đền đài miếu mạo của một thuở huy hoàng.
Lumbini là nhà của sếu đầu đỏ
Lumbini không chỉ là nơi đức Phật sinh ra mà còn là nhà của sếu đầu đỏ (Sarus Crane), loài chim bay cao nhất thế giới và thường được coi như biểu tượng của sự chung thủy. Nông dân ở Lumbini tin rằng nếu sếu đầu đỏ xuất hiện ở trang trại, họ sẽ có một vụ mùa bội thu. Hễ khi thu về, đồng cỏ với những khoảng nước ngập sau mùa mưa, sếu sẽ về làm tổ.
Tuy nhiên, sếu đầu đỏ đang bị đe dọa, chủ yếu do mất môi trường sống và việc người dân sử dụng thuốc trừ sâu phần nào ảnh hưởng đến thức ăn của chúng. Thế nên nhiều năm trở lại đây, người ta đã tìm cách cứu lấy loài chim quý hiếm này.
Vườn Thiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1997. Chính phủ Nepal có kế hoạch phát triển Lumbini thành một thành phố hòa bình của thế giới và cũng là trung tâm học tập Phật giáo
Huệ Bình