Năm 2002 đã có một cuộc hội thảo về việc dựng tượng vua Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử. Khi ấy, tượng đệ nhất tổ thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông dự định sẽ đặt trên đỉnh An Kỳ Sinh dưới chân chùa Đồng trong tư thế đứng.
Đại đức Thích Thanh Quyết, trụ trì các chùa Yên Tử, trong khi xem xét khu mộ tháp ở chùa Hoa Yên đã phát hiện một chi tiết đặc sắc: tượng Trần Nhân Tông tại khám thờ thể hiện ông trong trạng thái nhập thiền đại thừa. Bộ áo đại thừa của Trần Nhân Tông có một chi tiết rất lạ: nếp tay áo biểu hiện cho dòng tiểu thừa. Tay áo có nếp tiểu thừa này hoàn toàn tương đồng với pho tượng Trần Nhân Tông trên chùa Đồng và pho tượng Trần Nhân Tông ở đền Côn Sơn.
Tượng Trần Nhân Tông tại khu tháp chùa Hoa Yên
Hai pho tượng Trần Nhân Tông ở chùa Đồng và đền Côn Sơn có niên đại cổ nhất trong số những pho tượng, phù điêu còn sót lại về Trần Nhân Tông.
Với những phát hiện mới này, tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh đã gửi thư lên UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị xem xét lại tính mĩ thuật của tượng vua Trần Nhân Tông sẽ dựng trên đỉnh Yên Tử. Một hội thảo khoa học bàn về pho tượng Trần Nhân Tông đã được tiến hành trong ngày 22/12 vừa qua để xem xét lại tính mỹ thuật và quyết định thế của pho tượng. Thứ trưởng Bộ VH-TT, ông Trần Chiến Thắng; Đại đức Thích Thanh Quyết; Cục trưởng Cục di sản, ông Đặng Văn Bài, PGS – TS Trần Lâm Biền cùng nhiều chuyên gia khác đã tham gia góp ý…
Tại hội thảo, PGS-TS Trần Lâm Biền cho rằng: “Phải dựng tượng vua trong tư thế đứng, đang đi trên mây vì ông vừa là vị quân vương vừa đắc đạo thành Phật, ngài đi là để cứu nhân độ thế”. Ông Biền còn nói tiếp: Phải xây một tượng đài vĩnh cửu để ngoài trời, mà đã là tượng đài thì phải ở thế đứng, nếu tượng ngồi thì nên cho vào trong nhà có mái che.”
Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh quan tâm nhiều hơn tới hình thế của phù điêu Hoa Yên và hai pho tượng cổ tại chùa Đồng và đền Côn Sơn: Cần tham khảo hình thế và nếp áo để dựng tượng cho phù hợp.
Trong lời đề xuất của mình Đại đức Thích Thanh Quyết nói thêm rằng: “Cụ Trần Nhân Tông là một ông vua đi tu xuất gia rồi ngộ đạo thành Phật, nên cụ đứng cũng là Phật, cụ ngồi cũng là Phật, mà cả khi cụ nằm cũng là Phật”
Ông Trần Chương nguyên Trưởng ban quản lý di tích Yên Tử hiện giờ đang làm Phó ban Dân tộc Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Nên lấy khuôn mặt của vua Trần Nhân Tông trong tháp Hoa Yên để thiết kế tượng, còn cho tượng đứng, nằm hay ngồi cũng được.
Cục trưởng Cục di sản (Bộ VHTT), ông Đặng Văn Bài đưa ra ý kiến: “Nhất trí đặt tượng vua Trần Nhân Tông ở trên đỉnh An Kỳ Sinh, còn tính mĩ thuật như thế nào thì xin giao cho bên họa sĩ thiết kế”.
Kết luận hội thảo ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ VH-TT cho rằng: “Pho tượng đứng hay ngồi hay nằm cũng được miễn là đẹp, và thể hiện được yêu cầu của hội đồng tư vấn thiết kế.”