Trước ngày cất nóc, gió bấc tràn về rất mạnh. Những đầu thép chờ tại 12 chân cột bê tông rung bần bật. Ít ai dám nghĩ đến chuyện lắp ghép cột đồng, dựng khung chùa để tiến hành lễ cất nóc đúng giờ lành. Rất may, trời cũng chiều người, đến đêm thì gió lặng. 12 cột đồng được định vị, xà dọc, xà ngang được ghép mộng an toàn. Sáng ngày giỗ tổ, trời quang mây tạnh, cây thượng lương được đặt vào đúng vị trí. Theo tín ngưỡng dân gian, khi cất nóc đặt thượng lương cho một ngôi nhà thì coi như là ngôi nhà đã hoàn thành hình khối.
Như vậy, sau nửa năm khai móng động thổ, đệ nhất kỳ quan chùa Đồng Yên Tử đã bắt đầu sống đời sống riêng của nó. Đại đức Thích Thanh Quyết, trụ trì hệ thống chùa Yên Tử cho biết: Có thể sẽ làm lễ “hô thần nhập tượng” truớc tết âm lịch để du khách thập phương trẩy hội chiêm bái, sau hội Yên tử mới cắt băng khánh thành chùa Đồng theo đúng nghi thức Đạo và Đời.”
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc lấy màu cho chùa Đồng như thế nào vẫn còn chưa ngã ngũ. Ý nguyện của các tăng ni phật tử muốn thấy chùa Đồng ngời lên màu sáng vàng bóng như trong các bản vẽ thiết kế còn phía Ban quản lý dự án thì chọn màu đồng thẫm với những lý do rất khoa học: khí hậu nóng ẩm cùng với hương khói cúng dường lâu ngày sẽ khiến màu vàng sáng ngả màu. Quá trình xuống màu tự nhiên này sẽ tạo nên những vết loang lổ không đồng đều. Công tác bảo dưỡng công trình toàn bằng đồng này sẽ rất khó khăn và thì tính mỹ thuật sẽ giảm đi đáng kể.
Đại đức Thích Thanh Quyết trong lễ cất nóc chùa Đồng – Yên Tử
Chùa Đồng cũ
Phá dỡ chùa Đồng cũ
Vận chuyển các chi tiết chùa Đồng bằng ròng rọc lên đỉnh Yên Tử
Đưa đầu hồi vào vị trí
Phật tử trong lễ cất nóc chùa Đồng