Đây là những thiền sinh đã từng tham dự khóa thiền 10 ngày tại chùa Hồng Trung Sơn, xã Nam Cát Tiên, Huyện Tân Phú, Đồng Nai.
Bên cạnh đó, những người chưa tham dự cũng có dịp được giới thiệu và tìm hiểu thêm về phương pháp thiền.
Buổi ôn tập diễn ra tại trường Tuệ Đức, khu đô thị Thanh Hà, Thanh Oai, TP.Hà Nội.
Phần vấn đáp với rất nhiều câu hỏi được đặt ra và được giải đáp cặn kẽ, chủ yếu xoay quanh các vấn đề làm sao khắc phục những khó khăn khi hành thiền tại nhà đối với các thiền sinh cũ; đồng thời chỉ dẫn phương cách để chuẩn bị cho lần đầu học thiền cũng như những trường hợp đặc biệt thì phải tiếp xúc với thiền ra sao v..vv…
Phần thuyết giảng nối tiếp với chủ đề: “Lợi ích Thiền’’. Bài giảng này cũng chính là đề tài được thuyết trình tại Hội thảo khoa học – Vesak LHQ 2019 vào ngày 13/5/2019 tại chùa Tam Chúc.
Nhận thức về Thiền Phật giáo trong đời sống hiện đại
Di sản quí báu nhất của nhà Phật chính là Thiền, chứ không phải là niềm tin và tín ngưỡng. Bởi đức Phật từ bỏ cung vàng điện ngọc, đời sống vương giả để đi tìm con đường giải thoát xuyên qua việc hành trì thiền định, hoàn toàn không phải là chuyện bình thường.
Vì thế, Thiền là tinh hoa của Phật giáo với tôn chỉ hướng đến giác ngộ và giải thoát khổ đau hoàn toàn.
Hầu hết các tông phái Phật giáo đều lấy đó làm căn bản cho sự tu tập trên con đường cải thiện tâm linh và xây dựng xã hội bền vững.
Ngày nay, phương pháp thiền đã phổ biến rộng khắp các nước phương Đông lẫn phương Tây như một nghệ thuật sống và được giảng dạy thành một hệ thống giáo dục, kết hợp giáo lý đạo Phật cùng với kiến thức khoa học hiện đại.
Ứng dụng Thiền đối với sức khỏe và gia đình hòa hợp
Học thiền phải đứng trên nền tảng của Giới – Định – Tuệ, nếu không sẽ vô cùng nguy hiểm.
Bởi tu thiền chỉ để phục vụ cho sự tham cầu của mình với mục tiêu sẽ đem lại sức khỏe, sự minh mẫn hơn, thông minh hơn, sáng tạo hơn thì tham, sân, si sẽ gia tăng hơn.
Chính vì vậy, chỉ giảng dạy thiền chuyên sâu cho những người phát nguyện giữ Giới nghiêm túc.
Giống như người không biết nhân quả mà thông minh, tài giỏi thì vô cùng nguy hiểm.
Học thiền, là rèn luyện khả năng trải nghiệm trực tiếp, khi giữ Giới được, thì Định mới có hiệu quả và Tuệ mới có khả năng phát triển.
Ba yếu tố giới, định, tuệ sẽ hỗ tương cho nhau vững chãi như chiếc kiềng ba chân vậy.
Lợi ích thực hành thiền đúng pháp, chắc chắn tâm sẽ bình an, trí tuệ sáng suốt và thân sẽ được tăng trưởng sức khỏe; Nhờ đó, đương nhiên mọi công việc được xử lý thấu đáo hơn và sẽ hoàn thiện cuộc sống gia đình hoà thuận hơn.
Đời sống chánh niệm kiến tạo một xã hội bền vững
Người biết hành thiền chánh niệm sẽ biết sống ít muốn, biết đủ.
Trên thực tế, nếu chúng ta không biết sử dụng trí thông mình của mình một cách đúng mực sẽ đưa đến tự hoại; chẳng hạn như, con người sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, khai thác cạn kiệt, thì môi trường bị hủy hoại và dẫn đến hủy diệt trái đất.
Nên người biết tu thiền sẽ không bị vọng tưởng chi phối, sẽ không chi xài với cái tưởng; bởi cái tưởng của con người rất lớn, không cùng tận. Ví dụ: khi đi siêu thị cái gì thích cũng muốn mua, nhưng thực tế mua về lại không biết dùng vào việc gì…
Cho nên học thiền phải có một nhận thức sâu sắc hơn về quy luật tự nhiên, hãy yêu thương bản thân, yêu thương thiên nhiên, cũng chính là yêu thương quê hương đất nước mình vậy.
Đặc biệt, thiền Vipassana trở thành nghệ thuật sống trong thời đại công nghệ 4.0.
Chúng ta đi theo Phật, học Phật, là học tinh hoa, học Pháp của Ngài để được hạnh phúc.
Chúng ta thật may mắn được sanh ra trong thời đại ngày nay, được tiếp cận với nền văn minh khoa học nâng cao, điều đó việc học Phật pháp cũng vô cùng thuận lợi.
Từ đó, chúng ta nhận ra chân thật của pháp môn thiền Phật giáo ứng dụng trong xã hội hiện đại đã góp phần kiến tạo một thế giới văn minh, an toàn và ổn định.
Buổi hướng dẫn ôn tập khép lại trong sự hoan hỉ của tất cả mọi người. Đây là cơ hội hiếm có của các thiền sinh phía Bắc khi được ngồi lại bên Thầy trong một không gian ấm ấp tình Thầy trò, tình Đạo hữu đến như vậy; lại có cơ hội nối kết, chia sẻ kinh nghiệm trong thực tập, cùng sách tấn và hoạch định cho những buổi ôn tập kế tiếp.
Với sự hoan hỉ đó, các thiền sinh đều ao ước sẽ có những lớp thiền 10 ngày trọn vẹn tại Hà Nội để quí thiền sinh có cơ hội được thực tập thuận lợi hơn.
Hạnh Hoa – Chơn Từ