Hôm nay các giới tử ý thức rõ vấn đề này nên phải dọn sạch gai góc, trồng vào mảnh đất tâm linh những cây danh mộc, chính là cây giới đức. Trước khi trồng cây giới đức vào đất tâm, tôi có mấy vấn đề hướng dẫn các giới tử như sau:
Quán sát tự thân
Đức Phật dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe, chúng Tăng khó gặp, lòng tin khó sinh, sáu căn khó đủ…”. Các giới tử hôm nay đã được làm thân người, sáu căn vẹn đủ, đã gặp bạn lành, được nghe Phật pháp, nương tựa Tăng già, đã phát lòng tin và lại được xuất gia thọ giới. Nhờ nhiều đời kiếp trồng căn lành, nên đời này mới được kết quả tốt như vậy, đây là điều quý báu nhất. Đức Phật dạy: “Trong lục đạo chúng sanh, loài người là tối linh hơn cả, loài người có khả năng thăng hoa cuộc sống, trở thành Phật, Thánh nhưng loài người cũng dễ bị sa đọa, tạo tội lỗi rồi chịu khổ trong sáu nẻo luân hồi”. Cho nên Đức Phật thị hiện ở đời tu hành chứng đạo cũng từ con người.
Quán sát tự thân, các giới tử cảm thấy mình có dự phần phước đức nên ngày nay mới hưởng được cái duyên thù thắng như vậy nên phải vui mừng và tinh tấn hơn lên.
Ý nghĩa xuất gia
Xuất gia có ba nghĩa: Xuất thế tục gia, Xuất phiền não gia và Xuất tam giới gia. Xuất thế tục gia là rời bỏ ngôi nhà thế gian nhiều ân ái trói buộc đến ở chùa thanh tịnh. Xuất phiền não gia là đoạn diệt phiền não tham, sân, si khiến cho tâm hồn an lạc. Xuất tam giới gia là diệt sạch vô minh không còn trôi lăn trong tam giới. Một người tu hành không phải ra khỏi nhà thế gian, đến ở chùa là đủ mà còn ra khỏi nhà phiền não và tam giới. Vì vậy, có nhiều người dù “đầu tròn, áo vuông” nhưng chỉ là người làm công quả, chứ chưa thể gọi là người xuất gia được. Cho nên muốn xuất phiền não và xuất tam giới thì phải thọ trì giới pháp của Phật. Có hai điều cơ bản để cho người tu theo Phật thành tựu, đó là Chánh kiến và Tịnh giới.
Chánh kiến là thấy biết đúng sự thật, tin tưởng tuyệt đối vào Tam bảo. Tịnh giới là lãnh thọ và hành trì giới pháp Phật chế, tùy theo cấp độ tu hành mà lãnh thọ 5 giới, 10 giới, 250 giới, 348 giới v.v… suốt đời gìn giữ không sai phạm. Thành tựu Chánh kiến và Tịnh giới mới được gọi là người xuất gia đúng nghĩa.
Những điểm trọng yếu trong giới luật
Thứ nhất, Đức Phật chế giới luật là muốn cho chúng ta gạt bỏ tục tình quê hèn, tạo phước đức tốt, lập chí nguyện lớn. Cho nên muốn lập sự nghiệp lớn trong Phật pháp, muốn làm đệ tử Phật chân chính thì trước hết phải giữ giới.
Giới là hàng rào ngăn che các nhiễm ô do tác dụng của căn trần, là thành trì ngăn cản sự dấy khởi của tà niệm bên trong. Giới là phao nổi qua biển khổ, là chuỗi ngọc anh lạc trang nghiêm pháp thân, là đèn sáng phá mê mờ, là mạng sống của Tăng già.
Giới của Phật có công năng đề phòng điều sai trái, ngăn chặn việc tội lỗi. Kinh Phạm Võng dạy: “Chúng sanh thọ Phật giới tức nhập chư Phật vị”, thọ giới của Phật là bước vào địa vị chư Phật.
Thứ hai, Đức Phật chế giới luật là nêu ra những khuôn mẫu để chúng đệ tử y theo đó mà tu hành. Bởi vì Tăng không phải một vài người mà là số đông, nếu không có giới thì biết căn cứ vào đâu để hòa hợp trợ duyên cho nhau, tạo thành Tăng đoàn vững mạnh để truyền bá Chánh pháp?
Vì vậy, từ 12 năm đầu về sau, Đức Phật đã tùy căn cơ của chúng sanh mà lần lượt chế ra giới luật. Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, giới luật được ngài Ưu Ba Ly kết tập thành tạng Luật. Giới luật trải qua thời gian đến nay vẫn còn tồn tại. Ai tuân giữ những giới pháp đó thì đều xứng đáng là con Phật. Sự thành tâm thiện chí của đệ tử Phật đối với giới pháp của Ngài chính là sự cúng dường cao quý nhất. Bởi một người xuất gia đầy đủ giới đức, oai nghi tế hạnh sung mãn, chính là bậc thầy gương mẫu có thể thay thế Phật thuyết pháp độ sanh ở cõi Ta bà. Giới luật làm cho con người trở thành đức hạnh, gương mẫu, giải thoát. Do đó, Đức Phật đã rất nhiều lần dạy chúng ta phải tôn sùng quý trọng giới luật.
Yếu tố đắc giới
Thọ giới là nguyện nhận lãnh những quy phạm của Đức Phật để tịnh hóa thân tâm. Trước khi thọ giới, các giới tử phải sám hối tội lỗi về quá khứ do thân, khẩu, ý đã tạo nên. Tâm chúng ta như cái bình lâu ngày không sử dụng nên bị nhơ nhớp, nay muốn dùng chiếc bình ấy thì phải lau chùi. Kế đến phải phát Bồ đề tâm, nhất tâm hướng về Tam bảo, Hộ pháp, Long thiên, cầu gia hộ với chí thành tha thiết lãnh thọ giới pháp.
Nhờ pháp Yết ma mà các giới tử thành tựu giới thể. Yết ma lần thứ nhất “thành” thì giới thể chu biến pháp giới đều rúng động. Yết ma lần thứ hai “thành” thì giới thể chu biến pháp giới đã rúng động kia vân tập trên đảnh đầu giới tử. Yết ma lần thứ ba “thành” thì giới thể kia từ trên đảnh thấm nhuần vào châu thân. Lúc bấy giờ giới tử nào tự nghe (cảm giác) trong người đều rởn ốc, rùng mình, tất nhiên người đó đắc giới. Thân phàm xác thịt này sau khi đắc giới được gọi là “Giới thân”, nếu người nào tinh tấn tu hành giữ gìn giới pháp thanh tịnh không hề hủy phạm thì “Giới thân, huệ mạng” được viên mãn.
Bảo vệ giới
Chúng ta thọ giới rồi, phải phòng hộ, bảo vệ giới. Muốn bảo vệ giới, phải xa lánh ngũ dục lạc. Hàng ngày, các giới tử phải nương ánh sáng Tam bảo, phải lễ bái, thọ trì, đọc tụng, thiền quán, nghiên tầm giáo lý, làm bạn với thiện tri thức, gần gũi các bậc cao tăng. Luôn bảo vệ “sơ tâm”, cái tâm ban đầu của chúng ta đến với đạo. Nếu các giới tử bảo vệ tốt giới pháp là đã làm cho Chánh pháp thường trụ ở thế gian. Đức Phật dạy rằng: “Các người hãy gắng tu hành, đừng làm kẻ sau cùng trong giáo pháp của Ta”. Giữ gìn tâm niệm thanh tịnh sáng suốt, đem Chánh pháp của Phật truyền bá giữa thế gian, được vậy thì Phật pháp sẽ không chấm dứt ngay đời ta và ta không là kẻ sau cùng của Phật pháp.
Lời dặn dò của Đức Phật thật thâm sâu, thấm thía. Với một giáo pháp cao quý như vậy mà hàng đệ tử Phật không biết tôn trọng giữ gìn, lại để cho mất đi thì đó là điều hết sức đáng tiếc! Vì vậy, người muốn thọ giới Phật không thể đem cái tâm niệm tầm thường, hời hợt thọ trì, mà phải có khí tiết đại trượng phu mới có thể lãnh thọ. Trong Luật gọi người xuất gia là chiến sĩ đang đánh giặc phiền não. Nếu phạm giới là thua, là chiến sĩ bại trận. Do đó, người nghiêm trì giới luật là bậc đại trượng phu.
Lúc sắp Niết bàn, Đức Phật đã dạy: “Ta không đi đâu cả, nửa tháng chúng ta gặp lại một lần”. Đức Phật gặp lại chúng ta vào ngày Bố tát – theo Luật định, trước khi Bố tát, phải kiểm điểm xem trong nửa tháng vừa qua thân, khẩu, ý của chúng ta có điều gì sai phạm. Nếu có phạm thì phải ăn năn sám hối đúng như pháp, nhờ đó mà thân tâm thanh tịnh. Như vậy, nếu giữ giới thanh tịnh, tu hành đúng Pháp, đúng Luật thì chúng ta luôn gặp Phật.
Tương lai Phật pháp sẽ rực rỡ, quang minh và hưng thịnh nếu vị Tỷ kheo, vị Tỷ kheo ni, các vị cư sĩ sống chánh đáng, trong sáng như Luật, như Pháp.