Chùa Láng nằm trên đất làng Láng cũ, nay thuộc phường Láng Thượng (quận Đống Đa).
Chùa Láng – còn gọi là chùa Cả – tên chữ Hán là Chiêu Thiền, tục truyền dựng từ đời Lý Anh Tông, trong chùa có tượng Từ Đạo Hạnh đan bằng mây, bên ngoài quét sơn, đồng thời còn có cả tượng Lý Thần Tông.
Trước đây, hội Láng không phải tổ chức hằng năm, mà cứ phải mươi, mười lăm năm một lần nhất là vào những lúc mưa thuận gió hoà, những khi vận hội thanh bình, nhà nhà no ấm.
Hội được mở cùng ngày với hội chùa Thầy – nơi tu hành của đức thiền sư tức là ngày 7.3 âm lịch.
Ngày mồng 5 bắt đầu hội, kiệu thánh được rước lên chùa Nền để ông thăm lại nơi chào đời. Ngày hôm sau lại rước thánh xuống chùa Tam Huyền ở làng Mọc để thăm cha. Hai ngày này chỉ rước bát hương mà không rước tượng.
Tối mùng 6, tượng ngài trong chùa Cả được rước ngự tại nhà bát giác để thánh xem 10 cô gái xiêm y lộng lẫy hát múa. Mùng 7, chính hội có đám rước lớn có hai lá cờ tiết mao đi đầu. Nối theo là hai hàng chiêng trống. Có cả con đĩ đánh bồng và long đình gồm rất nhiều cờ, quạt, lọng, phướn theo sau.
Lễ hội chùa Láng thực chất là lễ hội mùa xuân của cả một vùng gồm nhiều làng ở hai bên bờ sông Tô Lịch (Hà Nội) trước kia, nên có những nét khác lạ. Từ chùa ra tới đường cái đám rước đi rất chậm, ra đến cổng làng thì mới nhanh dần. Vừa có lễ dành cho thánh, vừa có lễ dành cho Phật, lại vừa có lễ dành cho thiên tử tượng trưng cho 3 kiếp hoá của Từ Đạo Hạnh.
Cái độc đáo làm nên nét riêng của lễ hội là hình thức trình diễn đấu thần. Tới cửa chùa Thánh Tổ (thờ Đại Điên) đám rước dừng lại, pháo lệnh nổ vang, rồi tiếp đó hàng loạt pháo thăng thiên và pháo chuột được đốt phóng sang chùa Thánh Tổ, sang chỗ kiệu Đại Điên đang núp. Đúng chính ngọ (12 giờ trưa) đám rước thật nhanh đi về chùa Cả. Đêm đó có hát chèo vãn hội.
Cùng ngày 7.3, tại chùa Thầy – nơi thờ pháp sư Từ Đạo Hạnh – cũng tổ chức lễ hội.