Đường xá của một tỉnh giáp Hà Nội cũng đông đúc và chật chội không kém gì đất thủ đô. Ấy vậy mà vừa bước qua cổng chùa, chúng tôi đã cảm nhận được bầu không khí trong trẻo, mát lành, thanh tịnh.
Hương cau buổi sớm thơm ngát quyện với hương lúa dìu dịu được những làn gió nhẹ đưa từ cánh đồng trước cổng chùa đã xua tan sự mệt nhọc, nóng bức suốt chặng đường đi.
Trên chính điện, Thầy giảng sư đang thuyết pháp từ tốn, chậm dãi trong sự tôn nghiêm, chăm chú của thính chúng.
Âm thanh và hương vị giải thoát bao trùm không gian của một ngôi chùa nhỏ giữa làng quê Bắc bộ khiến chúng tôi thực sự xúc động.
Dòng chảy Phật giáo trên mảnh đất Việt thân yêu gần hai ngàn năm qua như hội tụ, tái hiện linh thiêng nơi mái chùa nhỏ này, dưới mỗi hàng cau, lũy tre, và qua những tấm y vàng trên chính điện, nâu sồng trong đời sống hàng ngày, và đặc biệt qua đời sống Tăng đoàn đậm sắc từ bi, chính niệm, hòa hợp trong mùa an cư mà lần đầu tiên tôi có duyên được chứng kiến.
Một Đại đức cho chúng tôi biết truyền thống an cư luôn được duy trì nghiêm ngặt từ hàng ngàn năm nay.
Trước đây, khi Phật giáo chưa thống nhất, các tăng sĩ thường an cư theo sơn môn. Huynh đệ trong cùng sơn môn từ nhiều tỉnh, thành quây quần như một gia đình lớn nơi chốn tổ.
Các sơn môn tự giảng dạy kinh, luật, luận và truyền giới cho hàng đệ tử.
Sau khi Phật giáo thống nhất, việc an cư được Giáo hội tại địa phương tổ chức.
Do đặc thù của Phật giáo miền Bắc là thường mỗi chùa chỉ có một vị tu sĩ, và trong một năm phải bận rất nhiều công tác Phật sự nên an cư là dịp rất tốt để giữ cho tâm được bình an trước cuộc sống xô bồ, phức tạp bên ngoài.
Đây cũng là dịp để trải nghiệm đời sống tăng đoàn thực sự, nghiêm trì giới luật, hòa hợp và sách tấn lẫn nhau.
Vì những lẽ đó nên việc an cư ở đây không thể dễ dàng tùy duyên ứng biến.
Một nét đặc trưng riêng ở Phật giáo miền Bắc là không có an cư tại chỗ hay tâm niệm an cư mà các tăng ni phải tập trung về các trường hạ.
Một nét đặc trưng nữa của hạ trường là duy trì giảng kinh theo truyền thống: đọc bình văn cắt nghĩa, nghĩa là một thầy đọc văn kinh chữ Hán, giảng sư giải thích, mở rộng nghĩa kinh.
Phương pháp này cổ nhưng tích cực vì khiến mọi người đều phải học chữ Hán, tìm hiểu nghĩa kinh từ nguyên bản gốc, ai cũng phải xem bài trước khi đi thính pháp.
Năm nay (2006), tỉnh Hà Tây có bốn trường hạ đặt tại các chùa Mỗ Lao, chùa Võ Lăng, chùa Thầy và chùa Hội Xá.
Riêng trường hạ chùa Võ Lăng, có 132 vị Tăng Ni vân tập từ các trú xứ trong huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức.
Thời gian an cư bắt đầu từ ngày 15/5 và kết thúc vào 15/7 (nhuận) Âm lịch.
Chương trình giảng dậy của 4 trường trong tỉnh là giảng: Luật Huyền Ty và kinh Thuỷ Sám.
Chùa Võ Lăng được THPG Hà Tây chọn làm trường hạ từ năm 1993 do cố hoà thượng viện chủ tổ đình Võ Lăng: thượng Thanh hạ Viên – nguyên trưởng BTS tỉnh hội Phật giáo Hà Tây sáng lập.
Việc được chọn làm trường hạ là một vinh dự rất lớn nên Thầy trụ trì hiện nay là ĐĐ. Thích Tiến Thịnh cùng các huynh đệ đã kế thừa tổ nghiệp, duy trì, tu bổ, xây dựng rất nhiều cơ sở vật chất như chính điện (kiêm pháp đường), tổ đường (kiêm trai đường), hành lang, tăng phòng v.v… để đón chư tăng về an cư.
Dự kiến trong tương lai sẽ kiến tạo mới pháp đường, tam quan v.v…
Một ngày ở trường hạ chùa Võ Lăng bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng và kết thúc lúc 21h30 tối với những hoạt động như tụng kinh, niệm Phật sáng và chiều, thính pháp, ôn bài chiều.
Ngoài ra, vào tối chủ nhật hàng tuần, trường hạ cũng tổ chức giảng pháp cho Phật tử để gieo duyên lành, gieo phúc cho chúng sinh, tăng trưởng niềm tin với Tam bảo.
Mặc dù là một trường hạ ở miền quê với bao vất vả, lam lũ của người nông dân nhưng số lượng Phật tử đến nghe pháp cũng không dưới 60 người.
Điều mà chúng tôi cảm thấy thực sự ấn tượng và xúc động là hình ảnh một ni sư dù đã gần 80 tuổi nhưng vẫn nỗ lực học hỏi từng con chữ, từng ý kinh. Và ở trường hạ này, ai cũng vậy, dù tuổi đời, tuổi hạ ít hay nhiều, dù là Tăng hay Ni.
Chính điện, nhà tổ, phòng nghỉ, thậm chí nhà bếp, gốc cây cũng có thể là nơi đọc sách và trao đổi.
Tinh thần hiếu học của người con Việt và tinh thần cầu học đạo của người tu sĩ Phật giáo hòa quyện và bừng sáng nơi một làng quê nhỏ bé như bao làng quê khác.
Ở đây, các Thầy sống bên nhau thật giản dị, hiền hậu, gần gũi với những bữa cơm chay đạm bạc với rau muống luộc, cà muối, đậu chấm tương, với những chén nước vối đậm đà, với hương đồng gió nội, trong một không gian văn hóa, tâm linh đậm chất truyền thống.
Hơn 100 vị Phật tương lai sống hòa hợp trong một gia đình thực sự, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau từ việc nhỏ tới việc lớn, với một tâm nguyện tu tập tinh tấn để phục vụ chúng sinh, phục vụ dân tộc.
Chúng tôi, hàng Phật tử tại gia cảm thấy mình thật hạnh phúc vì được đến và cảm nhận cuộc sống xuất gia, cảm nhận được công phu tu tập trong tinh thần lục hòa cộng trụ của những bậc xuất trần thượng sĩ.
Và điều quan trọng hơn, một cuộc sống Tăng đoàn hòa hợp, thanh tịnh và tinh tấn nơi đây cũng là một mô hình lý tưởng cho xã hội thế tục hiện đại ngày nay noi gương và học tập.
Cổng chùa nhỏ bé nơi chốn quê
Với hương cau ngào ngạt
Lịch sử hai ngàn năm Phật giáo Việt Nam như lắng đọng quanh đây
Mái chùa nhỏ che chở bao thế hệ Tăng Ni
Kế thừa truyền thống An cư
Cứ ba tháng mỗi năm lại có dịp cùng nhau trau dồi Kinh, Luật, Luận
Giúp nhau tinh tấn
Sư bà gần 80 tuổi vẫn miệt mài học đạo
Hết giờ thính pháp
Nhà tổ chùa Võ Lăng
Chốn thiền môn trang nghiêm, thanh tịnh
Bức tranh vẽ Cố Hòa thượng Thích Thanh Viên, Viện chủ Tổ đình Võ Lăng
Khóa lễ ngọ
Khóa lễ hoàn mãn
Tiểu trường (Ôn bài và phụ đạo buổi chiều)
Nếp sống cửa thiền
Biên tập viên Phật tử Việt nam cập nhật Trang tin tại trường hạ
Tạm biệt trường hạ Võ Lăng
(*) Đăng lại