Trang chủ Văn hóa Du lịch Đến quê hương đức Phật

Đến quê hương đức Phật

64

Máy bay tiếp đất rồi dừng lại. Thật lạ, mưa tạnh và trước mặt chúng tôi là một vừng sáng màu hồng nhạt. Có lẽ đó là sắc cầu vồng ở phía chân trời…


Hoàng hôn ở thành phố Mumbai

 

Buổi lễ đón tiếp diễn ra giản dị. Khi chúng tôi lên xe, đi vào thành phố, trời lại mưa. Nhiều đường phố ngập nước. Tôi nhìn thấy một góc phố nước ngập quá đầu gối, nhiều người dân đang bắt cá. Đuổi bắt cá trên đường phố ngập nước, thật thú vị… Thì ra, có một con sông cách mấy dãy phố nơi xe chúng tôi vừa đi qua…

 

Cây xanh, rất nhiều cây xanh, những khu nhà chọc trời và những túp lều lụp xụp… Tôi đưa máy ảnh lên định ghi lại một vài hình ảnh thì Lê Dũng, người của  bộ Ngoại giao ngồi cạnh tôi bảo: “Lát nữa, anh sẽ thấy rất nhiều cảnh lạ lắm”.

 

Quả thật, càng đi sâu vào thành phố, càng nhiều cảnh tượng lạ mắt. Những chiếc xe taxi cổ lỗ, tưởng như không thể nào cổ hơn, đang nhả khói cố vượt lên những chú bê con thủng thẳng, một đàn vịt vỗ cánh bay qua đám trẻ con cởi trần nghịch nước, những mái nhà tạm bợ nép bên lề đường không phải lợp bằng tôn, giấy dầu mà bằng những mảnh ni lông màu xanh…

 

Tôi ngước nhìn những tán cây bồ đề dịu mát còn đẫm nước mưa. Đất nước sinh ra đức Phật nhưng lại chỉ có 0,75% số người theo đạo Phật. Thật lạ. Và hình như ở xứ sở này, con người sống vô tư như cỏ cây giữa thiên nhiên bày đặt…

 

Ấn Độ, một quốc gia có diện tích đứng thứ 7 thế giới (3.280.483 km2) nhưng lại là nước khổng lồ về dân số, trên một tỷ người (1.095,351 triệu) có lẽ, chỉ đứng sau Trung Quốc. Ngày 15/8/1947, Ấn Độ giành độc lập nhưng phải đến ngày 26/1/1950 mới là ngày Cộng hòa (Quốc khánh).

 

Trước khi đến quê hương đức Phật , tôi lục tìm những tài liệu liên quan đến đất nước Ấn Độ huyền bí, với những câu chuyện xung quanh cây bồ đề mà đức Phật đã tọa thiền… Tôi tìm đọc cuốn sách “Bước đầu học Phật” của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Đức Phật Thích ca Màu ni (Sakya muni) chính là thái tử Tất Đạt Ma.

 

“Ngài sinh ra trong cung vua  Tinh Phạm, ở thành Catỳla vệ phía bắc của miền Trung Ấn Độ. Thái tử thường đi dạo bốn cửa thành chứng kiến sự sinh, già, bệnh, tử của kiếp người, khiến ngài xót xa đau đớn. Ngài quyết định từ bỏ cuộc đời sang trọng trong hoàng cung, dấn thân vào rừng núi để tìm ra con đường giải thoát sinh tử. Trải qua mười một năm trời học đạo và khổ tu, bốn mươi chín ngày tọa thiền dưới gốc cây bồ đề, ngài bỗng hoàn toàn giác ngộ thành Phật, hiệu là Thích ca Mâu ni”.

 

Cuốn sách còn cho tôi biết rằng, giáo lý nhà Phật hướng con người đến cái thiện, biết sống hòa hợp với thiên nhiên. Tôi muốn nhìn tận mắt, người dân Mumbai, Kalkata, New Delhi… sống hài hòa với thiên nhiên như thế nào. Và, cũng muốn có một chiếc lá bồ đề trên quê hương của đức Phật…

 


Giáo lý nhà Phật hướng con người đến cái thiện, biết sống hòa hợp với thiên nhiên

 

Lịch làm việc của đoàn kín mít. Tìm được thời gian để ra phố, đến những nơi có người dân bình thường sinh sống không phải dễ. Tại Kalkata, tranh thủ lúc nghỉ giải lao và ăn trưa; tôi, Lê Kiên Thành, Hoàng Quang Thuận và Liên Hương bắt taxi “hạ phong”…

 

Nói “hạ phong”, là nói vui, là đi từ cao xuống thấp, từ nơi chúng tôi đang ở, một khách sạn sang trọng, tại một khu phố sang trọng vào loại bậc nhất Kalkata xuống khu người nghèo, xuống nơi có những mái nhà chưa thể gọi là nhà…

 

Thành phố đen đặc taxi. Nhìn qua, những chiếc xe màu đen kẻ sọc đỏ, trắng rất bắt mắt. Tôi thích nhất là cái dáng cổ của nó. Ở Luân Đôn, thủ đô nước Anh, tôi cũng đã đi những chiếc xe taxi có hình dáng cổ như thế, hệt như thế với đầy đủ các tiện nghi hiện đại trong xe, rất thú.

 

Khi leo lên xe, chúng tôi mới biết, xe cổ và cũ. Lòng xe hẹp, thấp, đến mức tất cả chúng tôi dù đã ngồi bệt xuống ghế, vẫn phải cúi đầu, khom lưng…

 

Xe không có máy lạnh, nhiệt độ ngoài trời gần 40oC. T.S Lê Kiên Thành, chúng tôi gọi vui là “thái tử” vì anh là con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cởi bỏ comple, cavát, chiếc áo sơ mi ướt đẫm mồ hôi. Thành bứt rứt, khổ sở vì chật, vì nóng, luôn tay dùng khăn lau mồ hôi trán… Hoàng Quang Thuận to béo lại càng khổ sở hơn…

 

Chúng tôi định xuống xe để gọi một chiếc taxi khác, nhưng người lái xe cho hay, hầu hết taxi chạy trên phố đều không có máy lạnh, đều chật như thế. Thì ra, nhìn bề ngoài, những chiếc taxi ở Anh và Ấn Độ giống nhau, nhưng chất lượng thì một trời một vực. Taxi ở Kalkata cổ lỗ, cổ và cũ, còn taxi ở Luân Đôn có dáng cổ, nhưng là loại xe mới, hiện đại. Nhiều khi, chết vì cái bề ngoài giống nhau.

 


Hầu hết taxi chạy trên phố đều không có máy lạnh và chật chội

 

Có một điều rất lạ, những người dân đi trên đường phố, trên xe, trên lưng những con ngựa… đều tỏ ra vui vẻ, không ai bức xúc, cáu bẳn, xô đẩy, chen lấn hay nổi đóa dù trời nóng, bụi, tắc đường… Người lái taxi chở chúng tôi áo quần ướt đẫm mồ hôi, liên tục bẫm còi, giẫm phanh, sang số để chiếc xe nhích bánh trên đường, vẫn vui cười như đang đi hội…

 

Nhìn những cảnh ấy khiến chúng tôi tự nhủ mình phải bình tâm. “Đối cảnh tâm không động” như lời dạy trong sách Phật. Phải, đất nước trên một tỷ dân, nơi sinh ra Phật tổ, nơi mà môn phái Yoga nổi tiếng đang chinh phục cả thế giới bởi sự bình tâm của lòng kiên nhẫn… Một đất nước có 5.000 năm lịch sử, và bây giờ, có bom nguyên tử trong tay, nơi mà mười chín thứ tiếng được hiến pháp công nhận là ngôn ngữ chính… có sức hấp dẫn du khách biết nhường nào.

 

Mải mê với sự lạ xứ người, lúc quay trở về mới hoảng. Đường tắc, chiếc xe taxi chở chúng tôi chỉ nhích bánh được từng phân… Về đến khách sạn, mới biết đoàn đã lên đường ra sân bay, đã đi mấy chục phút rồi…

 

Đào Liên Hương, bà chủ Công ty Quốc Anh, một địa chỉ tin cậy của những học sinh Việt Nam muốn du học nước ngoài, qua tin nhắn của vợ doanh nhân Vũ Văn Tiền  cho biết, trừ bốn chúng tôi, mọi người đã có mặt trên chuyên cơ…

 

Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, người đã có những bài thơ thiền nổi tiếng, gọi một đĩa thức ăn (vì cả ngày chưa ăn gì) vội bỏ xuống bàn, chỉ có Lê Kiên Thành, Giám đốc Công ty thương mại Thiên Minh, từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank, tỏ ra bình tĩnh hơn cả.

 

Giờ có ba khả năng: Ở lại tự mua vé máy bay, bay lên New Delhi ngày mai. Nhưng, hộ chiếu đâu? Hộ chiếu của chúng tôi người của Bộ Ngoại giao cầm, giờ đang ngồi trên chuyên cơ. Khả năng thứ hai là nhờ Đại sứ quán để có thể lấy lại hộ chiếu. Cuối cùng, chúng tôi nghĩ đến khả năng thứ ba. Khả năng liều!

 

Lê Kiên Thành nhờ khách sạn thuê cho một chiếc taxi xịn nhất, một người lái xịn nhất… Hai phút, lái, xe đã có mặt. Chúng tôi chỉ còn 50 phút để ra sân bay. Năm mươi phút nữa, chuyên cơ cất cánh.

 

Tôi nhớ, hôm từ sân bay về khách sạn, có xe cảnh sát dẹp đường, chúng tôi phải đi mất 90 phút. Bây giờ, chỉ còn 50 phút, lại không có xe dẹp đường, giữa một biển người, biển taxi, biết làm sao! Người lái xe nói rằng, anh đã từng đưa tỷ phú Bill Gates ra sân bay. Nhưng, anh cũng bảo, nhanh nhất, cũng phải đi 90 phút…

 

Chiếc xe rời khách sạn, phóng như bay. Lúc vút lên, lúc khựng lại. Luồn lách như trong phim hành động của Hollywood. Người lái xe bảo: “Mọi người chú ý nhìn ra hai bên đường, thấy đền, chùa thì chắp tay bái lạy, Thần Phật sẽ phù hộ cho…”.

 

Lê Kiên Thành rút một tờ đô dúi vào tay anh ta. Hoàng Quang Thuận, Đào Liên Hương liên tục quay phải, quay trái, lạy…

 

Tôi không dám nhìn ra ngoài. Chiếc xe phóng với tốc độ kinh người, hình như chạy cả vào đường cấm, đường ngược chiều…

 

Khi chiếc taxi mang nhãn hiệu Mercedes đậu xịch trước cổng sân bay, chúng tôi mới hoàn hồn. Phía bạn đã cho xe chờ sẵn chúng tôi ở đầu đường băng .

 

Thật khó tin:  Đúng 51 phút. Tôi vừa ngồi xuống, thắt dây an toàn thì chuyên cơ rầm rầm cất cánh…

 

Phật tổ đã phù hộ chúng tôi ư ?

 

Những ngày ở Thủ đô New Delhi, ngoài công việc, chúng tôi tranh thủ ra phố tìm những vườn cây bồ đề… Khi tôi ngỏ ý muốn  có một chiếc lá bồ đề làm kỷ niệm, người của Đại sứ quán bảo: Phải là lá bồ đề Đạo Tràng, nơi đức Phật hành đạo mới thiêng, chứ lá cây bồ đề ngoài phố thì…

 

Cũng phải. Ở Ấn Độ có hàng triệu cây bồ đề, có khác chi những cây bồ đề ở Việt Nam…

 

Hôm ở trên máy bay trở về nước, tôi nhận được một chiếc phong bì. Mở phong bì, thật ngạc nhiên. Nhà sư Huyền Diệu, chủ trì Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa Việt Nam duy nhất được xây dựng ngay trên mảnh đất đức Phật tọa thiền, ông gửi cho tôi một chiếc lá Bồ Đề ép trong tấm bìa màu vàng có in hình Đức Phật.

 


Tại Ấn Độ có hàng triệu cây bồ đề.

 

Tôi đọc những dòng chữ trên đó: Tại Ấn Độ có hàng triệu cây bồ đề, nhưng chỉ có cây bồ đề tại thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo là được mọi người từ các vị quốc vương, các vị lãnh đạo Chính phủ các nước, chư vị tăng ni Phật tử, các nơi trên thế giới đến chiêm bái thánh địa quan trọng nhất này, ai ai cũng mong mỏi có một lá Bồ Đề, vì tin tưởng rằng lá của cây chứa đựng sự linh thiêng, mầu nhiệm và sự tuệ giác của chư Phật.

 

Mỗi lần có lá cây Bồ Đề này rớt xuống là có biết bao khách hành hương chiêm bái đến giành lượm. Thật là khó cho chúng ta có được nhiều, khi mà người quá đông!

 

Thầy trò chúng tôi chỉ có cách là chịu cực thức dậy thật sớm, lúc mọi người còn ngủ ngon, thế là lượm được một số, để biếu tặng những gia đình Phật tử nào hữu duyên có được…”.

 

Người xưa nói: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ! Hóa ra, chúng tôi tuy vất vả trong chuyến đi đến đất Phật, nhưng lại là những người hữu duyên…